Chật vật như... nhân viên trường học

Mỹ Hà 24/02/2024 09:04

(Baonghean.vn) - Những người làm công tác y tế, thư viện, kế toán được gọi chung là nhân viên trường học. Họ được ví như những người thầm lặng gánh vác nhiều công việc khác nhau. Nhiều người trong số đó phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng chế độ chính sách, thu nhập còn chưa phù hợp.

Chật vật sống với nghề

Gần 35 tuổi và có 8 năm làm công tác nhân viên thư viện – thiết bị ở Trường Trung học phổ thông Con Cuông, chị Văn Thị Phương Thảo khi nào cũng tự nhủ mình phải nỗ lực, cố gắng với nghề dù hoàn cảnh của chị thực sự éo le. Bởi lẽ sau khi lấy chồng, sinh con, vất vả đã ập đến khi hai con đều bị bệnh nặng, trong đó con đầu của chị bị bệnh bại não, con thứ hai bị chậm phát triển.

Những năm qua, để có thể chữa bệnh cho con, gia đình chị đã đi rất nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Số tiền ít ỏi hai vợ chồng tích cóp được đều để dành điều trị cho con.

nhan-vien-thu-vien-cua-truong-thpt-con-cuong-kiem-nhiem-them-nhiem-vi-thiet-bi-1332-7651.jpg
Mức lương thấp khiến cho nhiều nhân viên trường học gặp khó khăn để trang trải cuộc sống. Ảnh: Mỹ Hà

Kể thêm về hoàn cảnh của mình, chị Văn Thị Phương Thảo cho biết: Hiện nay mức lương của tôi là 8 triệu đồng/tháng, chưa cao so với giáo viên nhưng cũng thuận lợi hơn so với một số bộ phận khác. Mặc dù vậy, với hoàn cảnh của gia đình tôi hiện nay thì để sống với mức lương này thực sự vất vả, vì gần như tháng nào chúng tôi cũng phải đem con về Vinh hoặc ra Hà Nội để khám bệnh, rất tốn kém.

Cũng là nhân viên thư viện nhưng chị Lê Thị Tú – Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn lại không kiêm thêm vai trò thiết bị mà chị lại đảm nhiệm thêm vai trò văn thư của nhà trường. Cần mẫn và gắn bó với công việc đến nay là 13 năm nhưng hiện nay mức lương của chị khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cũng với số năm công tác này, một số bộ phận khác ở nhà trường có thể lên đến hơn 10 triệu đồng.

Chúng tôi cùng làm trong ngành Giáo dục nhưng nếu như giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên, đứng lớp thì chúng tôi chỉ có mỗi lương cứng. Thậm chí nếu có bằng đại học cũng chỉ được hưởng khởi điểm từ bậc trung cấp…

Chị Lê Thị Tú - Trường THPT Kỳ sơn

Hoàn cảnh chị Tú hiện cũng khó khăn bởi hai vợ chồng lấy nhau đã nhiều năm nhưng hiện vẫn đang phải sống 2 nơi. Trong đó, chồng chị và con đầu đang làm giáo viên ở huyện Con Cuông. Chị và con gái út lên huyện Kỳ Sơn công tác và để tiết kiệm chi phí cả hai mẹ con đang ở nhà công vụ.

thu-vien-truong-hoc-o-truong-thpt-nguyen-duy-trinh-3995-4231.jpg
Thư viện Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Mỹ Hà

Với số lương ít ỏi, để có tiền lo cho gia đình, mẹ con chị cũng phải tính toán, cân đo đong đếm và thực sự không dễ dàng, nhất là khi sống tại một trong những địa phương có chi phí đắt đỏ.

Cần những cơ chế, chính sách đặc thù

Đô Lương là một trong những địa phương có số lượng trường học và đội ngũ nhân viên chiếm số lượng khá lớn, với hơn 200 người ở cả 3 cấp học gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Gần đây, nhân viên đang làm các nhiệm vụ như y tế, kế toán, thư viện, văn thư tại các nhà trường vừa có văn bản đề nghị xin điều chỉnh một số chính sách do mức lương chi trả và các chế độ hiện nay đều chưa đảm bảo.

bna-c-7101.jpg
Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam khảo sát đời sống, điều kiện làm việc của đội ngũ nhân viên tại các trường học ở Nghệ An. Ảnh: Công đoàn ngành giáo dục

Khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương tại 87 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện cũng cho thấy, đội ngũ nhân viên nói chung trong ngành Giáo dục hiện nay trên địa bàn huyện còn thiếu biên chế.

Do đó, số lượng người làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của các vị trí việc làm trong trường học, nhiều người đang phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ không đúng chuyên môn đào tạo.

bna-nh-739-6873.png
Nhân viên của các nhà trường chia sẻ những khó khăn với Công đoàn giáo dục Việt Nam. Ảnh: Công đoàn giáo dục

Điều đáng nói, dù phải đảm nhiệm nhiều vị trí nhưng thu nhập của đội ngũ nhân viên nhìn chung còn thấp, ảnh hưởng đến đời sống và tâm tư nguyện vọng của người lao động.

Cụ thể, hiện các nhân viên đã biên chế, đang được hưởng lương theo hệ số lương ngạch bậc theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và được hưởng thêm một số phụ cấp từ 0,1 (nhân viên kế toán) đến 0,2/tháng (nhân viên thiết bị) hoặc trợ cấp 20% phụ cấp ưu đãi (nhân viên y tế) tùy theo vị trí. Trong khi đó, với nhân viên văn thư họ lại không có thêm phụ cấp nào. Riêng đối với nhân viên hợp đồng được chi trả theo mức lương tối thiểu vùng III.

Tại huyện Thanh Chương, qua khảo sát tại các nhà trường, ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: Đội ngũ nhân viên nói chung trong ngành Giáo dục hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Chương còn thiếu nhiều. Trong đó, có không ít trường nhân viên kế toán làm nhiệm vụ của 2 trường hoặc phải làm kiêm nhiệm như văn thư. Bên cạnh đó, dù phải làm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên làm thêm giờ nhưng thu nhập của đội ngũ nhân viên thấp, hầu như không có thêm phụ cấp khác.

Trên toàn tỉnh, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay tổng số nhân viên đang làm việc tại các nhà trường là 3.329 người. Qua nắm bắt tâm tư đội ngũ nhân viên ở các nhà trường, ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Mặc dù các cơ sở giáo dục đều đã chi trả lương cho đội ngũ nhân viên theo đúng quy định nhưng do lương và phụ cấp của nhân viên trường học thấp làm ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân viên, trong khi đây là bộ phận công việc nhiều, áp lực cao nhưng thu nhập không tương xứng.

Một số vị trí việc làm trước đây yêu cầu trình độ đại học, được xếp theo bảng lương viên chức A1, nay Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư quy định về mã số, chức danh nghề nghiệp chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng, xếp lương theo bảng lương A0 làm ảnh hưởng quyền lợi của nhân viên.

Cụ thể: Theo quy định tại Công văn số 4098 năm 2007, đối với nhân viên thiết bị trường THPT yêu cầu trình độ đại học, thì xếp lương theo bảng lương A1. Tuy nhiên, năm 2019 và 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07 /2019/TT-BGDĐT, 21/2022/TT-BGDĐT quy định mã số chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên thiết bị trường THPT, đồng thời quy định nhân viên đã xếp lương theo bảng lương A1 nay chuyển xếp lương theo bảng lương A0 làm ảnh hưởng quyền lợi của nhân viên (hiện nay các đối tượng trên chưa thực hiện chuyển xếp lương theo các thông tư mới).

ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo


Liên quan đến vấn đề chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên ở các nhà trường, vào cuối tháng 1/2024, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An thực hiện khảo sát, nắm tình hình về đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhân viên trường học tại 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương.

Trước đó, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận được 9 đơn thư với hơn 500 chữ ký của nhân viên trường học tại nhiều đơn vị trong tỉnh với 4 đề xuất.

z5080305488434-b861128db5c2ce506af3654971c59bdd-298-2187.jpg
Công đoàn giáo dục Nghệ An trao quà hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên trường học nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

+Xem xét được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành hay phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề

+Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh và xin được xét thăng hạng thay vì phải thi thăng hạng không đảm bảo tính công bằng giữa nhân viên lớn tuổi với trẻ tuổi, sự đồng đều giữa các địa phương và không chứng minh được năng lực kinh nghiệm.

+Chính sách tiền lương cho nhân viên kế toán ngành Giáo dục còn rất thấp so với giáo viên và các vị trí tương tự ở các ngành khác, chưa thực sự phù hợp với vị trí việc làm.

+Giáo viên, nhân viên đều được nghỉ hè, nhưng kế toán vẫn phải đi làm và cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

4 đề xuất của nhân viên tại các nhà trường gửi tới công đoàn giáo dục Việt Nam


Qua các buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cho biết: "Mục đích của cuộc khảo sát là nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng và tập hợp các kiến nghị, đề xuất của nhân viên trường học.

Từ đó có căn cứ đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cán bộ, nhân viên trường học.

Qua đó hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ giáo dục của các nhà trường và trong toàn ngành Giáo dục"./.

Mới nhất
x
Chật vật như... nhân viên trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO