Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu phòng, chống các loại tội phạm
Sáng nay, 26-10, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự bất an trước tình hình tội phạm đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng hiện nay. Đã xuất hiện tội phạm phi truyền thống, sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng với nhiều hành vi mang tính man rợ. Đây là điều mà cả xã hội đang e ngại.
Sáng nay, 26-10, Quốc hội đã thảo luận về báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự bất an trước tình hình tội phạm đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng hiện nay. Đã xuất hiện tội phạm phi truyền thống, sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng với nhiều hành vi mang tính man rợ. Đây là điều mà cả xã hội đang e ngại.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) và rất nhiều đại biểu khác cho rằng, tội phạm ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi hơn. Có nhiều loại tội phạm mới hơn, khó khăn cho công tác đối phó, trấn áp. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng nói tội phạm có tổ chức, có sử dụng công nghệ, tội phạm giết người ngày càng nhiều, nhiều vụ giết người man rợ, tội phạm trẻ hóa, điển hình là tội phạm Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ỏ Bắc Giang vừa qua.
“Đây là điều mà xã hội đang rất bức xúc, bất an. Ngoài ra, tội chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng. Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên. Giải pháp mà Chính phủ báo cáo là tương đối thuyết phục, nhưng “phải đưa vào thực tiễn, không để nằm trên giấy tờ”- đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu.
Đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên họp sáng nay. Ảnh: Minh Điền
Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó có tác động của nền kinh tế thị trường; sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc kiểm soát, giáo dục con cái. “Một trong những nguyên nhân là do đầu tư cho cơ sở của chúng ta chưa thỏa đáng. Mặt khác, vai trò của lực lượng công an chưa phát huy tối đa. Cần thấy rõ là vai trò của công an rất quan trọng, vì tội phạm bây giờ rất tinh vi, trình độ cao. Hầu hết các đối tượng phạm tội trên địa bàn công an đều biết, tại sao xử lý không được, phải câng cao vai trò của công an lên”- đại biểu Huỳnh Văn Tính đề xuất.
Ông Tính cùng cho rằng, phải có cơ chế bảo vệ người thực thi công lý, đừng để tình trạng công an phải sống chung với tội phạm vì sợ tội phạm trả đũa. Thực tế cũng cho thấy, chính sách cho công an, xã hội hiện nay còn quá thấp. Sự phối hợp giữa các lực lượng công an-bộ đội biên phòng trong phòng chống tội phạm cũng chưa chặt chẽ.
Trong phiên thảo luận sáng nay, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) phát biểu Phật giáo sẵn sàng đưa chính sách pháp luật của Nhà nước vào các buổi thuyết giáo Phật pháp qua đó góp phần làm giảm tội phạm trong xã hội. “Báo chí không nên mô tả các hành vi của tội phạm, vì như thế sẽ kích thích các đối tượng tội phạm khác học theo”, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết nói.
Trong khi đó, Thượng Tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng để phòng chống tội phạm, cốt yếu phải bắt đầu từ nền tảng gia đình. “Nhiều gia đình hiện nay khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Cần phải tăng cường đạo đức, văn gia đình để phòng ngừa tội phạm, gắn kết gia đình-nhà trường-các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Nên tổ chức tập huấn cho các gia đình về kiến thức pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn để được đăng ký kết hôn”, vị Hòa thượng này đề xuất.
Đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) cho rằng báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ tuy đã đề cập đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều mặt chưa được làm rõ. “Cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể nhân dân. Công tác tuyên truyền chưa có chiều sâu khiến nhiều người vẫn vi phạm. Sức mạnh của hệ thống chính quyền chưa ổn, có nhiều vụ việc xảy ra ngay trên địa bàn mà chính quyền không biết. Sức tấn công tội phạm của các lực lượng chức năng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm”, đại biểu Trịnh Xuyên nói.
Cũng như nhiều đại biểu khác, đại biểu Trịnh Xuyên đề nghị phải nâng cao sức chiến đấu của chính quyền cấp cơ sở đề ngăn ngừa được tội phạm ngay trên địa bàn của mình. Lực lượng chức năng cần tấn công trực diện, mạnh mẽ vào các hình thức tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì đề nghị cần rà soát hệ thống pháp luật để tránh tình trạng lợi dụng sơ hở kẽ hỡ của pháp luật để phạm tội, né nội.
Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng Nhà nước phải tăng cường cả về nhân lực, phương tiện, thiết bị cho lực lượng phòng chống tội phạm. Đồng thời, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và trang bị cho hệ thống công an các cấp, nhất là ở cấp xã. Đặc biệt, cần có cơ chế, biện pháp để bảo vệ người làm công tác chống tội phạm. Tiền lương của lực lượng công an cần thỏa đáng hơn. Mặt khác, để đối phó với các thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, bản thân lực lượng làm công tác chống tội phạm phải tăng cường năng lực, trình độ của mình.
(Theo SGGP)