Chinh ơi, đừng khóc!

Khoảnh khắc ấy tôi chợt nhớ ra, Chinh chỉ là một cậu nhóc sinh năm 1997. Ở tuổi ấy, hầu hết vẫn đang tiêu tiền bố mẹ và mối quan tâm lớn nhất sẽ là tối nay ăn gì, đi chơi ở đâu, với ai.

Một ngày sau trận hoà Malaysia, không ngạc nhiên khi chảo lửa từ Bukit Jalil chuyển sang mặt trận internet. Nhiều fan hâm mộ đã lao vào facebook Hà Đức Chinh với tốc độ có lẽ còn nhanh hơn cả các chú thương binh đi mua vé ở sân Mỹ Đình để buông lời miệt thị, công kích Chinh “bún chả”. Lên google gõ từ khoá “Hà Đức Chinh” – từ khoá đề xuất “Hà Đức Chinh chân gỗ” gần như hiện lên ở vị trí đầu tiên. Tôi còn thấy ở một trang tin mạng nổi nhất nhì Việt Nam bài báo với tiêu đề “Có một cách để Hà Đức Chinh dứt điểm sắc bén hơn”. Tự nhiên tôi nghĩ, những giọt nước mắt của Chinh khi rời sân, hiển nhiên là vì tiếc nuối đã không thể làm tốt hơn, nhưng có khi nào còn vì Chinh biết những gì đang chờ đợi mình trước mắt?

Người hâm mộ xưa nay vẫn thế. Hay sự thật là, người đời xưa nay vẫn thế. Người ta thường chỉ nhìn vào thành quả mà ít khi quan tâm đến con đường. Khi bạn thành công, bao nhiêu người ngưỡng mộ, tung hô liệu có được lấy một người biết rằng bạn đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt (thậm chí là máu) để trèo lên đến đỉnh vinh quang? Cũng đồng nghĩa với khi bạn vấp ngã, người ta chỉ nhìn thấy một kẻ thất bại đáng khinh thường. Khác biệt giữa người hùng và tội đồ đôi khi chỉ cách biệt nhau một gang tấc ngắn ngủi mang tên “May mắn”. Và Đức Chinh, trong một buổi tối không may, đã trở thành tội đồ trong mắt nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam như vậy. Cũng nhanh như cái cách mà Chinh từ chàng cầu thủ vô danh trở thành một trong những cầu thủ trẻ nổi tiếng và được yêu mến nhất sau ASIAD 2018.

Tôi không nói thêm về Đức Chinh nữa, bởi suy cho cùng may rủi và phong độ trong thể thao là chuyện quá đỗi bình thường. Khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn là người hâm mộ Việt Nam. Rốt cuộc, họ thực sự hâm mộ ai, hay hâm mộ điều gì? Họ hâm mộ các cầu thủ hay hâm mộ chiến thắng mà các cầu thủ đạt được? Họ hâm mộ đội tuyển Việt Nam hay hâm mộ chiếc cúp vô địch? Họ hâm mộ nỗ lực của đội tuyển hay hâm mộ thứ vinh quang có thể đem lại cho họ cảm giác tự hào? Nếu so sánh ra thì tôi lại thấy fan hâm mộ Kpop có lẽ còn đúng nghĩa là fan hâm mộ hơn. Dù họ bị coi là fan cuồng thì suy cho cùng, sự mù quáng vẫn là một đặc tính thuộc về tình yêu và lòng hâm mộ. Bởi nếu bạn thật sự yêu quý một ai hay một cái gì đó, bạn sẽ yêu họ không chỉ trong những khoảnh khắc hào nhoáng và vinh quang nhất, mà ở cả những lúc họ thất bại, buồn bã hay yếu đuối.

Một clip lan truyền trên mạng và trở thành trò cười cho đông đảo cư dân mạng thời gian qua, trong đó một cô gái đeo băng đô “Việt Nam vô địch” trên trán được phỏng vấn khi đang đi bão sau chiến thắng của đội tuyển ở trận bán kết lượt về. Cô này khẳng định mình biết hết tên các cầu thủ Việt Nam nhưng khi được hỏi ai là thủ môn bắt chính trong trận thì lại ấp úng không trả lời được. Cực chẳng đã, người phỏng vấn lại hỏi “Thế em có biết Việt Nam vừa đá với đội nào không?”. Và câu trả lời ngay sau đó đã khiến tính gây cười của clip lên đến đỉnh điểm: “Đội nào nhỉ?”. Nhưng sau khi cười đã đời cô gái hâm mộ ngây ngô đó, liệu chúng ta có nên tự hỏi bản thân mình là fan của đội nào hay không?