'Chiến binh' dẫn dắt nước Anh ra khỏi EU

17/08/2017 19:28

(Baonghean) - David Davis, Bộ trưởng phụ trách đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Bộ Brexit) đang bị bủa vây trong những lời chỉ trích. Dù vậy, rất ít khả năng ông sẽ bị lung lay vì như cách mà báo giới từng gọi ông “chiến binh” – xuất phát từ thời gian David Davis làm lính dự bị của đội đặc nhiệm Không quân Hoàng gia (SAS).

Ông David Davis đã vượt qua nhiều tên tuổi để trở thành Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh (The Guardian)

Ông David Davis đã vượt qua nhiều tên tuổi để trở thành Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh. Ảnh: The Guardian

Am hiểu tường tận châu Âu

Khi Thủ tướng Anh Theresa May công bố danh sách nội các mới, rất nhiều người đã ngạc nhiên khi cái tên David Davis xuất hiện ở vị trí Bộ trưởng phụ trách Brexit, chứ không phải là Boris Johnson hay Liam Fox – những nhân vật hết sức tích cực trong cuộc vận động cho Brexit.

Nhưng xem xét kỹ lý lịch của David Davis, người ta sẽ hiểu vì sao ông lại giành được sự tín nhiệm của nữ Thủ tướng Anh.

Sinh năm 1948, David Davis được xếp vào hàng “chính trị gia lão làng”. Con đường chính trị của ông chính thức bắt đầu từ năm 1987 khi được bầu làm nghị sĩ. Việc ông tham gia chính trường và cho đến nay vẫn trụ lại trong nội các được xem là một trường hợp hiếm hoi.

Lý do là ở Anh, rất hiếm ai vào được Quốc hội với nền tảng là một nhà công nghiệp thành công như ông, và càng hiếm hơn đối với một người tốt nghiệp trường đại học của các thành phố công nghiệp lớn (còn được gọi là nhóm Redbrick Univerity).

Vậy mà đó lại chính xác là con đường mà David Davis đã đi. Sinh ra tại York, David Davis sống cùng ông bà ngoại suốt thời thơ ấu. Mãi sau này ông mới chuyển tới London sống với mẹ và theo học trường Trung học Kinh doanh London.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Warwick chuyên ngành khoa học, ông tiếp tục theo học một năm chuyên ngành quản lý cấp cao tại Đại học Harvard, Mỹ. Sau một thời gian ngắn làm nhân viên bảo hiểm và binh sĩ dự bị của SAS, ông vào làm việc tại Tate&Lyle – một người khổng lồ của ngành công nghiệp Anh lúc bấy giờ.

Đó cũng là thời điểm Anh mới gia nhập thị trường chung châu Âu, và Tate&Lyle với lĩnh vực chính là sản xuất mía đường phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm củ cải đường trồng ở Pháp.

Chính giai đoạn này đã mang lại cho David Davis những kinh nghiệm đầu tiên và thực tế nhất về hội nhập châu Âu. Những kinh nghiệm đó càng được bồi đắp dày hơn trong thời gian ông giữ chức Bộ trưởng phụ trách châu Âu từ năm 1994 đến năm 1997.

Ở vị trí này, ông đã thiết lập nhiều mối quan hệ tốt với các quan chức của Liên minh châu Âu, trong đó có ông Michael Barnier – người mà ông sẽ phải đối mặt trong các cuộc đàm phán khó khăn về Brexit sắp tới.

“Quả đấm sắt già nua”

Các đồng nghiệp của David Davis nhận xét ông là người có nhãn quan rất tốt về các vấn đề chính trị.

Khi chủ nghĩa châu Âu phát triển mạnh mẽ vào những năm 1990, dù có quan điểm hoài nghi hội nhập châu Âu, song ông vẫn đóng vai trò tích cực trong việc thuyết phục các đồng nghiệp ủng hộ Hiệp ước Maastricht – hiệp ước dẫn tới việc ra đời đồng tiền chung euro sau này.

Khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lịch sử về vấn đề Brexit, ông có cơ hội được trở lại đúng với quan điểm của mình khi đứng về phe ủng hộ Brexit.

Trong số những người ủng hộ Brexit, David Davis có cách nhìn nhận về sự ra đi của Anh rất giống với Thủ tướng Anh Theresa May, đó là “thà không đạt thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi”.

Ông David Davis (thứ hai bên trái) dẫn đầu đoàn Anh trong cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (The Sun)
Ông David Davis (thứ hai bên trái) dẫn đầu đoàn Anh trong cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu . Ảnh: The Sun

Chính bởi quan điểm cứng rắn như vậy nên ngay khi ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Brexit, báo giới đã đồng loạt nhận xét là “chiến binh SAS sẽ dẫn đường cho Anh ra khỏi Liên minh châu Âu”.

Có lẽ người ta đã liên tưởng giữa sự cứng rắn của ông với những khí chất mà ông có được trong thời gian làm binh sĩ dự bị của lực lượng đặc nhiệm SAS.

Dù trong nội bộ Anh có nhiều ý kiến trái chiều về kịch bản Brexit “cứng”, và thực tế là chính phủ đã phải có một số nhượng bộ để đưa ra kịch bản Brexit mềm mỏng hơn, song ông David Davis luôn tự tin khẳng định dù là kịch bản nào, ông cũng sẽ đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân Anh, cho các doanh nghiệp Anh.

Vì vậy, khi bà Theresa May chọn ông làm Bộ trưởng Brexit và chịu trách nhiệm dẫn dắt các cuộc đàm phán, nhiều người ví von bà đã đưa lên bàn đàm phán “một quả đấm sắt già nua”!

“Trong o ngoài ép”

Trải qua hai vòng đàm phán chính thức, EU và Anh vẫn chưa làm rõ được về những vấn đề như biên giới với Cộng hòa Ireland, các quyền của công dân EU tại Anh, và quan trọng nhất là “hóa đơn li dị”.

Trong khi EU muốn hóa đơn Brexit phải được tính toán và nhất trí trước khi tiến hành các cuộc thảo luận, thì phía Anh lại muốn tách bạch 2 vấn đề này một cách riêng rẽ. Vì vậy mà ông David Davis bị chỉ trích là “chỉ muốn những gì có lợi cho mình”.

Về vấn đề này, ông David Davis tỏ ra khá thận trọng khi cho biết Anh sẽ chấp nhận trả một phần “hóa đơn li dị” như yêu cầu của EU, song sẽ không phải ở mức 10 tỷ euro/năm như nước này đang trả hiện nay.

David Davis còn phải đối mặt từ những khó khăn từ chính nội bộ nước Anh. Suốt một thời gian dài, chính phủ Anh bị chỉ trích là không công bố một kế hoạch cụ thể về tiến trình Brexit, rồi khi công bố lại bị chỉ trích là quá cứng rắn, và rằng kịch bản Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận (Brexit “cứng”) sẽ là một thảm họa với nước Anh.

Mới đây nhất, chính phủ Anh lại đang đối mặt với các buộc không công bố 50 nghiên cứu “bí mật” về tác động của Brexit.

Ông đã phải đáp lại lời kêu gọi của công luận rằng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để công bố các bản nghiên cứu này vì nó có thể “phá hỏng khả năng của chính phủ trong việc đàm phán thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh”.

Đến cuối tháng 8 này, David Davis sẽ lại dẫn đầu đoàn đàm phán của Anh bước vào vòng đàm phán thứ 3 với EU về Brexit với rất nhiều vấn đề gai góc sẽ thực sự phải chiến đấu như một “chiến binh”.

Dù vậy, ông đã bác bỏ những đồn đoán rằng nước Anh sẽ phải có những nhượng bộ quan trọng và khẳng định rằng “lợi ích sẽ phải dành cho cả hai bên”.

Trước những ý kiến cho rằng nước Anh có quá nhiều tham vọng khi bước vào đàm phán với EU, ông đã thẳng thắn khẳng định: “Tôi sẽ không xin lỗi vì đã tham vọng, bởi vì nó gắn liền với lợi ích của người dân nước Anh”. Đó chính là tính cách của David Davis: không có giới hạn cho những hoài bão và tham vọng.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
'Chiến binh' dẫn dắt nước Anh ra khỏi EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO