Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 tỉnh Nghệ An dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ
(Baonghean.vn) - Theo kết quả công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2023 Nghệ An đạt 88.48 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2022.
Sáng 17/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 (SIPAS).
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân theo 02 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 07 tỉnh, thành phố. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 của các tỉnh/thành phố duy trì sự ổn định. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92.18%; từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước. Xếp vị trí thứ 2/63 là thành phố Hải Phòng, đạt 91.87% và là năm thứ 4 liên tiếp, Hải Phòng đạt kết quả Chỉ số >90%.
Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, đạt 91.43%, xếp thứ 3/63; Bắc Giang đạt 91.16%, xếp thứ 4/63 và Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 91.03%, xếp thứ 5/63. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81.32%.
Theo kết quả công bố, Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của tỉnh Nghệ An đứng thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước; đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Chỉ số SIPAS - mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023, tỉnh Nghệ An đạt 85.62 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 2 các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Chỉ số Cải cách hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đánh giá với 8 chỉ số thành phần. Bao gồm:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CHCC): 6 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh: 4 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần
3. Cải cách thủ tục hành chính: 5 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần
4. Cải cách tổ chức bộ máy: 4 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần
5. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 9 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần
6. Cải cách tài chính công: 4 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần
7. Hiện đại hóa hành chính: 5 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần
8. Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: 6 tiêu chí, 8 tiêu chí thành phần.
Năm 2023, có 07/8 chỉ số thành phần tăng điểm và 01/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số”, với mức tăng 6.60%; Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm so với 2022 là “Tác động của Cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, với mức giảm 1.29%.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá, những thành tựu đạt được của công tác cải cách hành chính trong năm qua của các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản được định lượng, thể hiện thông qua kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBNDcác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ khi triển khai đến nay, Chỉ số Cải cách hành chính tiếp tục khẳng định là công cụ quản lý quan trọng, thước đo quan trọng giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính của từng bộ, ngành, tỉnh, thành phố; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.