Chiến lược 5 năm và áp lực của Triều Tiên

Mỹ Nga 14/10/2020 08:30

(Baonghean.vn) - Phát biểu trước 25 triệu người dân vào tháng 5/2016, Kim Jong-un - nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới, 32 tuổi, đã đưa ra một lời hứa táo bạo: chỉ trong 5 năm, sinh kế của Triều Tiên sẽ được cải thiện rõ rệt, trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa văn minh hiện đại. Mục tiêu kinh tế đầy tham vọng, nhưng dường như vẫn chưa thể hoàn thành.

NƯỚC MẮT CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO

Vào thời điểm đó, Triều Tiên là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và bị kiềm chế bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của quốc tế do kiên quyết theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Do đó, chiến lược phát triển kinh tế 5 năm của Triều Tiên nhận được nhiều sự kỳ vọng.

Bức ảnh chụp hồi tháng 5/2016 khi Nhà lãnh đạo Kim Jong un công bố về chiến lược 5 năm phát triển. Ảnh: KCNA
Bức ảnh chụp hồi tháng 5/2016 khi Nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố về chiến lược 5 năm phát triển. Ảnh: KCNA

Trong ngày lễ trọng đại của quốc gia, đánh dấu 75 năm kể từ ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, lẽ ra, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có thể vinh danh những thành công trên lĩnh vực kinh tế của đất nước. Song, những năm qua đã không diễn ra như mong đợi của ông, thậm chí hồi tháng 8/2020, Kim Jong-un thừa nhận kế hoạch đã thất bại. Nguyên nhân được chỉ ra ở chỗ, nhiều “thách thức bất ngờ và không thể tránh khỏi, cũng như tình hình ở khu vực bán đảo Triều Tiên”.

"Phía sau bức thông điệp, người ta có thể cảm nhận ông Kim Jong-un đang cảm thấy rất nhiều sức ép đè nặng lên vai trò lãnh đạo".

Hong Minh, Viện nghiên cứu thống nhất quốc gia Hàn Quốc

Không giống như những năm trước, trong lúc đọc bài diễn văn kỷ niệm, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bật khóc. Nếu trước đây, các bài diễn văn trong những sự kiện lớn của đất nước thường tập trung ca ngợi sức mạnh quân sự của Triều Tiên, thì năm nay nội dung chính dành để chia sẻ sự đồng cảm của nhà lãnh đạo với người dân trước nhiều thách thức xảy ra đồng thời. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ nỗi buồn vì không thể cải thiện đáng kể đời sống, mặc dù đã được người dân ủng hộ tuyệt đối. Triều Tiên đã và đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn khi cùng lúc đương đầu với 3 thách thức: các lệnh trừng phạt quốc tế, đại dịch Covid-19 và thiên tai.

Chuyên gia Hong Minh, phụ trách bộ phận Triều Tiên tại Viện nghiên cứu thống nhất quốc gia Hàn Quốc nhận định: Phía sau bức thông điệp, người ta có thể cảm nhận ông Kim Jong-un đang cảm thấy rất nhiều sức ép đè nặng lên vai trò lãnh đạo. Ông ấy đang trải qua giai đoạn điều hành đất nước thực sự khó khăn.

Nhà lãnh đạo Kim Jong un bật khóc trong lúc đọc diễn văn kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bật khóc trong lúc đọc diễn văn kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

CUỘC KHỦNG HOẢNG CHƯA CÓ TIỀN LỆ

Chiến lược quốc gia về phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế hầu như không được cân bằng trong thực tế. Ông Kim Jong-un đã giám sát nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, trong khi nền kinh tế lại suy thoái theo từng ngày. Triều Tiên đã hoàn thành nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để tạo ra “thanh gươm hùng mạnh bảo vệ hòa bình”, song điều này lại khiến người dân thắt lưng buộc bụng trong nhiều năm.

Ba hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo, một bất đồng lớn - là cách miêu tả về những lần đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.

Thực tế, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên rất tốn kém. Mỗi vụ thử tên lửa đều bị cộng đồng quốc tế coi là hành động khiêu khích lớn. Bình Nhưỡng liên tục vấp phải những nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người ta hy vọng rằng những biện pháp này sẽ bóp nghẹt nền kinh tế của Triều Tiên đến mức buộc ông Kim Jong-un phải ngồi vào bàn đàm phán.

Lựa chọn ngoại giao là bước đi hợp lý tiếp theo của ông Kim Jong-un trong thực hiện chiến lược 5 năm của quốc gia, thế nhưng mọi việc lại tiếp tục không mấy suôn sẻ. Chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, nhưng ba hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo, một bất đồng lớn - là cách miêu tả về những lần đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Đến cuộc gặp thứ 3 hồi tháng 6/2019 tại khu phi quân sự chia cắt liên Triều, Bình Nhưỡng đã bước vào năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm, nhưng vẫn chưa mang lại sự thịnh vượng kinh tế như đã cam kết cho người dân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp riêng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp riêng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP

Mâu thuẫn gay gắt về bức tranh lớn khiến Mỹ - Triều không đạt được sự tin tưởng và một thỏa thuận. Các cuộc đàm phán dần đi vào bế tắc. Vì vậy, Bình Nhưỡng lại tiếp tục thử nghiệm vũ khí. Các biện pháp trừng phạt vẫn được áp dụng và đang khiến Bình Nhưỡng không thể cải thiện triển vọng kinh tế của mình.

Tiếp đó, đại dịch toàn cầu đã khiến kinh tế của Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn. Là một quốc gia kín đáo nhất thế giới, nhưng sự gần gũi với Trung Quốc cũng khiến Triều Tiên không thoát khỏi sự lây lan của đại dịch. Du lịch quốc tế đến Triều Tiên bị hạn chế rất nhiều ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Nhưng vào tháng 1, Triều Tiên đã buộc phải đóng cửa biên giới, ban bố tình trạng khẩn cấp và thành lập các trung tâm chống dịch trên khắp đất nước. Ngay cả đối với một đất nước được mệnh danh là “vương quốc ẩn sĩ”, tự lực, thì việc đóng cửa biên giới sẽ đi kèm với những cái giá nghiêm trọng.

Bình Nhưỡng phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc để giữ cho nền kinh tế phát triển. Do đó, khi đóng cửa biên giới với Trung Quốc, về cơ bản Triều Tiên không còn huyết mạch kinh tế. Thêm vào đó, lũ lụt lịch sử vào mùa hè năm nay do các cơn bão lớn gây ra cũng khiến các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt.

Chủ tịch Kim Jong-un duyệt binh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un duyệt binh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: KCNA

Dưới những tác động tiêu cực của đại dịch và các biện pháp trừng phạt vẫn còn hiệu lực, rõ ràng mục tiêu của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là mang lại cho người dân của mình “cuộc sống giàu có và văn minh” vẫn chưa thể hoàn thành.

TIẾP TỤC THEO ĐUỔI CHIẾN LƯỢC

Trước bức tranh kinh tế ảm đạm, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thể ăn mừng thành tựu kinh tế trong ngày lễ kỷ niệm lớn vừa qua. Tuy nhiên, như các chuyên gia dự đoán, Bình Nhưỡng đã tận dụng cơ hội công bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, tích hợp công nghệ mới nhất. Giới chuyên gia, nghiên cứu quân sự đã gọi loại tên lửa này là “một quái vật”, và nhận định lớn hơn và có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào trong kho vũ khí của Triều Tiên.

Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn cho thấy những hoạt động tại một bãi vận chuyển được biết đến là nơi phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm một loại SLBM chạy bằng nhiên liệu rắn mới. Một vụ phóng thử nghiệm thành công sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng khác trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ vũ khí hiện đại của Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Triều Tiên được trình diễn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Triều Tiên được trình diễn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Dù phô diễn hay thử nghiệm, thì bất kỳ loại vũ khí mới nào cũng nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Đối với Triều Tiên, sự phô trương sức mạnh quân sự sẽ giúp phân tán sự chú ý khỏi đại dịch, nền kinh tế và kế hoạch 5 năm không mấy thành công.

Tham vọng kinh tế của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể chưa thành hiện thực, nhưng với bản lĩnh của một chính trị gia sắc sảo, cộng đồng quốc tế vẫn sẽ dõi theo khi ông công bố kế hoạch 5 năm tiếp theo vào tháng 1/2021. Những định hướng mới nào sẽ được đưa ra, trong bối cảnh nền kinh tế bị bóp chặt bởi các lệnh trừng phạt.

Mới nhất

x
Chiến lược 5 năm và áp lực của Triều Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO