Chất lượng giáo viên nhiều địa phương ở Nghệ An thiếu và yếu

Mỹ Hà 18/12/2019 16:11

(Baonghean.vn) - Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo kế hoạch sẽ được thực hiện vào năm học 2020 - 2021 với học sinh lớp 1 và sẽ tiếp tục được thực hiện ở các bậc học khác trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khi thời gian thực hiện đang đến gần thì những khó khăn, bất cập cũng đã nảy sinh, nhất là ở một địa phương đặc thù.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Nghệ An đã ghi lại một số ý kiến của các địa phương trong quá trình chuẩn bị triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn:

"Huyện vùng cao đang chảy máu chất xám giáo viên"

“Thời gian gần đây, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ở các huyện miền núi cao có xu hướng về miền xuôi rất lớn và chính quyền địa phương các huyện miền núi chưa có giải pháp triệt để, bởi lẽ còn có nguyên nhân xuất phát từ nguyện vọng cá nhân và hoàn cảnh gia đình. Vì thế, hiện nay các huyện miền núi, trong đó có huyện Kỳ Sơn, đang bị “chảy máu chất xám” và hiện tại Kỳ Sơn không còn giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Thời điểm này, chỉ rất ít trường học ở Kỳ Sơn tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh. Ảnh: Đức Anh

Trong giáo dục, thầy có giỏi thì chất lượng giáo dục mới cao, nhưng hiện giáo viên không giỏi thì làm sao nâng cao chất lượng! Từ thực tế này đòi hỏi phải có một chính sách cho giáo viên khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai. Tôi mong muốn tỉnh cần có chính sách thu hút giáo viên vùng sâu, vùng xa để có nhiều giáo viên tốt đến với những nơi này, tránh tình trạng chênh lệch lớn giữa miền ngược và miền xuôi, đặc biệt là chính sách thu hút sinh viên giỏi công tác tại miền núi từ 3 - 5 năm.

Hiện nay, ngân sách đang thắt chặt đầu tư công, thắt chặt chi tiêu. Vậy, nếu giáo dục cũng nằm trong việc “thắt chặt” này sẽ mâu thuẫn với việc đầu tư trang thiết bị để tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Nên chăng, ngành Giáo dục cần có một đề án để tạo nguồn ngân sách riêng cho miền núi, không nằm trong chỉ tiêu chung.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Như huyện Kỳ Sơn năm 2018, do bị lũ lụt chúng tôi xin di chuyển 2 trường mầm non và tiểu học đến nơi cao hơn, nhưng loay hoay mãi gần 1 năm nay chưa có kinh phí. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi buộc phải trích ngân sách huyện để làm trước, trước khi cho chuyển đổi mô hình bán đất để xây trường, đảm bảo mùa lũ sắp tới học sinh không bị ngập lụt”.

Ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp:

"Việc tinh giản phải gắn với thực tế và nhiệm vụ chuyên môn"

“Với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện nay, tôi đang băn khoăn 3 điểm. Thứ nhất, dù chúng ta đã đổi mới giáo dục nhiều lần nhưng theo tôi là chưa thành công. Ngay cả lần này, dù chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng nhìn chung dư luận vẫn đang còn hoài nghi. Vì thế, để làm tốt, điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm, đó là cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để toàn hệ thống chính trị và nhân dân thấy được mục tiêu của chương trình đổi mới. Cụ thể là lộ trình thế nào, đích đi đến đâu và hiệu quả ra sao.

Từ năm học tới, việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới sẽ được triển khai với học sinh lớp 1. Ảnh: Mỹ Hà
Từ năm học tới, việc thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai với học sinh lớp 1. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, tôi thấy hiện nay trong 2 điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình phổ thông tổng thể là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì cả hai cái ngành Giáo dục của tỉnh đều chưa đạt. Chẳng hạn, về biên chế, tôi thấy giữa ngành Nội vụ và ngành Giáo dục, giữa yêu cầu và thực tế đang chưa thực hiện song song. Ngành Nội vụ yêu cầu đến năm 2021 phải giảm được 10% biên chế, trong khi đó, giáo dục lại đưa ra công thức 1 lớp học x 1,5 giáo viên. Điều này chưa ổn lắm, bởi hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu việc tinh giản phải gắn với đặc thù của ngành, nhất là giáo dục và y tế. Như ở huyện Quỳ Hợp, hiện nay toàn huyện có hơn 400 lớp nhưng chỉ có 409 giáo viên tiểu học và đến cuối năm 2019 sẽ có hơn 10 giáo viên nghỉ hưu và sang năm 2020 sẽ có thêm 35 người nghỉ nữa.

Ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà

Như vậy, thì trong năm học tới, chúng tôi không còn đủ giáo viên chủ nhiệm và không thể bố trí đủ giáo viên để các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Về cơ sở vật chất cho giáo dục, tỉnh yêu cầu cấp huyện cần huy động mọi nguồn lực và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu, nhưng hiện nay chương trình mục tiêu đang ngày càng giảm. Và ngoài chương trình này ra, các huyện miền núi, như Quỳ Hợp không có nguồn thu nào khác để đầu tư cơ sở vật chất”.

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành:

"Mỗi trường lựa chọn một bộ sách thì sẽ rất khó cho việc triển khai"

“Tại huyện Yên Thành, để thực hiện việc thay sách giáo khoa thì cần tập trung nhiều vào đội ngũ. Tuy vậy, điều này lại đang có những bất cập, dù chúng tôi đã điều động 78 giáo viên bậc THCS xuống để dạy thể dục và ngoại ngữ ở bậc tiểu học.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành (Yên Thành). Ảnh: Mỹ Hà

Cụ thể, huyện có 811 giáo viên biên chế, nhưng lại có đến 824 lớp tiểu học, thế nên tỷ lệ chưa được 1 giáo viên/lớp. Việc điều động giáo viên bậc THCS xuống cũng rất khó khăn vì huyện phải trích kinh phí để tập huấn về phương pháp sư phạm, về tâm lý, về nghiệp vụ. Trong khi đó, thời gian điều động cũng không thể lâu dài và chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lẽ các giáo viên đều đi theo nghĩa vụ, luân phiên 2 năm đổi giáo viên 1 lần.

Trong quá trình thực hiện chương trình đổi mới, chúng tôi cũng băn khoăn việc lựa sách giáo khoa. Theo chúng tôi, nếu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 không có sự chỉ đạo thống nhất, mà để mỗi trường lựa chọn một bộ sách thì sẽ rất khó trong quá trình triển khai. Bởi lẽ, mỗi bộ sách có một kết cấu chương trình riêng. Vậy, nếu lớp 1 mỗi trường chọn một bộ sách nhưng lên lớp 2 lại học chung một bộ do tỉnh chọn thì có thống nhất được nội dung, chương trình?

Ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà

Trong giai đoạn tới, chúng ta cũng cần quan tâm đến chất lượng giáo viên. Như ở huyện chúng tôi, có một bài học không giải quyết được, đó là tuyển dụng một số giáo viên ngoại ngữ đào tạo tại chức, chắp vá và nay thì rất khó khắc phục. Dự kiến đến năm học 2022 - 2023, việc thay sách bắt đầu cho học sinh lớp 3 và bây giờ chúng ta không có kế hoạch sớm thì việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ có chất lượng rất khó và nếu tuyển dụng không đảm bảo thì hệ lụy sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi rất lo lắng, khi hiện nay, nhiều huyện không có nhiều sinh viên theo ngành sư phạm, vì thế chất lượng giáo viên ngoại ngữ rất đáng lo ngại”.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 547 cơ sở giáo dục tiểu học (523 trường tiểu học) với 1.006 điểm trường, trong đó có 459 điểm lẻ, chiếm 16,3% so với cả nước. Điều này sẽ khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí giáo viên các môn chuyên biệt như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Thống kê toàn tỉnh có 10.121 lớp tiểu học và để có đủ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp cần bổ sung 2.226 giáo viên. Những năm tới, khi quy mô học sinh tăng thì đến năm học 2022 - 2023, để đủ giáo viên cần phải có thêm 1.699 giáo viên mới đảm bảo đủ để dạy học 2 buổi/ngày.

Theo Kỹ thuật: Hữu Quân
Copy Link

Mới nhất

x
Chất lượng giáo viên nhiều địa phương ở Nghệ An thiếu và yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO