Chế độ đãi ngộ huấn luyện viên các đội trẻ Sông Lam Nghệ An liệu đã thỏa đáng?

Đức Anh 25/04/2024 20:53

(Baonghean.vn) - Do không đảm bảo được trang trải trong cuộc sống, đã có một số huấn luyện viên bóng đá tại lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA nói lời ra đi. Và để Sông Lam Nghệ An không phải đối diện với nguy cơ “chảy máu” huấn luyện viên tài năng, rất cần có những chính sách đặc thù để giữ chân họ.

bna_SLNA là cái nôi đào tạo bóng đá trẻ của cả nước. Ảnh Chung Lê.jpg
SLNA là cái nôi đào tạo bóng đá trẻ của cả nước. Ảnh: Chung Lê

Tâm tư người trong cuộc

Sông Lam Nghệ An là một trong những câu lạc bộ có bề dày truyền thống trong công tác đào tạo trẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, các đội U11, U13, U17 Sông Lam Nghệ An đang nắm giữ kỷ lục về số lần vô địch tại các giải bóng đá U11, U13, U17 Quốc gia. Ngoài ra, U15, U19 hay U21 Sông Lam Nghệ An cũng đã để lại những dấu ấn đậm nét tại giải quốc nội. Có được thành tích nói trên, không thể không nhắc đến những cống hiến miệt mài của các thế hệ huấn luyện viên tại lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ.

Tuy nhiên, hiện nay đứng trước nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đã có một số huấn luyện viên tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An nói lời chia tay với đội bóng quê hương. Trong đó, ông Lê Mạnh Hùng và ông Ngô Quang Trường là những huấn luyện viên mới nhất nộp đơn xin thôi việc tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, để tìm kiếm công việc mới cho chặng đường còn lại của sự nghiệp.

Ông Lê Mạnh Hùng là huấn luyện viên phụ trách công tác đào tạo cho các thủ môn trẻ tại lò đào tạo Sông Lam Nghệ An. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Hùng đã sở hữu một bộ sưu tập đồ sộ về danh hiệu. Đặc biệt với những cống hiến tận lực cho các cấp độ đội trẻ Sông Lam Nghệ An, huấn luyện viên sinh năm 1983 này đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vào các năm 2008, 2012, 2018, 2022, 2023. Tuy nhiên, năm 2024, huấn luyện viên Lê Mạnh Hùng quyết định nói lời chia tay sau gần 20 năm gắn bó với Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An. Trong đó, nguyên nhân chính cho sự ra đi này đến từ mức đãi ngộ của Sông Lam Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống thường nhật.

bna_huấn luyện viên Lê Mạnh Hùng (người đứng giữa).jpg
Huấn luyện viên Lê Mạnh Hùng (người đứng giữa). Ảnh: FBNV

Huấn luyện viên Lê Mạnh Hùng chia sẻ: “Sau gần 20 năm cống hiến cho Sông Lam Nghệ An, khi phải đưa ra quyết định xin nghỉ việc trong lòng tôi cũng cảm thấy buồn và day dứt. Tuy nhiên, vì tôi là trụ cột gia đình, nên đành phải gác lại niềm đam mê với nghề để tìm kiếm công việc mới có thu nhập cao hơn. Bước đầu tôi đã định hướng được tương lai sắp tới cho bản thân. Với công việc đó, tôi sẽ có thể cho vợ và các con có được cuộc sống đầy đủ hơn”.

Còn với huấn luyện viên Ngô Quang Trường - người có bề dày kinh nghiệm làm huấn luyện viên tại Sông Lam Nghệ An - cũng quyết định chia tay với lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ để đến với đội bóng non trẻ nhưng giàu tiềm lực là Câu lạc bộ Bắc Ninh. Ở đội bóng mới cách xa gia đình hàng trăm cây số, nhưng đổi lại cựu huấn luyện viên trưởng Sông Lam Nghệ An sẽ có điều kiện tốt hơn để phát huy hết tài năng. Đặc biệt ông Trường sẽ nhận được chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực thực có của mình.

Sự ra đi của 2 huấn luyện viên này đã phần nào nói lên những khó khăn mà lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Nghệ đang phải đối mặt. Mặt khác, những người ở lại cũng rơi vào tình trạng xao động về tâm lý, khi phải chật vật với nguồn lương hạn hẹp. Những đồng lương khiêm tốn đang khiến cho nhiều huấn luyện viên tại lò đào tạo bóng đá xứ Nghệ vơi dần sự tận hiến cho công việc “đưa đò”.

Ông Trần Quang Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, chia sẻ: “Bóng đá là môn thể thao đặc thù, trong đó các huấn luyện viên muốn đào tạo ra được những cầu thủ giỏi, đưa đội bóng đến thành công cần bỏ rất nhiều tâm huyết, thời gian và công sức. Chính vì vậy, chúng tôi mong tỉnh Nghệ An sẽ có những chính sách phù hợp, nhằm khuyến khích các huấn luyện viên yên tâm cống hiến, qua đó giúp bóng đá tỉnh nhà phát triển hơn nữa trong tương lai”.

Cần chính sách phù hợp

Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An hiện có 25 huấn luyện viên đào tạo cho khoảng hơn 200 vận động viên thuộc 9 lớp theo các độ tuổi. Các huấn luyện viên tại trung tâm này đang được trả lương và các chế độ thông qua nguồn ngân sách của tỉnh Nghệ An.

bna_1.jpg
Cần chú trọng việc đảm bảo đời sống cho các huấn luyện viên. Ảnh: Đức Anh

Với mong muốn giúp các huấn luyện viên tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An yên tâm cống hiến, Sở Văn hóa và Thể thao đã trình Dự thảo đề xuất sửa đổi một số điều trong Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Theo đó, các chế độ huấn luyện viên được hưởng tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, được hỗ trợ kinh phí: Đối với huấn luyện viên trưởng 10.000.000 đồng/người/tháng; huấn luyện viên phó 8.000.000 đồng/người/tháng.

So với mức lương mà các huấn luyện viên đã nhận trước đây thì chế độ đãi ngộ này đã được nâng lên khá phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại. Sở Văn hóa và Thể thao hiện đang trình để nâng thu nhập cho huấn luyện viên tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An lên xấp xỉ 19 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, Dự thảo đề xuất sửa đổi một số điều trong Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND đã vấp phải sự phản đối của một số sở, ngành khi chỉ đồng ý với mức thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng cho huấn luyện viên.

Thiết nghĩ, bóng đá là môn đặc thù đòi hỏi mỗi huấn luyện viên phải hội tụ rất nhiều yếu tố mới mong đào tạo ra một cầu thủ giỏi, mang lại thành tích tốt cho bóng đá tỉnh nhà. Đặc biệt khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bóng đá xứ Nghệ đang đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ giàu tiềm lực trong nước. Nếu như tỉnh Nghệ An không kịp thời đưa ra được các chính sách phù hợp, nhằm giữ chân các huấn luyện viên thì việc đánh rơi vị thế bóng đá trẻ là điều có thể dự báo trước.

Và cũng cần phải nói thêm rằng, ở Nghệ An, bóng đá được xem là cầu nối, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân. Nhiều thập kỷ qua, người Nghệ luôn xem đội bóng quê hương là niềm tự hào, là giá trị tinh thần không thể thiếu. Vì vậy, những nhà làm chính sách cần có cái nhìn sâu hơn, xa hơn với bóng đá, trong đó cần chú trọng việc đảm bảo đời sống cho các huấn luyện viên...

Mới nhất

x
Chế độ đãi ngộ huấn luyện viên các đội trẻ Sông Lam Nghệ An liệu đã thỏa đáng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO