Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản ở khu tái định cư Bản Vẽ

31/03/2011 11:22

(Baonghean) - Mấy ngày hôm nay, thời tiết không mấy thuận lợi nhưng lễ phát động chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng...

(Baonghean) - Mấy ngày hôm nay, thời tiết không mấy thuận lợi nhưng lễ phát động chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn náo nhiệt như ngày hội.

Là ngày triển khai phát động chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ ở Ngọc Lâm nên những người phụ nữ Thái đã dậy từ rất sớm cất đặt việc nhà để đi “chiến dịch”. Dù trời mưa lây phây, nhưng rất nhiều chị em vẫn tề tựu đông đủ tại nhà văn hóa bản Muộng. Rạo rực sắc màu thổ cẩm, rạo rực âm thanh của ngày hội chiến dịch trên quê hương đất mới Bản Vẽ. Đúng 8h 30 phút, chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa. Hội trường ấm hẳn lên bởi những hàng ghế kín chỗ. Những tiểu phẩm, những lời ca tiếng hát được đội văn nghệ xã tự biên tự diễn, xen kẽ chủ đề truyền thông về DS/KHHGĐ với chăm sóc SKSS được dân bản đón nhận bằng những tràng vỗ tay nhiệt tình.

Chiến dịch là ngày hội chăm sóc SKSS với đồng bào Thái
ở xã Ngọc Lâm.


Nhà văn hóa bản Muộng trở thành "trạm y tế dã chiến", cán bộ huyện đã phối hợp với cán bộ xã tổ chức chu đáo, từ việc tuyên truyền, vận động đến việc tiếp đón bà con, bố trí bàn khám, bàn cung cấp dịch vụ, nấu nước tiêm.... đều được làm chu đáo. Những câu chuyện về mùa vụ, chồng con, gia cảnh... và thêm nữa là câu chuyện về lựa chọn dịch vụ của họ đã thực sự làm tôi bị cuốn hút. Chị Vi Thị Duyên ở bản Noòng vui vẻ cho biết:

Chị đã có 2 con, chiến dịch lần trước, chị thực hiện KHHGĐ đặt vòng. Có vòng rồi, vẫn khỏe, mà lại yên cái bụng vì không lo lỡ kế hoạch nữa. Thế nhưng chiến dịch lần này chị vẫn đi để được khám xem mình có bị bệnh không. Còn chị Lương Thị Khoa ở bản Muồng thì mặc dù đã có 3 con nhưng từ lâu mắc bệnh mà không biết. Bây giờ đến đây được khám và cấp thuốc chị mới biết mình bị viêm nhiễm phụ khoa.

Từ trung tâm huyện vào khu tái định cư Bản Vẽ quả thực xa. Để đưa được trang thiết bị phục vụ cho việc tư vấn và khám chữa bệnh, triển khai các dịch vụ phải đi qua nhiều cung đường gian nan, vất vả và tất cả đều được vận chuyển bằng phương tiện công nông.

Câu chuyện triển khai chiến dịch ở vùng đất này là những kỉ niệm gắn bó đối với những người làm công tác dân số kỳ cựu như Giám đốc Trung tâm Dân số Nguyễn Hiền Ngọc, Phó Giám đốc Nguyễn Đình Thành, hay bác sỹ Nguyễn Hoàng Hòa, cán bộ y tế huyện Thanh Chương. Họ hiểu được ngôn ngữ, phong tục của người Thái, biết uống và cảm nhận được hương vị của rượu cần... đủ biết được sự gắn bó sâu nặng giữa cán bộ với đồng bào và hoạt động của lĩnh vực dân số trên vùng đất này như thế nào.

Từ khi đồng bào Thái ở Yên Na (Tương Dương) rời mảnh đất chôn rau cắt rốn, nhường lại cho công trình thủy điện Bản Vẽ, về sinh sống tại Ngọc Lâm (Thanh Chương) thì cũng chừng ấy thời gian anh Nguyễn Đình Thành không nhớ hết mình đã đi đến bao nhiêu bản làng và đến với bao nhiêu gia đình đồng bào thái.... Chỉ biết rằng mỗi lần các anh vào đều được đồng bào chờ đón như người con của bản làng.

Chủ tịch UBND xã Lô Hoài Dung phát tờ rơi và phương tiện tránh thai cho chị em thôn bản.


Năm 2008 khi bà con dân bản mới về đây, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, cán bộ chuyên trách dân số chưa có, bà con chưa được tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản hay các dịch vụ y tế. Thế nhưng, bây giờ ở Ngọc Lâm, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản hay thực hiện các biện pháp KHHGĐ đã trở thành nếp nghĩ của mỗi người. Bởi đồng bào ai cũng hiểu đây là chính sách quan tâm của Đảng và nhà nước dành cho đồng bào, những vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng hồ điểm 11 giờ trưa, nhưng “trạm y tế dã chiến" bản Muộng vẫn còn đông người, chị em các lứa tuổi đến đây để được khám thai sản, được phát hiện các bệnh phụ khoa đồng thời được hướng dẫn cấp phát các phương tiện tránh thai giúp họ thực hiện KHHGĐ.

- "Ở những vùng xa xôi còn nhiều khó khăn này, chị em ít được tiếp xúc với trang thiết bị hiện đai như siêu âm, soi tươi. Và họ hiểu chiến dịch là cơ hội để họ có thể có được điều kiện chăm sóc cho chính mình vì thế dù bận đến mấy cũng phải đi cho bằng được.” Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, ông Lô Ngọc Dung chia sẻ.

Đợt 1 năm 2011, Thanh Chương sẽ triển khai Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại 40 xã, thị trấn trên toàn huyện. Đặc biệt ưu tiên những vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Thời gian triển khai chiến dịch đợt 1 sẽ bắt đầu từ 15/3 và kết thúc vào 30 - 4/2011. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 26/3 đã có 16 xã đồng loạt triển khai chiến dịch và kết quả đã ngoài sức mong đợi.


Hồ Hà

Mới nhất
x
Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản ở khu tái định cư Bản Vẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO