Charles Schumer – “kỳ đà cản mũi” của ông Donald Trump

Thúy Ngọc ​ 25/01/2018 21:10

(Baonghean) - Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ - nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer đang trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày chính phủ Mỹ “nhùng nhằng” giữa chuyện mở cửa – đóng cửa.

Dù chính phủ Mỹ đã hoạt động trở lại sau 3 ngày đóng cửa nhờ gói ngân sách tạm thời tới ngày 8/2, nhưng chỉ cần một cái lắc đầu của ông Charles Schumer nếu không đạt thỏa thuận với phe Cộng hòa trong các cuộc đàm phán về chương trình quản lý người nhập cư DACA, chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa trở lại. Kể từ khi nắm giữ vị trí lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Charles Schumer đã nhiều lần cản trở các chính sách của ông Donald Trump, và lần này cũng phải là ngoại lệ.

Nhân vật “thú vị nhất ở Washington”

 Charles Schumer – người dẫn dắt phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ (AP)
Charles Schumer – người dẫn dắt phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ. Ảnh: AP.

Khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống và bắt đầu lựa chọn các vị trí cấp cao trong bộ máy, nhiều sự chú ý đổ dồn về hai nhân vật được coi là số 1 và số 2 của Nhà Trắng, đó là Chánh văn phòng Reince Priebus và Chiến lược gia trưởng Steve Bannon. Thế nhưng, với những người thực sự sành sỏi về chính trị ở Washington, nhân vật mà họ coi là thú vị nhất phải là Charles Schumer – lãnh đạo của phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ.

Ông Charles Schumer nắm giữ vị trí lãnh đạo phe Dân chủ Thượng viện Mỹ từ cuối năm 2016 sau khi người tiền nhiệm Harry Reid nghỉ hưu. Đây là thời điểm mà đảng Dân chủ đón nhận những tin tức không mấy tốt lành: họ đánh mất thế đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện, và người sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng là ông Donald Trump chứ không phải bà Hillary Clinton sau một cuộc đua đầy gay cấn. Chỉ riêng điều này thôi đã làm cho vị trí của Schumer trở nên hấp dẫn: ông sẽ gương mặt đại diện của đảng Dân chủ ở cả Washington và trên toàn quốc, ông sẽ là chiến lược gia dẫn dắt đảng Dân chủ đối mặt với thế kiểm soát của đảng Cộng hòa tại cả Nhà Trắng và Đồi Capitol.

Vị trí của ông Charles Schumer còn lôi kéo thêm sự hấp dẫn bởi những thông tin bên lề như việc ông là một người khá gần gũi với Tổng thống Donald Trump và có thể sẵn sàng thỏa hiệp với phe Cộng hòa, hay việc Tổng thống Donald Trump công khai ca ngợi mối quan hệ của họ, rằng ông “yêu thích ông Schumer nhiều hơn thượng nghị sĩ Mitch McConnell lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện cũng như ông Paul Ryan – chủ tịch Hạ viện vì cả hai người này đều không muốn ông Donald Trump thắng cử.

Bởi vậy, người ta chờ đợi ông Charles Schumer sẽ ứng xử ra sao trong mối quan hệ với Tổng thống Trump, với ông Mitch McConnell và ông Paul Ryan, đồng thời xem ông sẽ dẫn dắt phe Dân chủ như thế nào trong việc giành lại đa số ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm 2018. "Tôi không sợ Donald Trump. Tôi không sợ đảng Cộng hòa.” – lời cam kết của Charles Schumer đã thực sự khiến ông trở thành nhân vật đáng chú ý nhất ở Washington.

Tận tụy với đảng và nhân dân

Nhiều người nhận xét Charles Schumer là một người “tận tụy với đảng và nhân dân”. Lời nhận xét có vẻ mang màu sắc “khẩu hiệu” nhưng lại hoàn toàn đúng với những gì mà Charles Schumer đã thể hiện trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.

Charles Schumer sinh ngày 23/11/1950 tại Brooklyn, New York, nơi cha ông sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, còn mẹ ông làm công việc nội trợ. Ông theo học tại trường công và tốt nghiệp trường Trung Học James Madison trước khi đến Harvard University, và sau đó là Trường Luật Harvard.

Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm 1974, Schumer ngay lập tức được bầu vào Hội đồng thành phố của New York, khởi đầu sự nghiệp chính trị rất sớm ở tuổi 24. Đến năm 1998, ông tiếp tục được bầu vào Thượng viện Mỹ. Ông đã khởi đầu nhiệm kỳ tại Thượng viện đầu tiên của mình bằng cách tuyên bố sẽ thăm 62 quận của New York mỗi năm – một lời hứa mà ông vẫn thực hiện cho tới thời điểm này.

Ông được biết đến như là một trong những quan chức được bầu cử nhiều nhất và có nhiều chức vụ nhất của Mỹ. Vô số người New York từ mọi tầng lớp xã hội đã có cơ hội trò chuyện, giao lưu với ông trong thời gian ông xuất hiện tại các hội nghị, các lễ hội, các sự kiện công cộng. Ông được người New York yêu mến gọi là “chiến binh không mệt mỏi”, sẵn sàng xuất hiện ở những điểm nóng để hỗ trợ người dân.

Charles Schumer thường xuyên tìm cách sử dụng quyền hạn của chính phủ để hỗ trợ người dân. Ông từng kêu gọi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm xử lý các nhà sản xuất kem chống nắng có sản phẩm không bảo vệ được nhiều như quảng cáo, hay kêu gọi Cục Quản lý hàng không Liên bang đưa ra các tiêu chuẩn chỗ ngồi rộng rãi hơn trên các hãng hàng không thương mại.

Đối với đảng Dân chủ, ông thể hiện vai trò nổi bật ở 3 lĩnh vực: dẫn dắt các chính sách mà đảng Dân chủ muốn theo đuổi, có khả năng gây quỹ đáng nể cho đảng và là người truyền thông mạnh mẽ nhất về các hoạt động của đảng tới công chúng. Trong giai đoạn bầu cử năm 2016, ông đã huy động được tới 18,6 triệu USD qua các chiến dịch vận động và đã chuyển phần lớn số tiền này cho Ủy ban vận động tranh cử của đảng Dân chủ cũng như các đồng nghiệp khác.

Charles Schumer cản trở rất nhiều chính sách của Tổng thống Donald Trump (Getty)
Charles Schumer cản trở rất nhiều chính sách của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty.

Schumer đôi khi được gọi là "Thượng nghị sĩ từ Phố Wall" vì khả năng gây quỹ khổng lồ của mình. Với tư cách là người lãnh đạo thiểu số của Thượng viện, Schumer dẫn các đảng viên đảng Dân chủ cản trở nhiều chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Y tế ObamaCare và xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Charles Schumer từng tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi là luôn kiểm soát Tổng thống và các đồng nghiệp Cộng hòa với trách nhiệm cao nhất” – và đến nay, ông vẫn được coi là người bảo vệ quyết liệt các quan điểm của đảng Dân chủ.

Cuộc chiến ngân sách

Ảnh
Bức tường biên giới Mexico – công cụ “mặc cả” của Schumer trong “cuộc chiến ngân sách” với ông Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi nắm giữ vị trí lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông Charles Schumer đã cản trở khá nhiều quyết định quan trọng của Tổng thống.

Khi ông Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng hồi đầu năm 2017, ông Schumer đã dẫn đầu phe Dân chủ phản đối hầu hết các ứng cử viên nội các mà ông Donald Trump chỉ định, trong đó có Bộ trưởng Giao thông Vận tại Elaine Chao – vợ của Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, hay kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từ chức vì những thông tin có quan hệ với Đại sứ Nga tại Mỹ. Mới đây nhất, ông đã nỗ lực ngăn cản quyết định của Tổng thống Donald Trump xóa bỏ Chương trình bảo vệ di dân bất hợp pháp DACA – nguyên nhân chính trong “cuộc chiến ngân sách” giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ khiến chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa trong 3 ngày.

Các nghị sĩ Cộng hòa cáo buộc đối thủ Dân chủ tìm kiếm một đòn bẩy cho vấn đề cải cách di cư, bất chấp việc đẩy chính phủ vào tình trạng phải đóng cửa. Tuy nhiên, ông Charles Schumer phản biện rằng phe Dân chủ đã chấp nhận đưa vấn đề xây dựng bức tường dọc biên giới Mexico của ông Donald Trump vào bàn luận tại quốc hội để đổi lấy việc Nhà Trắng tiếp tục trợ cấp cho những người nhập cư trái phép. Chính phủ rơi vào tình trạng đóng cửa là do Tổng thống Donald Trump đã không nắm bắt cơ hội này chứ không phải lỗi của phe Dân chủ.

Phe Dân chủ đã nhượng bộ khi bỏ phiếu thông qua gói ngân sách tạm thời, giúp chính phủ hoạt động đến ngày 8/2, đổi lấy việc phe Cộng hòa cam kết đưa vấn đề nhập cư ra thảo luận trước Thượng viện vào đầu tháng 2. Dù vậy, với tính cách quyết liệt mà ông Charles Schumer trong việc bảo vệ các quan điểm của phe Dân chủ từ trước tới nay, đối mặt với sự quyết liệt của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề kiểm soát người nhập cư, giới phân tích dự báo cuộc đấu trí ở Washington sẽ còn nhiều cam go, và chưa ai biết việc chính phủ đóng cửa có còn lặp lại vào thời điểm 9/2 hay không.

Mới nhất

x
Charles Schumer – “kỳ đà cản mũi” của ông Donald Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO