Chỉ 30% trong số 116 chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống
(Baonghean.vn) - Liên quan đến những chính sách dành cho đồng bào dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão cho biết, Nhà nước đã ban hành 116 chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, hiện nay mới chỉ 30% chính sách đi vào cuộc sống.
Chiều 15/10, đại biểu Quốc hội gồm: Ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Hoàng Thị Thu Trang - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn; ông Moong Văn Tình - cán bộ Huyện đoàn Quế Phong, có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tại xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Mỹ Nga |
Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo nhanh nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, cử tri bày tỏ sự đồng tình trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, nhờ đó những kiến nghị của cử tri đã được phản ánh và giải pháp kịp thời.
Cử tri tập trung phản ánh nhiều vấn đề trên địa bàn như: Việc bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập xóm; dự án đường vành đai 3 phát triển miền Tây Nghệ An triển khai chậm; "ách tắc" trong giao đất lâm trường cho người dân; công tác quản lý đất đai; ô nhiễm môi trường do xả thải của các công ty.
Cử tri Đinh Hữu Toàn phản ánh về những bất cập trong thu - chi đầu năm học trên địa bàn. Theo cử tri, việc tài trợ giáo dục phải nhận được sự đồng thuận, tuy nhiên, việc tài trợ này đang trở thành “thu” ồ ạt, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Cử tri Đậu Thị Quy cho rằng, đối với người dân miền núi, đất rừng là nơi để sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa được giao đất rừng để vừa khoanh nuôi bảo vệ rừng, vừa nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo bền vững. Cử tri đề nghị sớm đưa ra giải pháp, giúp người dân miền núi có thể sống được bằng nghề rừng.
Cử tri phản ánh nhiều vấn đề quan tâm. Ảnh: Mỹ Nga |
Các vấn đề như người dân miền núi đang thiếu nước sinh hoạt; chưa có nhiều nguồn lực, chính sách trong phát triển nông nghiệp nông thôn; chất lượng y tế trên địa bàn chưa được đảm bảo… cũng được cử tri đề cập, phản ánh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo huyện, xã đã trực tiếp giải trình trước cử tri những nội dung thuộc thẩm quyền thuộc các nhóm vấn đề: dự án đường giao thông; quản lý đất đai; lĩnh vực y tế; giáo dục.
Liên quan đến những chính sách dành cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão cho biết, Nhà nước đã ban hành 116 chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế.
Cấp phát gạo cho đồng bào nghèo vùng cao tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh tư liệu: P.V |
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, hiện nay mới chỉ 30% chính sách đi vào cuộc sống. Do đó, thời gian tới, Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương rà soát lại tất cả các chính sách, nhằm đáp ứng kịp thời những nguyện vọng chính đang của người dân, đưa miền núi theo kịp miền xuôi, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Trần Văn Mão tiếp thu và tập hợp các ý kiến của cử tri để phản ánh tới các bộ, ngành Trung ương trong kỳ họp sắp tới.