Chiếc tuần dương hạm ngầm xấu số của hải quân Pháp

19/12/2016 11:08

Tàu ngầm Surcouf lớn nhất thế giới đầu thập niên 1940 đã gặp phải một loạt vấn đề từ khi được đóng cho đến lúc mất tích bí ẩn trên Thái Bình Dương.

Surcouf từng được gọi là
Surcouf từng được gọi là "tuần dương hạm dưới lòng biển" nhờ hỏa lực cực mạnh. Ảnh: Bernews

Vụ mất tích bí ẩn của siêu tàu ngầm Surcouf trên Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai vẫn là bí ẩn chưa được giải cho đến nay. Đây chỉ là kết cục bi thảm của con tàu vốn gặp phải hàng loạt vấn đề ngay từ khi được đóng và biên chế cho hải quân Pháp, theo War History.

Tàu ngầm Surcouf được Pháp hạ thủy ngày 18/10/1929. Với chiều dài 110 m, rộng 9 m, cao hơn 7 m, giãn nước khi lặn 4.304 tấn, đây là tàu ngầm lớn nhất thế giới cho đến khi chiếc I-400 của Nhật ra đời năm 1943. Pháp dự định chế tạo ba chiếc, nhưng cuối cùng chỉ đóng một tàu do vướng phải hiệp ước hải quân giữa các cường quốc.

Ngoài thiết kế để săn tàu chiến mặt nước, Surcouf còn được trang bị một thủy phi cơ Besson MB.411 để tiến hành nhiệm vụ trinh sát. Tàu có 10 ống phóng ngư lôi, gồm 6 ống phóng 550 mm và 4 ống phóng 400 mm. Surcouf còn được trang bị hai pháo hạm cỡ nòng 203 mm, tương tự pháo hạng trung trên tuần dương hạm, có thể khai hỏa trong vòng 3 phút sau khi nổi.

Chiếc tàu ngầm khổng lồ này được trang bị súng máy và pháo phòng không để tự vệ, cùng một xuồng máy và khoang chứa hàng có thể giam giữ 40 tù binh. Tàu sử dụng các thùng nhiên liệu lớn, đủ khả năng di chuyển trên quãng đường dài 19.000 km. Nhu yếu phẩm đủ cho thủy thủ đoàn 118 người dùng trong 90 ngày.

Dù sở hữu thông số ấn tượng, Surcourf lại gặp hàng loạt trục trặc ngay từ khi xuất xưởng. Tàu rất khó điều chỉnh khi lặn, khó di chuyển ở vùng biển động. Surcouf mất hai phút để lặn xuống ở độ sâu chỉ 12 m, khiến nó dễ trở thành mục tiêu tấn công của máy bay săn ngầm đối phương.

Surcouf trong một chuyến hải trình. Ảnh: Bernews
Surcouf trong một chuyến hải trình. Ảnh: Bernews

Bên cạnh các sự cố kỹ thuật, tàu cũng có lịch sử hoạt động rất long đong. Năm 1940, Surcouf đồn trú ở Cherbourg, sau đó được bảo dưỡng tại Brest khi phát xít Đức xâm chiếm Pháp. Do quân Đồng minh không muốn Đức trưng dụng Surcouf, thủy thủ đoàn được lệnh di chuyển tới cảng Plymouth, Anh.

Tuy nhiên, trên đường đi, một động cơ trên tàu bị hỏng. Hải quân Anh đưa tối hậu thư, yêu cầu thủy thủ đoàn Pháp tham gia cuộc chiến chống phát xít, nếu không phải đánh chìm tàu hoặc tránh xa cuộc chiến. Ngày 3/7/1940, lính Anh lên tàu Surcouf kiểm tra, một vụ ẩu đả nổ ra làm ba binh sĩ Anh và một thủy thủ Pháp thiệt mạng.

Sự việc được giải quyết êm thấm, Surcouf được Anh sửa chữa và giao cho lực lượng kháng chiến Pháp. Cuối năm 1941, tàu Surcouf bị máy bay Đức tấn công trên Đại Tây Dương, buộc phải đến cảng Portsmouth, Mỹ để sửa chữa.

Tháng 1/1942, quân kháng chiến Pháp điều tàu ngầm Surcouf đến Tahiti để tham gia chiến dịch chống lại hải quân Nhật ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi chuẩn bị băng qua kênh đào Panama vào ngày 18/2, chiếc tàu bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn.

Nhiều giả thuyết đã được đặt ra cho sự biến mất đột ngột của tàu ngầm Surcouf. Một số người cho rằng con tàu bị chìm ở tam giác quỷ Bermuda. Chuẩn đô đốc Paul Auphan, cựu Bộ trưởng Hải quân Pháp, cho rằng Surcouf bị tàu hàng Mỹ đâm chìm ở vùng biển Caribe vì nhiều lý do, bao gồm cả yếu tố chính trị.

Một giả thuyết khác được nêu ra là Surcouf đã bị không quân Mỹ tấn công nhầm. Tài liệu lưu trữ của Phi đội oanh tạc cơ hạng nặng số 6 Mỹ cho thấy họ đã đánh chìm một tàu ngầm lớn vào ngày 19/2 ở khu vực gần kênh đào Panama.

Vào thời gian đó, không có bất cứ tàu ngầm nào của phát xít Đức hiện diện ở khu vực này. Bản thân Phi đội 6 đóng tại Panama, không xa vị trí Surcouf được cho là mất tích.

Tuy nhiên, hồ sơ này là không đủ để khẳng định Surcouf đã bị máy bay ném bom Mỹ đánh chìm. Đến nay, sự mất tích của chiếc tàu ngầm khổng lồ này vẫn còn là một điều bí ẩn, và xác của nó vẫn chưa được tìm thấy hay trục vớt.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chiếc tuần dương hạm ngầm xấu số của hải quân Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO