Chiến dịch bí mật giúp Triều Tiên sở hữu 87 trực thăng Mỹ

12/10/2017 06:51

Triều Tiên sử dụng các công ty vỏ bọc để mua 87 trực thăng do Mỹ sản xuất, sau đó hoán cải chúng thành trực thăng tấn công.

chien-dich-bi-mat-giup-trieu-tien-so-huu-87-truc-thang-my

Trực thăng MD-500 trong cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Trong cuộc duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng năm 2013, không quân Triều Tiên trình diễn 4 trực thăng MD500E gắn giá phóng tên lửa chống tăng ở hai bên thân. Đây là lần đầu tiên nước này xác nhận việc duy trì phi đội 87 chiếc MD500E do Mỹ sản xuất, toàn bộ đều được Triều Tiên mua trước đó gần 30 năm thông qua một chiến dịch bí mật, theo National Interest.

MD500 là phiên bản dân sự của trực thăng trinh sát hạng nhẹ OH-6 Cayuse, được biên chế cho quân đội Mỹ trong thập niên 1960. Thiết kế thân nhỏ gọn, hình giống quả trứng khiến dòng OH-6 mang biệt danh "Quả trứng bay". Nó được sử dụng vào nhiều mục đích như tải thương binh, hộ tống trực thăng vận tải, trinh sát và yểm trợ hoả lực cho bộ binh bằng súng máy và rocket.

Yếu tố khiến OH-6 Cayuse được sử dụng rộng rãi là giá thành mỗi chiếc chỉ khoảng 20.000 USD vào năm 1962, tương đương 160.000 USD ngày nay. Nó cũng có thể hoạt động và hạ cánh xuống những nơi mà nhiều loại trực thăng khác bó tay. Dù vậy, OH-6 dễ bị tổn thương trước các loại hỏa lực mặt đất của đối phương. Một số phiên bản nâng cấp như MH-6 và AH-6 vẫn tiếp tục tham gia các sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Trung Đông và châu Phi.

Vào thập niên 1980, tập đoàn McDonnell Douglas nhận đơn hàng sản xuất 102 chiếc MD500 cho Delta-Avia Fluggerate, một công ty xuất nhập khẩu đăng ký tại Tây Đức của doanh nhân Kurt Behrens. Trong giai đoạn 1983-1985, công ty Associated Industries của Mỹ nhận nhiệm vụ chuyển 86 trực thăng MD-500D và MD-500E cùng một chiếc Hughes 300 thông qua 6 chuyến hàng của Delta Avia tới các quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, tới tháng 2/1985, Bộ Thương mại Mỹ khám phá một số điểm đáng ngờ trong hoạt động của công ty xuất nhập khẩu này, như địa điểm giao hàng không giống với vận đơn. Toàn bộ điểm đến của những chuyến hàng này đều là Triều Tiên. Sau cuộc điều tra, Washington phát hiện ra chủ sở hữu của Associated Industries cũng là cổ đông chính của Delta Avia.

chien-dich-bi-mat-giup-trieu-tien-so-huu-87-truc-thang-my-1

Một chiếc MD-500E trong biên chế không quân Triều Tiên. Ảnh: Global Aviation

15 trực thăng MD-500 còn lại trong hợp đồng 102 chiếc của Delta Avia sau đó bị tịch thu, anh em nhà Semler, chủ sở hữu Associated Industries, phải ra tòa vào năm 1987 do vi phạm luật cấm giao thương với Triều Tiên. Nhiều chuyên gia cho rằng Delta Avia chỉ là công ty bình phong để chuyển máy bay tới Triều Tiên, họ được hứa hẹn khoản tiền 10 triệu USD nếu hoàn thành thương vụ này. Một công ty bảo hiểm ở Anh cũng tham gia chiến dịch, việc thanh toán được thực hiện thông qua ngân hàng tại Thụy Sỹ.

Anh em nhà Semler nhận tội và được hưởng mức án khá nhẹ, đồng thời cho rằng họ đã bị Behren lừa về địa điểm giao hàng. Họ chỉ phải đóng mức phạt thấp hơn rất nhiều so với số tiền kiếm được từ thương vụ này. Trong khi đó, doanh nhân Behrens thẳng thừng tuyên bố trực thăng MD-500 không nằm trong danh mục cấm xuất khẩu vì chúng không phải là thiết bị quân sự.

Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định đã biết rõ về chiến dịch buôn lậu này. Nó được giám sát bởi một tham tán Triều Tiên tại Đức, với sự hỗ trợ của một công ty vận tải của Liên Xô ở Tây Đức. Tuy nhiên, CIA quyết định không thông báo cho các cơ quan dân sự vì họ không muốn để lộ việc đã nghe trộm đại sứ quán Triều Tiên.

Một trong những câu hỏi được đặt ra là tại sao Bình Nhưỡng muốn sở hữu những chiếc MD-500, dù phiên bản dân sự không có những công nghệ đặc biệt để họ tìm mua bằng mọi giá. Trên thực tế, lý do là MD-500 có giá thành rẻ và rất dễ hoán cải thành trực thăng tấn công bằng cách lắp súng máy và giá phóng tên lửa. Hàn Quốc cũng áp dụng phương pháp này khi mua 270 chiếc MD-500.

Lô trực thăng MD-500 của Triều Tiên có thể được dùng cho mục đích xâm nhập Hàn Quốc qua giới tuyến phi quân sự và thực hiện những cuộc đột kích bất ngờ. Bình Nhưỡng duy trì khoảng 200.000 lính đặc nhiệm, một phần không nhỏ trong số này có thể được cơ động bằng phi đội MD-500 mang phù hiệu của đối phương.

Những chiếc MD-500 cũng được chỉnh sửa để mang tên lửa chống tăng Susong-Po, được Triều Tiên phát triển từ nguyên mẫu Malyutka-P của Liên Xô. Các tên lửa Malyutka từng tiêu diệt nhiều xe tăng chủ lực của Israel trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đang sở hữu lực lượng trực thăng diệt tăng mạnh với nòng cốt là những chiếc MD-500.

chien-dich-bi-mat-giup-trieu-tien-so-huu-87-truc-thang-my-2

Chiếc MD-500 mang 4 tên lửa chống tăng Susong-Po. Ảnh: KCNA

Chiến dịch bí mật này giúp Triều Tiên sở hữu 87 trực thăng từ chính nước Mỹ, đối thủ trực tiếp trong cuộc chiến tiềm tàng của họ. Điều đó cũng cho thấy nhưng khó khăn khi tìm cách áp đặt lệnh cấm vận lên quốc gia này, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhận định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chiến dịch bí mật giúp Triều Tiên sở hữu 87 trực thăng Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO