Chiêu bài "tận thu" huy chương
(Baonghean) - Lễ khai mạc SEA Games 27 đã diễn ra hoành tráng, ấn tượng. Nước chủ nhà Myanmar đã “ghi điểm” trong mắt bạn bè các nước Đông Nam Á về nỗ lực tổ chức một kỳ SEA Games “xanh, sạch và tình bạn” như họ đã cam kết và lấy làm khẩu hiệu cho kỳ Đại hội này. Tuy nhiên, điều mà các nước cử VĐV đến tham dự kỳ SEA Games này không mong muốn, là việc nước chủ nhà “tận thu” huy chương để cố giành vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng đã xảy ra.
Đầu tiên là việc nước chủ nhà đưa môn Chinlone vào thi đấu. Một bộ môn mà có lẽ nhờ có kỳ SEA Games này chúng ta mới nghe tên. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi Myanmar đã giành liền mấy HCV ở môn thi đấu này. Ngoài việc chọn môn thi đấu có thế mạnh cho riêng mình, ở các bộ môn khác, nếu có Myanmar thi đấu thì việc sắp xếp lịch, nội dung thi đấu cũng được bố trí một cách có lợi nhất cho VĐV chủ nhà. Ví dụ như ở môn cử tạ, chủ nhà SEA Games 27 đã ra quyết định rất lạ và khiến cho các đoàn cử tạ trong khu vực bất bình như ở một hạng cân chỉ cho phép đăng ký 2 VĐV, trong 2 VĐV đăng ký thì chỉ có một người được tham gia tranh tài. Bên cạnh đó, để tăng thêm huy chương, chủ nhà Myanmar còn nhập tịch các VĐV đến từ Trung Quốc để bổ sung vào đội tuyển thi đấu ở một số bộ môn.
Một môn thi đấu lạ lẫm. Ảnh:Internet |
Cùng với đó, những bộ môn thi đấu mà cách tính điểm mang tính cảm tính thì các trọng tài cũng “ra sức” giúp các VĐV nước chủ nhà giành số điểm cao. Đơn cử như ở môn wushu, mặc dù màn trình diễn mắc nhiều lỗi, nhưng VĐV nước chủ nhà Soe Kyaw vẫn được xếp trên VĐV Quốc Khánh (Việt Nam) 0,01 điểm, số điểm vừa đủ để “hớt tay trên” chiếc huy chương đáng lẽ ra đã thuộc về người xuất sắc hơn! Với những “chiêu bài” đó, mặc dù trình độ chỉ ở mức trung bình nhưng trên bảng tổng sắp các VĐV nước chủ nhà Myanmar luôn chễm chệ ở ngôi đầu và bỏ xa các nước mạnh trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Singapore về số HCV.
Nhưng cũng không thể trách Myanmar, bởi đây là vấn nạn mà những người tham gia sân chơi SEA Games lâu nay biết nhưng vẫn chấp nhận, vì bất cứ nước nào đăng cai tổ chức SEA Games thì nước đó vẫn tranh thủ cơ hội để giành vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng.
Chính sự “tranh thủ” này đã biến kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á bị gọi là “hội làng” và ngày càng trở nên nhàm chán, ít hấp dẫn. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thể thao của khu vực Đông Nam Á luôn trở thành “vùng trũng” của châu Á và thế giới!
Biết vậy, nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, căn bệnh “thành tích” đã khiến cho không nước chủ nhà nào đủ “can đảm” tổ chức một kỳ SEA Games đúng nghĩa với tinh thần thể thao “trung thực, cao thượng”, mang tính chất đua tài, với những môn nằm trong hệ thống thi đấu quốc tế.
Đức Dũng