Chạy đua với lũ, nông dân Nghệ An thu hoạch non, vớt vát mùa vụ
Trước nguy cơ nước dâng cao do lũ thượng nguồn đổ về, người dân các vùng hạ du ở Nghệ An đang tất bật thu hoạch nông sản trong tình trạng dập nát, non vụ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Những bước chân vội vã giữa đồng bùn ngập nước là nỗ lực cứu lấy thành quả của nhiều tháng trời lam lũ.

Rút kinh nghiệm từ những đợt lũ các năm 2018 và 2022, khi nước từ thượng nguồn dồn về cuốn trôi không ít thành quả mùa màng, lần này, người dân nhiều nơi đã chủ động “đi trước một bước”. Dù rau còn non, bùn còn ngập… bà con vẫn quyết thu hoạch sớm, được đồng nào hay đồng ấy.

Tại xã Quỳnh Anh, huyện Quỳnh Lưu cũ, mưa lớn cộng với nước đổ về khiến nhiều diện tích rau màu bị ngập úng. Sau hơn một ngày ngâm trong nước, rau hành, rau cải bắt đầu dập nát. Nhiều nông dân vội ra đồng vớt vát từng cây rau, cọng hành.
Ông Nguyễn Hồng, một hộ trồng hành lâu năm ở xã Quỳnh Anh cho biết: “Hành đến kỳ thu hoạch thì gặp mưa lớn. Cả ruộng bị dập, nước ngập gốc, ngã rạp hết. Chúng tôi huy động người nhà tranh thủ nhổ sớm để kịp tiêu thụ. Hành bị dập chỉ bán được 5.000 đồng/kg, bằng một nửa giá trước bão, nhưng cũng phải chấp nhận, chứ để vài hôm nữa coi như bỏ trắng”.

Không chờ ngập mới lo, tại vùng rau trọng điểm ở phường Tân Mai (thuộc thị xã Hoàng Mai cũ), không khí thu hoạch cũng đang rất khẩn trương. Mưa chưa gây úng trên các cánh đồng nơi đây, nhưng theo kinh nghiệm của người dân, khi thủy điện xả lũ kết hợp với hoàn lưu sau bão, tình hình sẽ phức tạp, có thể gây ngập úng nặng. Do đó, người dân chủ động thu hái sớm để tránh bị động như những năm trước.
Bà Hồ Thị Minh, người trồng rau ở Tân Mai nhớ lại: “Năm 2018, sau mưa lũ, cả cánh đồng bị ngập trắng. Đất bị xói, rau bị long rễ, nước rút xong là héo rũ không thể cứu. Năm nay có cảnh báo sớm, nên dù rau còn non cũng thu hoạch. Thương lái thu mua ít, giá thấp, nhưng còn hơn là mất sạch”.

Tại xã Hưng Nguyên (thuộc huyện Hưng Nguyên cũ), nhiều thửa ruộng lúa hè thu cũng đang bị ngập trong nước. Bà Nguyễn Thị Hồng, người gieo cấy 3 sào lúa, chia sẻ: “Trời ngớt mưa nhưng nước sông dâng cao, nước trong ruộng không thoát được. Nếu tiếp tục mưa và lũ về thì coi như lúa thối gốc hết. Chúng tôi đang huy động người tháo nước, mở thêm dòng chảy để cứu ruộng. Không nhanh là không kịp nữa”.
Vùng nhà màng tại xã Vạn An, huyện Nam Đàn cũ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Dù đã gia cố, chằng néo trước bão, nhưng gió lớn vẫn làm tốc mái nhiều khu nhà màng, nước tràn vào gây ngập úng dưa lưới - một loại cây trồng rất mẫn cảm với ẩm ướt.
Chị Thảo Khánh, hộ trồng dưa lưới ở xã Vạn An cho biết: “200m² nhà màng của tôi bị tốc mái. Dưa sắp đến ngày thu hoạch nhưng giờ ngập nước. Nếu ngâm lâu, quả sẽ thối, rụng non, không cứu được. Coi như vụ này mất trắng”.

Không riêng vùng đồng bằng, tại xã Cát Ngạn (thuộc huyện Thanh Chương cũ), nơi được coi là thủ phủ trám đen xứ Nghệ, hoàn lưu bão đã gây thiệt hại đáng kể. Những cây trám cao trên 10m bị gió giật làm gãy cành, bật gốc, quả non rụng đầy gốc.
Ông Lê Đình Ánh, một hộ trồng trám lâu năm xót xa: “Năm ngoái cây này cho thu 8 triệu đồng, năm nay quả còn nhiều hơn mà chưa kịp hái thì gió quật rụng hết. Giờ chỉ còn cách nhặt quả xanh đem bán, được 10.000 - 12.000 đồng/kg, chưa bằng một phần mười giá quả chín”.

Hiện, nhiều hộ dân tại Cát Ngạn đang tranh thủ gom quả xanh bán cho thương lái, dù biết chẳng đáng là bao. Điều đáng lo hơn, không ít cây lớn bị gãy ngang thân, có nguy cơ mất luôn nguồn thu cho cả những năm tiếp theo.
Trong cái tất bật giữa mùa bão lũ, hình ảnh những người nông dân ngâm mình giữa đồng, bòn mót, vớt vát từng luống rau non, nhặt từng quả trám rụng, tháo nước khỏi ruộng lúa... là minh chứng cho tinh thần chủ động, khẩn trương, xoay xở ứng phó với thiên tai.

*) Thiệt hại nông nghiệp do mưa bão (tính đến 19h ngày 22/7)
Theo số liệu từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An:
- Lúa bị thiệt hại: 174,4 ha
- Mạ bị thiệt hại: 286 ha
- Cây trồng hàng năm: 111,4 ha
- Cây ăn quả: 17,3 ha
- Cây trồng lâu năm: 3 haTối 22/7, UBND tỉnh Nghệ An ban hành thông báo khẩn về việc xả lũ tại thủy điện Bản Vẽ – công trình lớn nhất Bắc Trung Bộ. Với lưu lượng nước về hồ đạt 9.543m³/s, gần bằng mức lũ kiểm tra 10.500m³/s, tỉnh đã yêu cầu các địa phương hạ lưu huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai ứng phó và di dời dân nếu cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc vùng hạ du sông Cả, nơi tập trung phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp, đối mặt nguy cơ ngập sâu, thiệt hại lớn nếu không kịp ứng phó.