'Chất lính' thời bình

Phạm Cường 27/07/2019 07:07

(Baonghean.vn) - Có người lính già từng tâm sự: “Vào dịp này, nghĩ về đồng đội đã nằm xuống, chợt thấy sự tồn tại của mình là phi lý”.

Sự ngẫu nhiên đã đưa ngày Thương binh – Liệt sỹ hằng năm đến trước tháng 7 âm lịch – tháng của mưa ngâu sụt sùi, người sống nghĩ về người đã khuất với lòng tri ân. Điều này làm cho hai mốc thời gian khác nhau nối liền lại.

Có thể do vậy mà dịp tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình có công thêm thương nhớ. Trên phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện liên tục khúc nhạc, bài thơ da diết, đầy tự sự về những người đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể, mang thương tật cho ngày chiến thắng của dân tộc. “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im”… Có người lính già từng tâm sự: “Vào dịp này, nghĩ về đồng đội đã nằm xuống, chợt thấy sự tồn tại của mình là phi lý”.

Một đất nước có tới 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, một đất nước “từ thuở còn nằm nôi, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, phải vượt qua nhiều cuộc kháng chiến sống còn, thì niềm tri ân, tưởng nhớ cứ đằng đẵng nối dài.

Thành phố lớn nhất nước - cái đích của cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ - được mang danh “Thành phố Nghĩa tình” cũng một phần nhờ sự tri ân này. Bởi vậy, nhiều nghĩa trang liệt sỹ được thăm viếng quanh năm, không chỉ vào dịp 27/7. Và không ít người nhận thấy, vào nghĩa trang nhưng không có cảm giác u ám, lạnh lẽo; một số nghĩa trang được xây dựng thành công viên, nơi giới trẻ đến trò chuyện, vui chơi, thậm chí tổ chức picnic, chụp ảnh đám cưới…

Nụ cười của người trẻ lấp lánh cùng sắc hoa tươi bên những hàng mộ thẳng. Có điều gì khiến họ muốn tìm đến nghĩa trang để ghi dấu cuộc vui? Cảnh đẹp ư? Có rất nhiều cảnh đẹp ở khắp nơi. Cầu mong sự phù hộ của anh linh liệt sỹ ư? Có lẽ là một phần, nhưng với những người ăn chưa no, lo chưa tới, động lực này liệu thật sự lớn? Hãy lý giải theo hướng khác, một cách ngẫu nhiên, những người trẻ của hôm nay tìm được sự đồng vọng nơi những người trẻ đã nằm xuống. Sự đồng vọng của tuổi thanh xuân, của dòng máu nóng, của bản năng cháy hết mình cho một lý tưởng.

Chúng ta thường hướng đến ngày Thương binh – Liệt sỹ với sự tri ân, niềm hoài cảm, nhưng phải chăng có một giá trị khác của ngày lễ này, đó là dịp tìm về, để thấm thía, đón nhận sức sống cha anh.

Nếu dân tộc Việt Nam từng được nhiều lần ví như người lính đứng trước thử thách cam go thì sợi dây vô hình nhưng bền chặt kết nối giữa các thế hệ phải là “chất lính”. Đó là sự dũng cảm, tinh thần vượt khó đến sắt đá, dám sáng tạo, đương đầu thử thách.

Thế mới hiểu tại sao bộ phim truyền hình “Thép đã tôi thế đấy” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên vào năm 1999 gây chú ý mạnh mẽ như vậy. Pavel Korchagin – một thần tượng của lý tưởng sống, nghị lực phi thường trong thời chiến xa xôi – lại trở thành hình mẫu của thanh niên nhiều nước trong giai đoạn mới.

Người viết từng biết chuyện một nữ doanh nhân chẳng may đứng trước nguy cơ phá sản. Quá mệt mỏi trước áp lực trả nợ, lo cơm áo cho cả nghìn công nhân, chị muốn buông bỏ. Người cha là thương binh bị mù cả hai mắt không khuyên nhủ nhiều, chỉ yêu cầu chị bịt mắt bằng dải băng đen, tự tìm cách leo lên tầng 10 của một tòa nhà. Trải nghiệm cuộc sống của một người mù trong ít phút khiến chị bừng tỉnh, bình tĩnh từng bước xốc dậy doanh nghiệp.

Trong gia đình người thương binh mù ấy cũng như nhiều gia đình khác, có lẽ câu chuyện giữa thế hệ trước và thế hệ sau không chỉ là những mất mát, niềm tưởng nhớ, mà còn là bản lĩnh sống vượt qua mọi thách thức. Vào những ngày này, phải chăng càng cần khơi dậy và hướng tới “chất lính” đó.

Mới nhất

x
'Chất lính' thời bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO