Chênh vênh nghề trèo cau
(Baonghean.vn) - Năm nay, cau quả tăng giá chưa từng có, người dân nhiều địa phương ở Nghệ An đổ xô đi buôn cau. Nghề trèo cau rong ruổi khắp các làng quê đem lại nguồn thu nhập khá, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Cây cau cho quả nhiều ở các huyện trong tỉnh hiện nay hầu hết là những vườn cau cao chót vót, đã trồng nhiều năm. Cau là loài cây thân độc mộc, thẳng đứng, tròn, nhẵn, khó trèo hái. Ảnh: Huy Thư |
Thời gian qua, giá cau tăng cao, người dân nhiều địa phương ở Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp... đổ xổ làm nghề trèo cau, buôn cau, có những xã như Thuận Sơn (Đô Lương), Thanh Nho (Thanh Chương) có hàng chục lao động theo nghề. Người đi hái cau thường mang theo những cây sào dài để ngoặc buồng cau. Ảnh: Huy Thư |
Những người trèo cau thường dùng một vòng dây bện bằng sợi vải hay tàu chuối gọi là cái “nài chân”. Khi trèo, họ lồng cái nài vào 2 bàn chân, quặp vào thân cau để tăng độ ma sát. Với những người trèo cau thành thạo, họ thường trèo “buông”, không cần dụng cụ hỗ trợ và có thể chuyển sang cây khác một cách nhanh gọn. Ảnh: Huy Thư |
Khi đã trèo lên được ngọn cau, công việc tiếp theo là chọn những buồng cau quả to để hái. Chỉ cần 1 cú giật mạnh là buồng cau sẽ rời khỏi thân cau. Những nơi trồng cau dày, để khỏi phải trèo lên tụt xuống nhiều lần, người trèo cau giỏi có thể trèo sang cây khác bằng cách “vít ngọn”, ôm cây này đu sang cây kia, hái hết vườn cau chỉ lên xuống 1 - 2 lần. Ảnh: Huy Thư |
Với những người không biết trèo cây hoặc trèo không thạo thường đứng dưới gốc, hoặc đứng trên thang dùng sào để ngoặc buồng cau. Ảnh: Huy Thư |
Theo những người làm nghề, họ không chỉ đi mua cau trong tỉnh mà còn sang cả các tỉnh bạn. Có 2 phương thức mua bán cau trên cây là mua “quạ” cả vườn và mua bằng cách đong đếm, hái xuống, cân lên rồi mới tính tiền. Trong ảnh: Đứng trên đỉnh thang hái cau cũng khá chông chênh, chỉ cần sơ sẩy là gặp tai nạn. Ảnh: Huy Thư |
Để cau khỏi rơi vãi, mất công nhặt quả, những người hái cau thường thiết kế cây sào gắn với liềm hoặc móc sắt cùng với 1 cái nẹp để giữ buồng cau mắc vào sào sau khi hái. Ảnh: Huy Thư |
Anh Trần Văn Mão (46 tuổi) – một thợ trèo cây lành nghề ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) cho biết, anh làm nghề trèo trám, trèo cau đã nhiều năm, so với nghề trèo trám, trèo cau vất vả hơn nhiều, vì mỗi ngày đi làm phải trèo cả trăm cây. Vất vả của nghề trèo cau không chỉ là đi xa, trèo cao, chở nặng, công việc trèo cau luôn tiềm ẩn không ít rủi ro. Tai nạn rơi, ngã do gãy cây, trượt thang, tuột chân... là mối lo lắng nhất đối với người làm nghề trèo cau, hái cau. Ảnh: Huy Thư |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm liên quan đến nghề trèo cau. Vụ tai nạn gần đây nhất là ngày 23/10, anh Phan Quốc Huy (37 tuổi) ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) bị điện giật trong khi hái cau, khiến anh phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hiện anh đã bị cắt cụt 2 bàn tay, đang điều trị tại bệnh viện với nhiều vết thương nặng. Mưu sinh khó nhọc, đồng tiền kiếm được từ nghề trèo cau nhiều khi phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt. Ảnh: Huy Thư |
Người hái cau sành điệu ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) có thể "sang cây" bằng cách vít ngọn. Video: Huy Thư |