Chiến thắng bằng lời hứa 'bình thường' của Tổng thống Romania
(Baonghean) - Klaus Iohannis đã tái đắc cử chiếc ghế Tổng thống Romania hôm 24/11 vừa qua, với chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 bằng các cam kết tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng và tăng cường pháp quyền. Phải chăng thời cơ đã chín muồi để có một khởi đầu mới trong nền chính trị Romania là điều mà không ít người đang dành sự quan tâm.
Chiến thắng dễ dàng
Ở thời điểm mới 88% số phiếu được kiểm đếm, thì nhân vật trung hữu Iohannis đã có trong tay 63,2%, vượt xa đối thủ của ông - lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SDP) Viorica Dancila - Thủ tướng Romania vừa bị “mất ghế”, chỉ nhận được 36,8% số phiếu. Theo hãng thông tấn AP, sau khi có thông tin dự đoán về chiến thắng của mình, Iohannis đã có phát biểu ngắn tại trụ sở đảng Tự do Quốc gia (NLP): “Romania chiến thắng! Hôm nay Romania bình thường, hiện đại, thuộc về châu Âu đã giành chiến thắng. Người dân Romania là những người hùng của ngày này. Họ đi bỏ phiếu với số lượng đông đảo và đây là thành tựu đạt được quan trọng nhất trong hôm nay”.
Vị chính khách đã ở độ tuổi lục tuần Iohannis từng kinh qua vị trí thị trưởng thành phố Sibiu, là thành viên nhóm dân tộc thiểu số gốc Đức ở Romania và trước khi dấn thân vào chính trường là một giáo viên Vật lý ở trường trung học, đã phát biểu rằng: “Tôi đón nhận chiến thắng này bằng niềm vui sướng, sự biết ơn, khiêm tốn và lòng tin vào Romania”.
Vòng hai cuộc bỏ phiếu Tổng thống Romania đã khép lại với chiến thắng thuộc về ông Klaus Iohannis. Ảnh: IPN |
Cần nhắc lại rằng, bà Dancila - nhân vật từng đứng đầu Chính phủ nhưng đã bị lật đổ hôm 10/10 sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, do bộ máy bị vướng vào các cáo buộc tham nhũng, và còn bị EU chỉ trích là đưa ra những cải cách tư pháp nhưng làm phương hại đến pháp quyền và sự độc lập của các thẩm phán. Sau đó, đầu tháng 11, các nhà lập pháp đã ủng hộ chính phủ thiểu số do Thủ tướng Ludovic Orban thuộc đảng NLP lãnh đạo.
Dù thiếu một vai trò hành pháp, Tổng thống Romania vẫn sở hữu quyền năng ra quyết định đáng kể.
Nhiều người đều biết, ông Iohannis thường xuyên “cơm không lành, canh không ngọt” với bà Dancila cùng đảng SDP về các cải cách tư pháp và các quy định pháp luật khác. Vì thế, lần này, có chung nhiều điểm về các giá trị tư tưởng, Iohannis và Orban được kỳ vọng sẽ cùng chung sức tăng cường các biện pháp chống tham nhũng. Dù thiếu một vai trò hành pháp, Tổng thống Romania vẫn sở hữu quyền năng ra quyết định đáng kể, bao gồm về các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Đắc cử thêm nhiệm kỳ 5 năm, nhà lãnh đạo này có thể bác ứng viên thủ tướng mà các đảng giới thiệu cũng như các ứng viên bổ nhiệm vào bộ máy tư pháp do chính phủ đề cử.
Tổng thống Klaus Iohannis vẫy tay chào người ủng hộ, bên cạnh là Thủ tướng Ludovic Orban. Ảnh: AP |
Thực hiện lời hứa
Theo VOX, trong 12 năm qua, kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU), Romania đã được xem là trung tâm nỗ lực của khối để tăng cường tính liêm chính của đội ngũ công chức trong 28 quốc gia thành viên. Theo tổ chức Minh bạch quốc tế, bản thân EU “vẫn còn một chặng đường dài phải trải qua nếu muốn ứng phó với nạn tham nhũng một cách hiệu quả”. Thế nhưng, trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật vừa rồi, Romania đã cho thấy cách một quốc gia “lục địa già” có thể có được tiến triển dẫu thất thường nhưng vẫn vững vàng để hướng tới một nền hành chính trung thực, với những “cú hích” thường xuyên từ EU.
Cử tri Romania đặt niềm tin vào tổng thống tái cử nhiệm kỳ thứ hai, có lẽ một phần bởi những gì ông đã làm được.
Theo giới quan sát, Iohannis đặc biệt được lòng tầng lớp trung lưu, cũng như đội ngũ thanh niên, được ăn học tử tế trong và ngoài nước. Dĩ nhiên, trong nhiệm kỳ đầu, ông không tránh khỏi phạm phải vài sai lầm, do sức ép của SDP và tầm ảnh hưởng của đảng này đối với một số thể chế nhất định. Song công bằng mà nói, cử tri quốc gia bên bờ Biển Đen đặt niềm tin vào tổng thống tái cử nhiệm kỳ thứ hai, có lẽ một phần bởi những gì ông đã làm được. Từ năm 2014, Iohannis đã giành thắng lợi với những nỗ lực chống tham nhũng, chủ yếu là thông qua việc ủng hộ một nền tư pháp độc lập. Ông thậm chí còn tham gia một cuộc biểu tình đông đảo năm 2017 để phản đối một đảng cầm quyền có biểu hiện tham nhũng trong quốc hội. Cuộc biểu tình ấy là một trong số nhiều động thái tập trung lực lượng trong những năm gần đây, phát tín hiệu cho thấy chiều hướng dân chúng ngày càng ủng hộ chống tham nhũng và mơ về một “Romania hiện đại, thuộc châu Âu, bình thường” như ông Iohannis miêu tả.
Ông Iohannis chụp ảnh cùng đội ngũ truyền thông sau khi bỏ phiếu tại Bucharest hôm 24/11. Ảnh: AP |
Việc ông tái cử diễn ra sau khi đảng SDP cầm quyền bị thất thế hồi tháng 10. Cựu lãnh đạo SDP Liviu Dragnea đã vào tù vì tội danh tham nhũng vào đầu năm. Đảng này cũng gánh chịu những “vố thua đau” trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5 vừa qua. Cử tri có lẽ đã thoái chí, nản lòng sau khi đảng này làm xói mòn các thể chế hành pháp, giúp hàng trăm quan chức tham nhũng thoát vòng lao lý. Romania hiện thậm chí còn có Liên minh Cứu quốc Romania, một đảng gần như chỉ tập trung vào công cuộc loại bỏ nạn hối lộ, tham nhũng. Những chiến thắng nói trên được đánh giá là nổi bật, đáng lưu ý, nhất là tại một quốc gia mà 1/4 trong số dân 20 triệu người chỉ kiếm được chưa đầy 5,5 USD/ngày. Khoảng một nửa người dân Romania là nông dân, tỷ lệ cao nhất trong EU.
Là tân Thủ tướng, Ludovic Orban, nhân vật xuất thân từ đảng NLP và là đồng minh của tổng thống, hiện đối diện với nhiệm vụ nặng nề là khôi phục pháp quyền và cắt giảm bộ máy quan liêu đã được dựng nên bởi chủ nghĩa “gia đình trị” và lòng trung chính trị. Nạn tham nhũng ở mức cao đã đẩy Romania ra khỏi khu vực tự do đi lại không cần hộ chiếu của EU và cản trở nước này sử dụng đồng euro.
Ảnh: Reuters |
Còn Iohannis, ông đã tỏ rõ rằng bản thân đã rút được bài học từ sai lầm quá khứ và giành chiến thắng xứng đáng bằng sự kết hợp chủ nghĩa thực dụng, lòng kiên nhẫn, những phẩm chất cần thiết để đánh bại SDP. Giờ đây, điều mà hầu hết người dân Romania mong muốn có được là đất nước trở về trạng thái bình thường, được phản ánh qua lá phiếu mà họ dành cho Iohannis. Họ muốn khôi phục pháp quyền như các quốc gia EU khác, họ muốn hệ thống tư pháp độc lập và các nhà lập pháp trung thực. Đã đến lúc ông Iohannis phải thực hiện lời hứa tranh cử của mình, với một khởi đầu mới mẻ, trong một thời điểm đã chín muồi.