Chỉ rõ tồn tại, hạn chế để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính

21/02/2017 20:13

(Baonghean) - Mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của nhiều cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế. Trước tình trạng trên, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đang quyết liệt đẩy mạnh xây dựng một nền hành chính liêm chính, kiến tạo, xem hiệu quả công việc làm thước đo chất lượng cán bộ.

Chuyển biến từ Chỉ thị 17

Những năm qua, Nghệ An được xem là địa phương có những giải pháp quyết liệt trong chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nhận diện được những tồn tại, hạn chế về thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, nên vào tháng 12/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 17-CT/TU (gọi tắt là Chỉ thị 17) nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị 17, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị 10/2013/CT-UBND và thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh. Những cuộc kiểm tra với hình thức đột xuất, không báo trước nhằm mục đích kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật trong thực thi công vụ.

Đoàn kiểm tra chỉ thị 17 tại UBND huyện Yên Thành
Đoàn kiểm tra chỉ thị 17 tại UBND huyện Yên Thành. Ảnh: Phạm Bằng

Có thể nói, Chỉ thị 17 từ khi ra đời đã tạo một luồng sinh khí mới trong nền hành chính công ở các cấp, ngành, đơn vị. Nhờ những giải pháp mạnh, nhận thức, trách nhiệm của đa phần cán bộ, công chức đã có sự chuyển biến rõ nét và tạo sức lan tỏa rộng rãi, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đánh giá kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 17, ông Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực; văn hóa công sở được quan tâm. Hầu hết bộ phận tiếp dân, tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa được các ngành, địa phương quan tâm, tổ chức bố trí hợp lý; các thủ tục được công khai, niêm yết rõ ràng tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc của đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành, những tồn tại, hạn chế trong chấp hành Chỉ thị 17 ở các cơ quan, đơn vị đã được chỉ rõ và có biện pháp khắc phục. Như huyện Nam Đàn, ngay sau khi thông tin nhiều cán bộ, công chức vi phạm Chỉ thị 17, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Công văn 95/CV-HU về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 17 và Chỉ thị 28 của BTV Huyện ủy.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém, Huyện ủy Nam Đàn yêu cầu tất cả các cán bộ, đảng viên ký cam kết thực hiện Chỉ thị 17 và Chỉ thị 28 của BTV Huyện ủy gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời, gắn với việc thực hiện Chỉ thị với việc thi đua, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm Chỉ thị thì xử lý nghiêm.

Tại huyện Tân Kỳ, sau khi có thông tin của đoàn kiểm tra, giám sát tỉnh, UBND huyện đã ban hành Công văn 1545/UBND-NV yêu cầu các thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo cán bộ, công chức chấp hành nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 17 và Chỉ thị 10. Theo đó, UBND huyện Tân Kỳ yêu cầu các tổ chức, đơn vị nhanh chóng khắc phục những tồn tại, khuyết điểm mà đoàn kiểm tra chỉ ra, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định đối với những cá nhân vi phạm.

Ông Đoàn Tử Nghĩa - Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND huyện, đoàn kiểm tra, giám sát đã kiểm tra tại 5 xã và qua đó phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đoàn đã kiến nghị UBND huyện xử lý kỷ luật. Cùng đó, đoàn kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của huyện để từ đó, huyện có giải pháp khắc phục kịp thời, nâng cao hiệu quả công việc.

Kiểm tra chỉ thị 17 tại UBND thị trấn Nam Đàn
Kiểm tra chỉ thị 17 tại UBND thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Phạm Bằng

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Mặc dù đã có những giải pháp quyết liệt, nhưng việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính tại một số nơi chưa nghiêm, chưa đạt yêu cầu. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng hiệu quả công việc còn chưa cao. Trước thực tế đó, bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

“Nhìn chung, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức trong thời gian qua đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng với nhiệm vụ. Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ vẫn còn chưa cao, chưa thể hiện được tinh thần phục vụ tổ chức, nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục kiểm tra, giám sát chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính là cần thiết” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cho biết thêm.

Có thể nói, mục tiêu cao nhất của Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ là chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Vì vậy, một nội dung quan trọng đoàn sẽ kiểm tra là công tác phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân, đơn vị và việc thực hiện nhiệm vụ được giao, việc theo dõi và quản lý việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chấp hành thời giờ làm việc của từng cán bộ, công chức. Ông Bùi Đình Sáng - Chánh Thanh tra Sở Nội vụ, Tổ trưởng tổ kiểm tra số 2 cho biết:

Việc kiểm tra là cơ sở để đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện cán bộ, công chức có những hành vi vi phạm, đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn được chấp hành nghiêm và thống nhất.

Với tinh thần quyết liệt, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra tại 8 đơn vị, địa phương. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, công tác phổ biến, quán triệt Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ đã được các đơn vị, địa phương thực hiện cơ bản đầy đủ; các đơn vị, địa phương đã ban hành được quy chế, quy định làm việc, quy chế văn hóa công sở phù hợp.

Kiểm tra Chỉ thị 17 tại UBND xã Thạch Gám (Tương Dương)
Kiểm tra Chỉ thị 17 tại UBND xã Thạch Gám (Tương Dương). Ảnh: Phạm Bằng

Song, từ kiểm tra đột xuất cho thấy rằng, tình trạng chấp hành thời giờ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn kém. Có đơn vị, mới chỉ 10 giờ 30 phút nhưng đa số cán bộ, công chức vắng mặt tại nơi làm việc; hay có đơn vị dù đã 8 giờ sáng nhưng tại nơi làm việc vắng mặt 11 công chức. Tình trạng đi làm việc muộn, không đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, phòng làm việc chưa có bảng tên chức danh... thì hầu như đơn vị, địa phương nào cũng có. Đối với những đơn vị, đoàn đang yêu cầu giải trình cụ thể và có hình thức xử lý phù hợp với những công chức, viên chức chấp hành chưa nghiêm thời giờ làm việc theo quy định.

Việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính là cơ sở để các cơ quan, đơn vị đánh giá lại công chức, cán bộ của mình, đánh giá lại việc điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo. Từ đó chỉ ra được những cán bộ không đủ tư cách, đạo đức để có biện pháp xử lý, bố trí công việc phù hợp, đúng khả năng, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn mực về đạo đức, lối sống, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Chỉ rõ tồn tại, hạn chế để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO