Chiếc vòng bạc giữ linh hồn đứa trẻ của người Thái
(Baonghean.vn) - Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái, khi mới sinh ra, linh hồn của đứa trẻ còn chưa về nhà. Nó vẫn rong chơi, lang thang ở đâu đó. Chiếc vòng bạc sẽ chở linh hồn của bé về trong lễ đặt tên.
Trong lễ đặt tên, lần đầu tiên trong đời, bé được làm nghi lễ buộc chỉ cổ tay. |
Với những cộng đồng người Thái ở Nghệ An, ngày đặt tên là nghi lễ quan trong đầu đời của một đứa trẻ. Từ đó đứa trẻ có tên gọi chính thức của mình. Và cũng từ ngày này nó được “ma nhà” là tổ tiên của mình chấp nhận là thành viên của gia tộc.
Trươc lễ đặt tên, linh hồn của bé vẫn còn rong chơi đâu đó. Thầy mo phải làm nghi thức gọi vía bé về |
Khi một đứa trẻ sinh ra, người hiểu biết nhất về phong tục của dòng họ sẽ chọn một ngày làm lễ đặt tên. Bé trai và bé gái được chọn ngày có tên gọi khác nhau để đặt tên. Ngày, giờ làm lễ được quy định trong lịch riêng của người Thái.
Vào ngày đã định người ta mổ gà cúng tổ tiên, cúng cây thuốc mà bà mẹ đã uống trong lúc mang bầu và cho con bú. Cúng gọi vía đứa trẻ về nhà cho tổ tiên nhận mặt. Cũng như lễ gọi vía, sau lễ cúng cha mẹ bé và các thành viên trong gia đình được buộc chỉ cổ tay. Đây cũng là lần đầu tiên bé sơ sinh được buộc sợi chỉ. Nghi thức này sẽ còn lặp lại rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của người dân thuộc đồng bào Thái.
Trong lễ cúng vía trên nhà, áo của bé được bày ra mâm cúng. Áo cũng là nơi nương náu của hồn vía con người. |
Mâm cúng ngày lễ đặt tên cũng tùy theo điều kiện của gia chủ. Có nhà mổ lợn hoặc mổ gà để làm lễ . Gia đình nào khó khăn chỉ cần vẻn vẹn 2 quả trứng luộc cũng thành lễ đặt tên. Trong mâm cúng còn có những bát thuốc. Bà mẹ sẽ uống hết chúng để thể hiện sự yêu mến đối với người hái thuốc. |
Mâm cúng ngày lễ đặt tên cũng tùy theo điều kiện của gia chủ. Có nhà mổ lợn, làm gà để lễ. Những gia đình khó khăn đôi khi chỉ cần vẻn vẹn 2 quả trứng luộc cũng thành lễ đặt tên.
Cũng theo quan niệm của người Thái, khi lập gia đình, linh hồn cha mẹ sẽ lên trời gặp "Then" xin con. "Then" sẽ cử một linh hồn xuống hạ giới làm thanh viên mới trong gia đình. Trước khi làm lễ đặt tên, linh hồn bé vẫn còn lang thang đâu đó mà chưa về nhà.
Trong ngày lễ, một chiếc thang lên nhà đặc biệt được làm riêng cho bé. Bậc thang được làm từ những khúc cây dâu. Con trai 7 bậc, gái 9 bậc. Người ta tin rằng ma và những linh hồn chết oan sẽ không theo đường này mà về theo bé được. Ma thường sợ cây dâu, còn linh hồn người nhà, ngay thẳng sẽ chẳng có gì phải sợ. Chiếc cầu thang được dựng vào chiếc cột nhà gần chỗ nằm của bé, thường là cạnh bếp nấu ăn.
Một chiếc cầu thang đặc biệt được làm riêng cho bé. Những bậc thang được làm từ cây dâu để ngăn tà ma |
Thang được dựng lên chiếc cột gần nơi nằm của bé. |
Một chiếc vòng bạc được buộc vào sợi chỉ và thả từ một lỗ hổng, hoặc cửa sổ xuống cầu thang vừa dựng. Chiếc vòng bạc được đậy lại bằng những chùm lá rừng với ý niệm: linh hồn của bé đang trốn ở đâu đó. Sau đó bà cúng, thầy mo sẽ bới tìm xem bé đang trốn ở đâu và người ngồi trên nhà sẽ kéo chiếc vòng lên theo cầu thang. Hết nghi lễ này nghĩa là bé đã về với gia đình của mình.
Chiếc vòng được giấu trong những chiếc lá với ý niệm: Linh hồn của bé vẫn trốn đâu đó còn chưa chịu vể nhà. |
Sau bài cúng, thầy mo sẽ đi tìm xem bé đang ở đâu.Sau đó chiếc vòng sẽ được kéo theo cầu thang lên nhà. |
Cùng với lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên, một lễ cúng khác cũng được tiến hành là gọi vía và cúng cây thuốc. Trên mâm cúng này ngoài gà, thịt ra có những bát thuốc. Bà mẹ sẽ uống hết tất cả những bát thuốc này khi xong lễ cúng.
Trong ngày đặt trên, lần đầu tiên bé sẽ được cắt tóc lấy ngày.
Hữu Vi