Chè Nghệ An xuất khẩu đạt hơn 7 triệu USD

27/12/2016 06:31

(Baonghean) - Với diện tích lên đến gần 8.000 ha, chè là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, thương hiệu 'chè Nghệ An' vẫn mới chỉ là nguyên liệu đầu vào cho các hãng sản xuất chè lớn trên thế giới...

Chất lượng sụt giảm

Hai năm 2014 và 2015, hạn hán nghiêm trọng xảy ra liên tục tại các vùng chè, làm chết và ảnh hưởng hàng trăm ha. Đây được coi là một nguyên nhân khách quan làm cho năng suất, sản lượng và thậm chí cả chất lượng chè của Nghệ An bị sụt giảm. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân và có tính chất “tạm thời”. Những năm gần đây, cùng phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất, người trồng chè cũng đỡ vất vả hơn, nhưng đó cũng chính là một lý do làm chất lượng chè bị sụt giảm.

Anh Lê Hồng Phúc - Giám đốc Công ty TNHH MTV chè Phúc Hưng Thịnh, Thanh Chương chia sẻ: Chè Nghệ An chúng ta sạch hơn do các doanh nghiệp và người dân không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, bà con chỉ mới sử dụng thuốc diệt cỏ khi chăm sóc chè chứ không dùng các loại thuốc kích thích độc hại. Tuy nhiên, do quản lý không chặt, người dân thu hái không đúng quy trình, thường đợi chè tốt mới hái, dù cân nặng hơn nhưng lại ảnh hưởng chất lượng chè thành phẩm, về lâu dài làm chất lượng và tuổi thọ cây chè kém, sản phẩm chỉ có thể bán với giá thấp.

Chè thương phẩm tại Hùng Sơn. Ảnh: P.V
Chè thương phẩm tại Hùng Sơn. Ảnh: P.V

Việc chè nguyên liệu ở Thanh Chương bị hái sai quy trình vẫn dễ dàng xuất bán là do ngoài các nhà máy, xí nghiệp còn có sự góp mặt rầm rộ của trên 50 lò sấy chè mi ni với công nghệ cũ tham gia thu mua chè búp tươi phục vụ chế biến.

Ông Nguyễn Bá Trị - Giám đốc Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, Thanh Chương cho biết: Trong phát triển vùng nguyên liệu, đơn vị có rất nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ người trồng chè như cho vay mua giống, phân bón, làm đường... nhưng người dân vẫn phá vỡ cam kết, bán chè nguyên liệu cho các cơ sở chế biến mi ni để lấy “tiền tươi”, tránh phải trả nợ, làm tình trạng tranh mua cướp bán vẫn diễn biến phức tạp.

Anh Sơn là một trong hai địa phương có diện tích chè công nghiệp lớn nhất cả tỉnh, và cũng là vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Theo ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện thì những năm gần đây, việc đưa cơ giới hóa vào đã giải quyết rất nhiều vấn đề trong áp lực thời vụ và công lao động, một cái máy và 3 lao động có thể hái được 2- 3 tấn chè búp tươi, năng suất hái tăng gấp 10 - 12 lần so với hái thủ công trước đây, tuy nhiên, nó cũng làm sụt giảm chất lượng chè.

Với cách khoán 90.000 đồng cho 1 tạ chè búp tươi, thì việc hái chè bằng máy quá sâu để thu được sản lượng chè cao nhất sẽ mang lại lợi nhuận cho cả người hái lẫn chủ vườn. Cũng chính vì thế mà chất lượng chè ngay từ khi mới thu hoạch đã bị giảm xuống so với trước và khái niệm 1 tôm 2,3 lá là rất hiếm.

Thu hái chè ở Thanh Chương.
Thu hái chè ở Thanh Chương.

Một vấn đề nữa khiến chất lượng chè Nghệ An còn thấp là do các nhà máy vẫn đang dừng lại ở chế biến nguyên liệu thô, chưa chú trọng đến việc đầu tư thiết bị hiện đại để sản xuất ra các thành phẩm có chất lượng. Nhiều dây chuyền đã được lắp đặt từ cách đây 15 - 20 năm.

Chủ yếu xuất thô

Là cây trồng chủ lực của Nghệ An, chè đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Và dù hiện nay chúng ta chỉ mới xuất khẩu nguyên liệu dạng thô cho các hãng chè lớn trên thế giới, nhưng mỗi năm chè Nghệ An cũng mang lại giá trị xuất khẩu từ 5 - 7,5 triệu USD.

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 86 dây chuyền chế biến với tổng công suất thiết kế 871 tấn búp tươi/ngày, ngoài ra còn có 74 cơ sở chế biến mini với tổng công suất chế biến chè xanh thiết kế 543 tấn búp tươi/ngày.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có 10.000 ha chè, với sản lượng ước khoảng 110 - 130 nghìn tấn búp tươi. Để đáp ứng nhu cầu chế biến và từng bước nâng cao chất lượng, cần đầu tư đổi mới công nghệ và nâng công suất một số cơ sở chế biến. Các cơ sở chế biến mini nhỏ lẻ phải đổi mới công nghệ chế biến để phù hợp với quy chuẩn của ngành Nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Sở đã ban hành đầy đủ quy trình sản xuất chè, các vùng chè cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng đầy đủ quy trình, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHKT, tập trung phát triển các vùng chè công nghệ cao, vùng chè an toàn. Sử dụng các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng thích nghi tốt để thay thế dần các diện tích chè giống cũ, lâu năm, năng suất thấp. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho người dân về quy trình kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, khai thác và chế biến theo đúng quy trình kỹ thuật.

Sản phẩm chè búp khô của Cơ sở chế biến chè Phúc Hưng Thịnh, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương).
Sản phẩm chè búp khô của Cơ sở chế biến chè Phúc Hưng Thịnh, xã Thanh Thịnh (Thanh Chương).

Đặc biệt, khi đã có nguyên liệu chè đảm bảo, thiết bị và công nghệ chế biến chè phải được đổi mới theo hướng sử dụng công nghệ cao, chế biến chè xanh cao cấp, chè ô long, chè đen CTC; đa dạng hoá các sản phẩm chè với mẫu mã, bao bì đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân hoặc với các HTX, tổ hợp tác đầu tư sản xuất, gắn sản xuất với đầu tư cơ sở chế biến để tiêu thụ sản phẩm cho dân. Tăng cường đầu tư KHCN, ứng dụng TBKT, thâm canh tăng năng suất, chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chè Nghệ An xuất khẩu đạt hơn 7 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO