Pháp luật

Chi tiết lộ trình chuyển đổi sử dụng xe ô tô điện đối với xe buýt, xe khách nội tỉnh Nghệ An

PL 13/05/2025 11:15

Theo lộ trình từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Hết năm 2030, phấn đấu tối thiểu 20% phương tiện xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh...

mo_hinh_xe_but_in_c_trin_khai_t_chin_lc_chuyn_i_nng_lng_xanh_than_thin_vi_moi_trng_ngay_cang_ph_bin_ti_vit_nam.jpg
Mô hình xe buýt điện được triển khai từ chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh, thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải; Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 8685/VPCP-CN ngày 25/11/2024 của Văn phòng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng xanh ngành Giao thông Vận tải giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 9/5/2025, về việc chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với xe buýt, xe khách nội tỉnh giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn Nghệ An.

Lộ trình chuyển đổi:

  • Lộ trình chuyển đổi sử dụng xe ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt:

- Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh (gồm: Xe thuần điện là xe cơ giới sử dụng hệ thống truyền động điện; Xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy là xe cơ giới điện sử dụng pin nhiên liệu thuần túy, trong đó, hệ thống pin nhiên liệu là nguồn năng lượng duy nhất trên xe cho hệ thống động lực của xe), năng lượng xanh (xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô).

- Đến hết năm 2030 phấn đấu tối thiểu 20% phương tiện xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh.

  • Lộ trình chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh:

- Từ năm 2025 khuyến khích xe tuyến cố định nội tỉnh thay thế, đầu tư mới thực hiện chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh.

- Đến hết năm 2030 tối thiểu 10% phương tiện xe tuyến cố định nội tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh.

bna_van-truong-1(1)-5d2638a5233d9a3fe32f2cd92c43acdf.jpeg
Một trạm sạc ô tô điện ở thị xã Thái Hòa đã đi vào hoạt động. Ảnh: tư liệu Văn Trường
  • Hạ tầng trạm sạc điện cho xe điện

Để đảm bảo thực hiện việc chuyển đổi, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đảm bảo quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc điện cho xe ô tô điện trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu cho xe ô tô điện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm vụ, giải pháp:

Về cơ chế, chính sách: Sẽ phối hợp tham gia với bộ, ngành Trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện chuyển đổi sử dụng ô tô điện. Áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải đầu tư, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang ô tô điện (hỗ trợ về tài chính khi đầu tư mua sắm phương tiện, hỗ trợ giá sạc điện, ưu tiên về tuyến đường, khu vực hoạt động,...).

Phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe ô tô điện: Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút ưu đãi đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc cho xe ô tô điện. Xây dựng trạm sạc tại các bến xe, trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu, bãi đỗ xe, khu du lịch và các vị trí đầu mối giao thông đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật và an toàn cháy nổ,... Quy hoạch và hoàn thiện hệ thống trạm sạc đáp ứng phục vụ nhu cầu cho phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện trên phạm vi toàn tỉnh

Nâng cao hiệu quả sử dụng xe ô tô điện: Tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, tác dụng tích cực và lợi ích của việc chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang ô tô điện; phương tiện sử dụng năng lượng xanh.

- Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về phương tiện, thiết bị sử dụng điện; ứng dụng công nghệ, giao thông thông minh trong tổ chức quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả ô tô điện khi tham gia kinh doanh vận tải.

bna_van-truong-4-c55328e8400af1b5f06f16f33f48b960.jpeg
Một trạm sạc ô tô điện đang được xây dựng mới ở Nghệ An. Ảnh: tư liệu Văn Trường

Nhiệm vụ của các sở, ngành, đơn vị liên quan

Sở Xây dựng: Chủ trì chịu trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu chính sách chung và chính sách cụ thể thúc đẩy doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt, xe khách nội tỉnh chuyển đổi sang xe ô tô điện; phối hợp, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương việc triển khai thực hiện các nội dung công việc của Kế hoạch này đảm đồng bộ, kịp thời; định kỳ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, địa phương triển khai, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương liên quan hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích về xe buýt, xe khách nội tỉnh chuyển đổi sang xe ô tô điện.

Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc điện trên địa bàn tỉnh và phương án bảo đảm cung ứng điện cho trạm sạc điện.

Sở Tài chính: Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về phương án tài chính trong xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư chuyển đổi sử dụng xe buýt, xe khách nội tỉnh chuyển đổi sang xe ô tô điện, phát triển hệ thống trạm sạc cho xe ô tô điện theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét ưu tiên đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giao thông sử dụng điện trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Chi tiết lộ trình chuyển đổi sử dụng xe ô tô điện đối với xe buýt, xe khách nội tỉnh Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO