Nông dân Nghệ An 'biến' rơm rạ thành phân hữu cơ, xây dựng cánh đồng không khói
Thanh Phúc - 14/05/2024 09:40
(Baonghean.vn) - Mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh đang từng bước tạo ra những cánh đồng không khói, hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì cho đất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Những ngày này, đang là thời điểm “nông vụ tấn thời”, người dân vừa thu hoạch lúa, vừa tiến hành làm đất để gieo cấy vụ hè thu. Áp lực thời vụ căng thẳng nhưng nông dân xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) vẫn gom rơm, rạ để ủ phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: T.P Chị Phan Thị Trang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Tân Lộc cho biết: “Đây là năm thứ 2, nông dân Thượng Tân Lộc áp dụng mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh ngay tại chân ruộng. Vụ này, xã được hỗ trợ 200kg men cùng các chế phẩm khác để xử lý khoảng 40ha rơm rạ thành phân bón cho ruộng. Ngoài các hộ được hỗ trợ chế phẩm, nhiều hộ khác, thấy hiệu quả nên cũng đã mạnh dạn mua các nguyên liệu về để ủ phân”. Ảnh: T.P Vụ trước, các hộ đã ủ được hàng chục tấn phân, bón cho lúa, cho hoa màu, trồng dưa và bón cho cây ăn quả. Hiệu quả cho thấy, những ruộng được bón phân vi sinh xử lý từ rơm, rạ có độ tơi xốp, mùn, bộ rễ cây lúa phát triển tốt, năng suất cao hơn. Ảnh: T.P Ngoài xã Thượng Tân Lộc, vụ Xuân năm nay, Nam Đàn có thêm 4 địa phương khác cùng triển khai xử lý rơm rạ thành phân vi sinh với mục tiêu khoảng 1.000 tấn. Ông Hồ Đình Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn cho biết: “Thông qua mô hình này, từng bước tạo ra những cánh đồng không khói, hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì cho đất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. Ảnh: T.P Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ men vi sinh, rỉ mật, lân, đạm, ka-li… Ảnh: T.P Ở Tân Kỳ, phong trào sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp cũng được nông dân hưởng ứng tích cực. Ảnh: T.P Ngoài rơm, rạ, các phụ phẩm như thân cây ngô, lạc, cây phân xanh… cũng được bà con ủ thành phân. Ảnh: T.P Theo Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025”, trong năm 2024, toàn tỉnh có 1.005 cơ sở xây dựng được mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm phụ phẩm nông nghiệp, tiến tới đạt mục tiêu ít nhất 70% gia đình hội viên nông dân tổ chức sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm cây trồng, phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: T.P Ngoài ra, hiện nay, nông dân các địa phương cũng sử dụng chế phẩm để xử lý gốc rạ, biến thành chất mùn bổ sung độ tơi xốp cho đất. Ảnh: T.P Từ mô hình này, việc đốt đồng sẽ được hạn chế, từng bước tạo ra những cánh đồng không khói. Ảnh: T.P
Clip: Thanh Phúc