“Chất Việt” trên xứ sở Bạch Dương

Lò Pa Panh hiện đang học năm cuối thạc sỹ ngành Luật, Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN University). Ngoại hình khôi ngô, tính cách thân thiện và hoà đồng, Panh dễ dàng mang lại thiện cảm cho người đối thoại. Dự định trò chuyện online với Panh chỉ độ 30 phút vì chênh lệch múi giờ, nhưng rốt cuộc kéo dài khó dứt bởi bao điều thú vị mà chàng trai này mang lại.

Panh kể, em sinh ra và lớn lên ở thị trấn Thạch Giám, huyện vùng cao Tương Dương. Tuổi thơ gắn bó với núi rừng. Năm 15 tuổi, em nhập học Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tại TP Vinh. Chuyến xa nhà đầu tiên trong cuộc đời Panh đã mở ra cho em nhiều điều mới lạ. Trong môi trường nội trú, chàng trai trẻ sớm rèn cho mình kỹ năng tự lập và hoà nhập với tập thể. Sau này, khi nhớ lại, Panh cho rằng chính những năm tháng nội trú ấy đã góp phần lớn định hình nên tính cách, quan điểm sống của em. Đó là: Kỷ luật nhưng không gò bó; vui vẻ nhưng không dễ dãi; hoà đồng nhưng không hoà tan; giữa cái chung luôn tìm và giữ được chất riêng.

Tốt nghiệp THPT, Lò Pa Panh đỗ 2 trường đại học top đầu và quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin. Từ thành phố Vinh ra Thủ đô Hà Nội với bao bỡ ngỡ, chính Panh cũng không ngờ được rằng, chỉ sau đó 1 năm, với nỗ lực của bản thân, em đạt được học bổng toàn phần du học ở Liên bang Nga vào năm 2015. Nhớ lại quyết định nhận học bổng sang Nga du học, Panh tự nhận là liều lĩnh bởi bấy giờ tiếng Nga vẫn là thứ ngôn ngữ xa lạ với em, và cả việc chuyển đổi chuyên ngành học từ Công nghệ thông tin sang ngành Luật. “Không biết tiếng, không biết đường, từ thời tiết, thức ăn đến thói quen sống đều khác biệt… Thời gian đầu ở Nga với em rất khó khăn”, Lò Pa Panh nhớ lại.

May mắn là tại RUDN University – nơi Panh theo học, em được học với các giảng viên rất tuyệt vời và nhận được những giúp đỡ chí tình từ họ. Sau khi trọn thời gian 1 năm đầu tiên cho việc học tiếng Nga, Lò Pa Panh bắt đầu hành trình 4 năm đại học chuyên ngành Luật từ năm 2016. Panh nhớ lại: Thời gian đầu thực sự khó khăn, thầy giảng bài hầu như không hiểu vì vốn tiếng Nga 1 năm rèn dũa chưa thể đủ để học các môn chuyên ngành. Nhưng không để mình tụt lại, các bạn học một thì Panh phải học gấp đôi, gấp ba, tự thúc giục mình phải nhẫn nại hơn, chăm chỉ hơn. Sau giờ học, cậu còn xin gặp thầy giáo để hỏi thêm bài, rồi đăng ký tham gia các CLB sinh viên để trau dồi thêm ngôn ngữ.

Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN University) được thành lập năm 1960 tại Moscow.
Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN University) được thành lập năm 1960 tại Moscow.
RUDN University hiện có hơn 34.000 sinh viên theo học, trong đó có hơn 10.000 sinh viên quốc tế đến từ 160 nước trên thế giới.
RUDN University hiện có hơn 34.000 sinh viên theo học, trong đó có hơn 10.000 sinh viên quốc tế đến từ 160 nước trên thế giới.

Những đêm Đông tuyết rơi lạnh giá, học đến khuya, Panh thấy nhớ nhà, nhớ rừng, nhớ Việt Nam khôn xiết… Càng nhớ thì càng quyết tâm học tốt, với nỗ lực đó, Lò Pa Panh bắt kịp chương trình ở trường; thậm chí càng về sau càng vượt lên. 4 năm đại học, chàng trai trẻ đã đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ: Giải Nhất Olympic tiếng Nga dành cho sinh viên nước ngoài; nhận Giấy khen về bài thuyết trình xuất sắc về nhà thơ Pushkin, giải Ba thuyết trình môn Lịch sử nhà nước và pháp luật dành cho sinh viên nước ngoài…

Sau 4 năm học tập, chàng trai người Thái đến từ huyện vùng cao Tương Dương, Nghệ An được vinh danh là một trong các sinh viên ưu tú của khoa. Với tổng điểm 4.92/5, Panh là 1 trong 10 sinh viên được nhận học bổng Rumyatsev của trường; Giải Nhất bài tham luận khoa học về nạn buôn bán người do Viện Luật của RUDN University  tổ chức. Tốt nghiệp đại học, Panh tiếp tục giành học bổng học tiếp lên thạc sỹ. Ngay trong năm đầu học thạc sỹ, cậu tiếp tục được trao tặng danh hiệu “Sinh viên mới của năm” của RUDN University. Hình ảnh chàng sinh viên Việt Nam khôi ngô, ánh mắt sáng ngời, hiếu học và nhẫn nại để lại ấn tượng đẹp trong lòng thầy cô và bạn bè Nga.

Điều đáng quý khác ở Lò Pa Panh là sự sẻ chia, hào hiệp. Từng trải qua những tháng ngày học tiếng Nga vất vả, thế nên giờ đây Panh hoạt động rất tích cực trong Hội Sinh viên người Việt ở RUDN University để giúp những sinh viên mới sang nhập học. Chàng sinh viên đến từ Tương Dương còn dành thời gian để mở lớp dạy tiếng Nga cho các du học sinh Việt Nam. Giờ đây, lớp học online của “thầy Panh” được các “học sinh” ở khắp các tỉnh, thành Việt Nam tham gia và có nhiều bạn tự tin sang Nga với hành trang ngôn ngữ dày dặn.

Panh là nam sinh khá nổi bật trong cộng đồng du học sinh Việt Nam ở Moscow bởi sở hữu nhiều tài lẻ. Giọng hát trầm ấm giàu nội lực, đánh đàn guitar rất phiêu và đặc biệt đam mê văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, Lò Pa Panh rất đỗi nhiệt huyết với việc lan toả “chất Việt” đến bạn bè quốc tế.

Thành tích trên sân khấu của chàng trai này nhiều vô kể: Giải Nhất cuộc thi “Tôi hát về Tổ quốc tôi” do Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga tổ chức; giải Nhì và được yêu thích nhất cuộc thi hát “Mùa Xuân năm 45” của thành phố Moscow; giải Nhất cuộc thi sáng tác kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do Chi bộ Gubkin, Trường Đại học tổng hợp dầu khí Gubkin tổ chức. Tháng 3/2020, Panh còn được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” khi đại diện cho sinh viên Việt Nam biểu diễn bài: “Làng quan họ quê tôi” tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập RUDN University tại cung biểu diễn của Điện Kremlin;…

Lò Pa Panh còn lập một CLB âm nhạc dành cho các sinh viên Việt có chung niềm đam mê tại trường. CLB quy tụ các thành viên có khả năng chơi nhiều nhạc cụ khác nhau như guitar, piano, sáo trúc… Từ CLB này, Panh cùng các bạn xây dựng nhiều tiết mục, tổ chức nhiều chương trình đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Mỗi lần cất lời quan họ Bắc Ninh, dân ca Nghệ Tĩnh, hay ngắm nhìn tiết mục múa nón bài thơ với tà áo dài thướt tha… được trình diễn trên các sân khấu lớn, nhỏ ở xứ sở Bạch Dương, Panh luôn tự hào. “Em luôn mong muốn lan toả văn hóa truyền thống của Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế” – Lò Pa Panh tâm sự.

25 tuổi, chàng trai đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An đã đi được chặng đường khá dài, từ núi rừng Tương Dương đến xứ sở Bạch Dương. Và trong tương lai sẽ còn biết bao hành trình không hẹn trước… Nhưng Panh bảo, cuối cùng nhất định em sẽ trở về Việt Nam để cống hiến những tri thức học hỏi được, vì Việt Nam là nhà! Đi xa là để trở về tốt hơn, thành công hơn!

Lò Pa Panh trong một lần giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam với sinh viên các nước đang theo học tại RUDN.
Lò Pa Panh trong một lần giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam với sinh viên các nước đang theo học tại RUDN.