Chảy mãi mạch nguồn ví, giặm
Các nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh vừa biểu diễn báo cáo chương trình nghệ thuật ví, giặm năm 2025 có tựa đề “Mạch nguồn ví, giặm”.
Tiếng hát của người lao động
"Mạch nguồn ví, giặm” kể lại những câu chuyện đời thường, là tiếng nói yêu thương của người dân lao động “một nắng hai sương” sau lũy tre làng. Bằng những làn điệu ví, giặm gốc, các làn điệu cải biên, các làn điệu sáng tác mới; thông qua các hình thức thể hiện phong phú: Diễn xướng, hát giao duyên, hát múa, kết hợp giữa dân gian và có sự phát triển trong âm nhạc và vũ đạo, chương trình đã tạo nên sự hấp dẫn mới mẻ nhưng thấm đẫm mạch nguồn văn hóa ví, giặm Nghệ Tĩnh.
“Để xây dựng được chương trình chúng tôi đã thành lập một hội đồng nghệ thuật, trong đó có các nhạc sĩ sáng tác với các mảng dân ca khác nhau, nhạc sĩ phối khí và cả biên đạo múa dân ca. Chương trình được NSND Tiến Dũng làm đạo diễn tổng thể với tiêu chí chủ đạo dân ca nhưng phải mới mẻ hấp dẫn người xem”.
Nhạc sĩ Quốc Chung - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh
Từ đó, nhiều tác phẩm được trung tâm đặt hàng cho các nhạc sĩ tên tuổi như Phan Thanh Chương, các NSND An Ninh, Hoàng Thành, Tiến Dũng. Và hơi thở mới thực sự được thổi vào một chương trình dân ca ví, giặm.
Chương trình gồm 2 phần: Phần 1 với tên gọi “Bức tranh làng quê” với nội dung chủ đạo: Mỗi chúng ta đều có một nơi gọi là quê hương, nơi đó luôn khắc sâu trong trái tim. Trong cuộc sống hối hả, chỉ cần nhớ về cảnh bình minh nơi làng quê ấy, lòng người cảm thấy bình yên và ấm áp.
Ở phần 1, những ca khúc được các tác giả viết nhạc và dàn dựng chuyển tải thông điệp xứ Nghệ không chỉ đẹp với non xanh nước biếc, với những con người chịu thương chịu khó mà nơi đây còn lưu giữ những phong tục tập quán lâu đời, tạo thành bản sắc văn hóa độc đáo không thể trộn lẫn với nhiều vùng quê khác. Với ý nghĩa đó, các tiết mục như: “Bình minh chốn làng quê”, Nhớ tiếng mõ trâu”, “Bến sông xưa”, “Vị quê” đã lột tả chân thực bức tranh làng quê xứ Nghệ bình yên ấm áp và thấm đẫm tình người.
Ấn tượng bức tranh làng quê bình dị
Trong phần 1 người xem ấn tượng nhất là bài “Nhớ tiếng mõ trâu” của nhạc sĩ Phan Thanh Chương. Âm nhạc bài hát này được phát triển từ chất liệu giặm có tiết tấu vui tươi dí dỏm, phóng khoáng. Trong bài hát, nhạc sĩ phối khí đã dùng tiếng mõ trâu trong phần đệm hát, tạo âm thanh dung dị gần gũi.
Nhạc sĩ Phan Thanh Chương cho biết: Tiếng mõ trâu gợi nhớ vọng về trong ký ức tuổi thơ, tiếng lốc cốc, leng keng vang lên từ ngoài cánh đồng bạt ngàn lúa chín, vào tận con đường làng quen thuộc rợp bóng tre xanh hay vang lên trên những sườn đồi khi mặt trời xuống núi. Tiếng lốc cốc của mõ trâu rất bình dị nhưng vô cùng thân thương hằn sâu trong tâm trí những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê.
Từ ý nghĩa đó, tôi đã viết nên “Nhớ tiếng mõ trâu” đậm chất làng quê xứ Nghệ”. Bài hát này như là điểm nhấn của phần 1, nó khiến người xem hưng phấn vì được hòa cảm xúc vào những tiết tấu vui tươi và ký ức tuổi thơ của những người dân xứ Nghệ. Đặc biệt, với sự dàn dựng sáng tạo và cảnh trí sinh động, tiết mục Nhớ tiếng mõ trâu thực sự chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.
Phần 2 với tên gọi “Ví, giặm bay xa” truyền tải nội dung: Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và đời sống, người Kinh lên miền núi khai hoang, lập nghiệp, sống xen kẽ với các đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều câu lạc bộ dân ca ví, giặm được thành lập, đồng bào Mông, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu đều biết hát dân ca ví, giặm. Nhiều ca khúc được trình diễn trong phần 2 đã chuyển tải được thông điệp, ví, giặm bay đến muôn phương, ở lại trong lao động và sinh hoạt của người dân trên mọi miền đất nước.
Nổi bật ở phần 2 này là “Hạn Khuống” với hình thức đối đáp giao duyên của tốp nam, nữ đầy tươi vui. Âm nhạc trong bài hát này là sự giao thoa âm nhạc của ví, giặm và dân ca dân vũ đồng bào Thái Nghệ An. Theo chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Chung, “Hạn Khuống” là một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đã có từ rất lâu đời, là sân chơi dành riêng cho “nam thanh nữ tú” vui hát giao duyên. “Hạn Khuống” là tiết mục lồng ghép, giao thoa giữa hai bản sắc văn hóa người Kinh và người Thái tạo ra nét độc đáo. “Hạn Khuống” nhận được những tiếng vỗ tay không ngớt vì sự bất ngờ giữa màn giao duyên của cô gái Thái và chàng trai ví, giặm.
Tiết mục thứ 2 tạo nên sức hấp dẫn của chương trình là “Hội làng”, tiết mục sử dụng các tổ khúc dân ca ví, giặm (cả làn điệu gốc và làn điệu cải biên) được sáng tác mới để phù hợp với tiết tấu, không khí tươi vui, rộn ràng của ngày hội. Trong đời sống cũng như trong bản sắc văn hóa của người Việt (nói chung), người Xứ Nghệ (nói riêng), hội làng có vị trí vai trò hết sức quan trọng, là nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống lao động cho lớp lớp cháu con từ bao đời nay.
Hội làng là nơi gặp gỡ giao duyên của trai gái, nơi tình yêu nẩy mầm đơm hoa kết trái. Và “Hội làng” đã cho thấy sự náo nức, tươi vui của người Nghệ, âm nhạc và cách dàn dựng của tiết mục này đã cho thấy sự đầu tư rất lớn của Ban Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
NSND Tiến Dũng người viết kịch bản và đạo diễn chương trình cho biết: Chương trình đã chọn lựa nhiều những tiết mục có tính liên kết, vừa phù hợp với hơi thở dân gian, vừa chuyên chở được nhịp sống hiện đại hôm nay. Bên cạnh đó, các cảnh trí phù hợp, giai điệu phát triển tươi vui rộn rã; những nội dung đan xe hài hòa giữa cũ và mới đã tạo nên một chỉnh thể sắc nét, hấp dẫn. Những tiết mục như “Vị quê” hay “Nhớ tiếng mõ trâu”, “Hạn Khuống” ta thấy được bức tranh làng quê, thấy được tinh thần người Nghệ xưa nhưng cũng bắt gặp nó trong nhịp sống hôm nay.