“Chiếc bánh mặt trăng” và triết lý kinh doanh của một người mẹ

UỐT thời thơ ấu, cô bé Thạch Thị Kim Hương không có nhiều ký ức về bánh Trung thu. Thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, cả nước gồng lên trong những cuộc chiến tranh vệ quốc. Có những dịp Trung thu, tiếng ầm ào đạn, bom thay cho tiếng tùng rinh của đèn kéo quân; lại có đôi khi, Trung thu đơn giản chỉ là ánh trăng xõa vàng trên những dòng suối, cánh rừng lúc đi sơ tán. Lớn hơn một chút, Trung thu thời bao cấp, chiếc bánh óng ả nằm gọn trong lòng tay, bố mẹ cắt tư, chia tám cho mấy anh, chị em, mỗi đứa một mẩu, ngọt vào tận tim.

Với cô bé Kim Hương, dư vị ngọt ngào của bánh Trung thu đọng mãi đến hàng chục năm sau.

Năm 1987, Kim Hương lập gia đình cùng anh Hà Văn Phúc. Bấy giờ, Hương đã là giảng viên đại học. Cô bé yêu môn Văn ngày nào đã thỏa ước mơ đứng trên bục giảng, say sưa lẩy Kiều và nói cho sinh viên nghe về truyền thuyết Hằng Nga. Rằng trên bầu trời đêm vời vợi kia, có một cô gái đã hóa thành tiên nữ, mỏi mòn đợi chờ đêm trăng tròn tháng Tám để gặp lại người thương.

Chính cô giáo Kim Hương cũng đã trải qua nhiều mùa trăng đằng đẵng như thế, trong nỗi đợi chờ người chồng đang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Những năm đầu đổi mới, đời sống kinh tế – xã hội đất nước còn nhiều khó khăn. Chồng vắng nhà, ngày đi dạy, tối về, Hương quần quật đủ nghề để tăng gia: bóc lạc, cuốn thuốc lá thuê, may gia công, bán hàng ở bến xe… Cứ nghề gì mang lại đồng tiền chính đáng là làm, chẳng ngại ngần. May mắn với Kim Hương là được đón nhận tình cảm chân thành, thương quý từ gia đình chồng, đặc biệt, người mẹ chồng mà trọn đời Kim Hương kính trọng.

Năm 1990, từ một câu chuyện tình cờ, vợ chồng Kim Hương mò mẫm đặt những bước chân đầu tiên vào nghề làm bánh, bắt đầu từ bánh bông lan, rồi đến bánh Trung thu và nhiều sản phẩm khác. Vào Đà Nẵng, ra Hà Nội, đến tận những lò bánh truyền thống nổi tiếng nhất của cả nước để tầm sư học đạo. Đôi bàn tay dày những vết chai báng súng của người chồng lóng ngóng tập quấy bột, đánh trứng… Học vững nghề, 2 vợ chồng về thành Vinh, xin phép bố mẹ chồng mở xưởng làm bánh.

“Lúc mở xưởng bánh, hình như ở thành phố Vinh chưa có cơ sở nào sản xuất và kinh doanh bánh bông lan, bánh Trung thu tại chỗ mà hầu hết đều nhập từ nơi khác về bán. Thấy 2 vợ chồng quyết tâm lập nghiệp, mẹ chồng tôi mừng lắm. Bà chỉ dặn một câu:“Cái gì mình ăn được thì hãy bán cho người ta. Đừng bất chấp lợi nhuận mà bán hết phúc đức mẹ cha để lại…” – Kim Hương nhớ lại.

Câu nói giản dị của người mẹ đã trở thành kim chỉ nam, thành triết lý kinh doanh mà suốt đời vợ chồng Thạch Thị Kim Hương – Hà Văn Phúc quyết giữ vững.

Những năm đầu thập niên 90, xưởng bánh thường mở lò về đêm. Trăng tháng Tám lửng lơ trên mái nhà ngói cũ. Trong gian bếp lụp xụp, ánh sáng từ ngọn đèn trần le lói và bếp than rực hồng chiếu bóng 2 vợ chồng loay hoay nhồi bột, làm nhân. Không có máy móc, tất cả các khâu đều hoàn toàn bằng tay. Lò than thủ công, vỉ nướng nhỏ mỗi lần chỉ đặt vừa 2-3 cái bánh. Thành Vinh vào mùa hè chẳng có nổi một ngọn gió, mồ hôi chảy qua khóe mắt cay xè.

Nếu như thuở ban đầu đến với nghề làm bánh vì thôi thúc mưu sinh, thì càng ngày, niềm đam mê bột, đường lớn hơn tất thảy. Gói trọn trong chiếc bánh Trung thu nhỏ xíu là biết bao tinh hoa đất trời và tâm huyết từ bàn tay, trí óc của người thợ bánh. Bánh có nhân làm từ nguyên liệu xá xíu, lạp xưởng, mỡ phần, hạt bí, mứt mơ, lòng đỏ trứng muối, rượu nếp, lá chanh… – những sản vật đồng bãi sạch, lành, thanh khiết.

Để có chiếc bánh ngon, thợ bánh phải tinh chọn kỹ càng từng nguyên liệu. Gạo nếp thu hoạch từ thửa ruộng trồng riêng, đầu Xuân, tiết trời mát mẻ, người thợ đã ủ rượu với nhiều hương liệu gia truyền, hạ thổ suốt nửa năm trời để dành cho mùa bánh mới. Mỡ phần, thịt lợn cũng là nguyên liệu khó, không hiếm lạ nhưng khó để mua được hàng tạ thịt và mỡ tươi, khi đưa đến tay thợ bánh còn ấm nóng. Thịt siêu nạc, nuôi công nghiệp khó làm ra nhân ngon; phải là thớ thịt mông săn chắc, khổ mỡ dày bóng của lợn cỏ…

Ngần ấy nguyên liệu nén chặt vào chiếc bánh nhỏ trong lòng bàn tay, sum vầy trong khuôn bánh như khuôn trăng trắng ngần. Bánh Trung thu truyền thống làm theo phương thức truyền thống, không chất bảo quản, chỉ để được 6-10 ngày. Cắn một miếng bánh nhỏ, dư vị ngọt – đặm – thanh – bùi… thấm vào từng giác quan.

ẦN 30 năm nay, từ xưởng bánh nhỏ cho đến chuỗi cửa hàng hoành tráng ở nhiều mặt tiền đắt đỏ, bánh Trung thu của thương hiệu có cái tên rất đẹp: HƯƠNG PHÚC – vẫn bất biến vị ngon truyền thống như thế. Ấy nhưng những năm lại đây, chiều vị giác của một bộ phận khách hàng trẻ tuổi, xưởng bánh vẫn sản xuất thêm nhiều loại bánh Trung thu các loại nhân khác nhau. Là thêm vào cho đa dạng, cho bắt kịp thị hiếu, chứ sản phẩm chủ lực vẫn là vị bánh truyền thống. Vợ chồng Hương – Phúc tin rằng rồi thì cuối cùng, giá trị chân chất trong hương vị truyền thống ấy vẫn sẽ là điều tồn tại bền vững nhất, như dù đi xa đến đâu, người ta cũng sẽ trở về tổ ấm…

Nếu nói một điều ngắn gọn về nghề bánh, thì chắc hẳn đôi vợ chồng tay trắng dựng nên cơ đồ ấy sẽ nói đến từ “tri ân”. Họ tri ân người mẹ tuyệt vời đã tiếp thêm động lực, niềm tin và bày dạy những điều ý nghĩa. Họ tri ân những người anh, người chị đã ủng hộ; tri ân chiếc bánh nhỏ bé đã mang lại thêm bữa cơm no, tấm áo lành cho những đứa con qua thời khốn khó. Họ tri ân biết bao khách hàng đã đến với họ suốt hàng chục năm nay, nhớ đến  HƯƠNG PHÚC không chỉ là một tên gọi thương hiệu, mà hơn cả là sự gửi gắm tin yêu cho mỗi mùa đoàn viên thêm trọn vẹn.

Và họ trao sự tri ân ấy cho cộng đồng xã hội. Nhiều năm nay, những chuyến xe chở hàng triệu chiếc bánh đã về với trẻ em, đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Hương vị hạnh phúc đã trở thành món quà vô giá, nụ cười đêm trăng sáng hơn tất thảy những lấp lánh vật chất trên đời…

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Đỗ đình roanh

    Đúng là tâm huyết của người làm nghề.