Chia sẻ yêu thương cùng học sinh mồ côi do Covid-19
(Baonghean.vn) - 48 học sinh được hỗ trợ trong chương trình “Chia sẻ yêu thương cùng học sinh mồ côi do dịch Covid-19” là 48 hoàn cảnh khiến ai nhìn vào cũng phải chạnh lòng. Còn nhỏ tuổi nhưng các cháu đã phải chịu đựng những mất mát, thiệt thòi quá lớn.
Không chỉ tàn phá nền kinh tế, đại dịch Covid-19 còn để lại những đau thương, mất mát lớn về tinh thần cho rất nhiều gia đình. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 4.400 trẻ em mồ côi vì Covid-19. Gia đình các em mất đi trụ cột kinh tế, bản thân các em mất đi người chăm sóc, mất mát này không thể nào khỏa lấp, vĩnh viễn trở thành một sự thiếu hụt trong suốt cuộc đời còn lại của các em. Đồng cảm, thấu hiểu với những thiệt thòi, mất mát đó, ngày 7/9 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương cùng học sinh mồ côi do dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh.
Những đứa trẻ trưởng thành trước tuổi
Trong danh sách 48 trẻ mồ côi do dịch Covid-19, xen kẽ giữa những dòng “bố mất”, “mẹ mất” là những dòng “hoàn cảnh gia đình khó khăn”, “ở với ông bà già yếu”… Người ta vẫn nói, những đứa trẻ lớn lên trong khó khăn sẽ phải trưởng thành sớm so với tuổi - một sự trưởng thành đến đau lòng.
Em Võ Thị Bình Yên mồ côi bố do dịch Covid-19. Ảnh: Mai Liễu |
Đại diện cho 48 em học sinh chia sẻ tại chương trình, em Võ Thị Bình Yên - học sinh Trường THPT Bắc Yên Thành đã không thể kìm nén cảm xúc mà bật khóc. Em nói: “Những ngày em còn bé, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ em phải đi làm ăn xa. Em lớn lên trong vòng tay của bà nội. Khi em sắp sửa bước vào THPT thì bố em mất do đại dịch Covid-19. Những ngày sau đó, em cảm thấy chông chênh, hụt hẫng vô cùng… Người thân, họ hàng, thầy cô và bạn bè đã quan tâm, động viên, chia sẻ với em rất nhiều. Gia đình em cũng nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, nhà trường. Nhân dịp này, em xin cảm ơn thầy cô, cảm ơn lãnh đạo ngành, Công đoàn ngành đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ em cũng như các bạn có chung hoàn cảnh như em”.
Hẳn bố mẹ Bình Yên đã luôn mong em có một cuộc sống êm đềm như tên gọi, nhưng hoàn cảnh gia đình và sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần buộc Bình Yên phải tự lập sớm và nỗ lực gấp nhiều lần. Cố gắng vươn lên trong học tập, nhiều năm liền Bình Yên đạt học sinh giỏi toàn diện.
Chị Phan Thị Dược giấu những giọt nước mắt, lặng lẽ nhìn các con ngắm nghía cặp mới và bánh Trung thu. Ảnh: Mai Liễu |
Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị Phan Thị Dược (thành phố Vinh) ngoảnh mặt đi, che những giọt nước mắt để 3 con không nhìn thấy. Chị nghẹn ngào: “Anh đi xuất khẩu lao động bên Nga, năm ngoái không may qua đời vì dịch bệnh. Khi anh còn sống, tôi phải ở nhà chăm 3 con nên không đi làm được gì, khi anh mất, một mình tôi xoay xở lo cho 3 con, tìm việc làm khó khăn, thu nhập không có, không biết nhờ ai hỗ trợ chăm con để đi làm. Cứ nghĩ đến các con, nghĩ đến số phận mình, tôi không kìm được nước mắt”. Suốt chương trình, chị cứ lặng người nhìn 3 đứa con của mình đang ngắm nghía những chiếc cặp mới và hộp bánh Trung thu với đôi mắt ngấn lệ.
Là hai anh em trong gia đình có bố mất do Covid-19, em Nguyễn Mạnh Hùng và em Nguyễn Thị Tuyết Nhi (Quỳ Châu) xúc động khi nhận phần quà từ lãnh đạo ngành, Hội Khuyến học tỉnh. Em thổ lộ: “Bố mất do Covid-19 năm 2021, mẹ buôn bán tự do, thu nhập không ổn định, một mình mẹ chăm lo cho cả hai anh em ăn học. Nhà em nghèo nên thiếu thốn nhiều thứ, 3 tháng qua, mẹ em tiết kiệm, gom góp để lo cho hai con có được vài bộ đồ mới và một ít sách vở để đến trường. Hôm nay, được thầy giáo đưa xuống sở để nhận quà hỗ trợ, em rất cảm động, mẹ em chắc rất mừng vì có khoản tiền lo cho hai con ăn học".
Để yêu thương hàn gắn đau thương
Nếu như các em ở Vinh đi cùng người thân thì phần lớn các em học sinh ở các huyện được các thầy, cô thay mặt bố mẹ đưa đến chương trình. Tất bật lo lắng, vỗ về, chăm sóc, những người thầy, người cô đó như đã trở thành người thân của các em.
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao quà cho các cháu học sinh. Ảnh: Mai Liễu |
Chia sẻ về chương trình ý nghĩa này, đồng chí Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An nói: “Đại dịch Covid-19 đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình, đến bây giờ các em học sinh bị mất bố hoặc mẹ do Covid-19 vẫn chịu nhiều ám ảnh. Ngành Giáo dục thấu hiểu và rất chia sẻ với nỗi đau, sự thiệt thòi, mất mát của các em. Nhân dịp năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành tổ chức chương trình này với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm động viên tinh thần, hỗ trợ một ít vật chất, tạo cho các em thêm động lực để vượt qua nỗi đau, tiếp tục phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống. Công đoàn ngành trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Để các em học sinh mồ côi bố, mẹ do dịch Covid-19 được chăm lo trong quá trình học tập, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ cho các em trong thời gian tới”.
Chương trình được thực hiện từ nguồn kinh phí của ngành và nguồn tài trợ của các đơn vị. 48 phần quà lần lượt được lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành và Hội Khuyến học tỉnh trao tận tay cho các em. Mỗi phần quà gồm 2 triệu đồng của ngành Giáo dục và Đào tạo, 500 nghìn đồng của Hội Khuyến học tỉnh, 1 chiếc cặp và 1 túi quà gồm sữa và bánh Trung thu. Tổng giá trị mỗi phần quà gần 3 triệu đồng.
Đồng chí Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An trao quà cho các em học sinh. Ảnh: Mai Liễu |
Xúc động khi nghe các em học sinh chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại, những khó khăn, vất vả phải trải qua trong thời gian qua, đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cảm ơn và ghi nhận ý tưởng tổ chức chương trình ý nghĩa, đầy nhân văn này của Công đoàn ngành.
"Bác tin rằng, lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục, tổ chức Công đoàn cũng luôn quan tâm và mong muốn giúp đỡ để các cháu mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, được đến trường, có cuộc sống ổn định. Các cháu đã sớm thiệt thòi về tổ ấm gia đình thì sẽ có những tổ ấm lớn hơn yêu thương, bao bọc cho các cháu. Khi các cháu gặp khó khăn trong học tập, trong cuộc sống, hãy chia sẻ với giáo viên, với công đoàn, với lãnh đạo nhà trường để được lắng nghe và giúp đỡ" - đồng chí Thái Văn Thành nhắn nhủ với những học sinh tại sự kiện.
Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An và đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao quà cho các cháu học sinh. Ảnh: Mai Liễu |
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Công đoàn ngành tiếp tục sâu sát, nắm bắt cụ thể hoàn cảnh của các em để có các hình thức chăm lo phù hợp, chỉ đạo công đoàn cơ sở quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa với các em, nhất là những em còn nhỏ mà không có cha hoặc mẹ sẽ rất khó khăn trong nhiều mặt của cuộc sống./.