Chinh phục rừng hoang

30/06/2014 21:07

(Baonghean) - Sinh năm 1989, nhưng Nguyễn Công Dũng ở xóm Đăng Lưu, Nam Thành, Yên Thành đã chinh phục được đồi hoang Đà Điếu, biến nơi đây thành “vườn hoa thơm trái ngọt”, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Nguyễn Công Dũng chăm sóc đàn bò, dê.
Nguyễn Công Dũng chăm sóc đàn bò, dê.

Vùng đất Đà Điếu thuộc xóm Hợp Thành, Nam Thành trước đây đã từng được bố, mẹ Dũng thuê của UBND xã Nam Thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do xa khu dân cư, giao thông khó khăn. Năm 2008, bố mẹ tuổi cao sức yếu, Nguyễn Công Dũng “tiếp quản” xây dựng kinh tế trang trại tổng hợp. Nhưng những ngày đầu có khá nhiều người can ngăn vì cho rằng vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đầy rẫy những thách thức làm sao có thể phát triển được trang trại. Nhưng với ý chí thoát nghèo, Nguyễn Công Dũng đã khăn gói lên Đà Điếu “khai sơn phá thạch”, phát triển kinh tế trang trại.

Vùng rừng Đà Điếu có diện tích rộng lớn trên 11 ha nằm lọt giữa khu vực Lèn Voi ít người qua lại. Nguyễn Công Phượng đã có bước hoạch định ban đầu là sẽ cải tạo vùng đất làm sao cho phù hợp với cây trồng, vật nuôi để phát huy được hiệu quả. Qua hơn 1 năm lăn lộn, bước đầu Dũng đã tạo được vùng đất bằng 4 ha để trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, lạc, ngô, chè. Từ chỗ “lấy ngắn nuôi dài” Dũng đã đi học hỏi và trồng được các loại cây ăn quả xen dắm trên đất màu khá hiệu quả như các loại cây: chanh, cam, hồng xiêm, quýt… Vùng đất cao ven sườn núi khoảng trên 6 ha được Dũng dọn thực bì để trồng các loại cây nguyên liệu như keo, tràm, bạch đàn…

Giai đoạn đầu Dũng vay mượn ngân hàng và anh em trên 150 triệu đồng để cải tạo thực bì, trồng được trên 2 ha keo lai và mua lưới thép để khoanh vùng khỏi trâu, bò vào phá hoại. Cây trồng chưa đầy 2 tuần đã chết cháy do nắng hạn, để khắc phục Dũng đào giếng tìm nước để tưới cây nhưng gặp vùng lèn đá không có nước. Dũng lại cất công đi tìm nước ở thượng nguồn khe Đà Điếu, để đưa được nguồn nước cách xa trên 700 mét này về trang trại, Dũng lại phải bỏ công sức đào, lắp đường ống dẫn nước từ trên núi cao về. Có được nguồn nước dồi dào từ khe Đà Điểu về thì Dũng có điều kiện để tưới tắm cho cả diện tích cây nguyên liệu và cây ăn quả cùng các loại cây hoa màu.

Dũng dẫn tôi luồn sâu vào trang trại bát ngát màu xanh của cây ăn quả và cây nguyên liệu. Dũng khoe: “Em vừa mới thu hoạch 2 ha keo lai được trên 70 triệu đồng, còn 4 ha khoảng hơn 1 năm nữa sẽ cho thu hoạch. Riêng diện tích cây hoa màu xen dắm với cây ăn quả thì mùa nào thứ ấy đều có thu hoạch, bình quân từ 30-40 triệu đồng. Tất cả số tiền dành dụm được, Dũng lại đầu tư vào trang trại như thuê máy móc làm đường giao thông nối từ đường nhựa vào trang trại dài gần 700 m, xe ô tô vận tải có thể vào tận trang trại để thu mua gỗ keo, nông sản…

Để khai thác hết thế mạnh của vùng rừng Đà Điếu, Nguyễn Công Dũng đã vay mượn thêm tiền của đầu tư vào phát triển cơ sở chuồng trại để chăn nuôi. Tận dụng địa thế đồi núi, lèn đá Dũng đã đầu tư nuôi trên 20 con dê, bước đầu phát triển khá thuận lợi. Theo Dũng thì dê là động vật tạp ăn, sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh, chủ yếu tự kiếm ăn cỏ, lá trên rừng, không cần phải bổ sung thức ăn tinh. Dự tính trên 20 con dê sinh sản hàng năm sẽ tăng tổng đàn lên từ 50 - 60 con dê, bán với giá 150.000 đồng/kg. Hiện tại Dũng còn mua lưới sắt, khoanh vùng nuôi trên 350 con gà thịt, hàng tháng bán gà xen tỉa đều có thu nhập. Dũng cho biết: Ban đầu nuôi chưa quen, gà dịch bệnh chết hết, nhưng nhận thấy vùng đồi xum xuê tán cây xanh rất thuận lợi nuôi gà, vì vậy tôi lại phải lặn lội đi học hỏi nuôi gà từ các mô hình khác.

Đã mấy năm chăn nuôi gà cho Dũng kinh nghiệm như ngoài việc có kiến thức cơ bản về cách chăm sóc cũng như kỹ thuật nuôi gà. Việc phòng bệnh cho gà rất quan trọng, phải tiêm phòng dịch đúng định kỳ, những con ốm đau bệnh tật phải cách ly chữa trị... gà thả vườn của Dũng chủ yếu là nuôi bằng thức ăn sẵn có như thóc, các loại rau, chuối trong vườn rừng nên thịt gà ngon được khách hàng ưa chuộng, hầu hết là tư thương lên tận trang trại để thu mua. Chưa dừng lại ở đó, Dũng còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, nhưng cách làm khác với mọi người là chưa vội phát triển đàn mà chú trọng tìm giống tốt để nâng cao chất lượng đàn và nuôi theo hình thức “bán thâm canh” là vừa chăn thả vừa nuôi nhốt.

Từ chỗ chỉ có 2 con bò đến nay anh đã có 5 con bò, hiện có 2 bò cái đang thời kỳ mang thai, dự tính mỗi năm trang trại của Dũng sẽ có thêm 3 con bê con để mở rộng quy mô đàn. Nhằm chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, Dũng trồng thêm 0,3 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi bò. Với nguồn thu từ rừng và chăn nuôi khoảng trên 250 triệu đồng/năm so với các trang trại khác chưa phải lớn lắm nhưng với chí làm giàu của Nguyễn Công Dũng thì quả là khâm phục, bởi chỉ bằng 2 bàn tay trắng với ý chí sắt đá đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất khô cằn.

Trước khi chia tay, Nguyễn Công Dũng tâm sự: Em đang rất cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để mở rộng quy mô phát triển trang trại, đặc biệt là khai thác tiềm năng phát triển chăn nuôi đàn dê lên khoảng trên 300 con và đàn bò 35 con, đàn gà trên 2.000 con. Với quy mô đó, trang trại của em sẽ tạo thêm việc làm cho từ 4-6 lao động có thu nhập ổn định.

Văn Trường

Mới nhất
x
Chinh phục rừng hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO