Chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc
(Baonghean) - Xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) nằm dọc theo tuyến QL 7, nơi mà các đối tượng đua nhau đào, hút tìm vàng. Tại đây, có những đoạn, sau một thời gian dài bị "băm nát" đã để lại những cồn đá chất cao ngay giữa lòng sông, khiến cho sông bị đổi dòng khi mùa lũ về nguy cơ sạt lở hai bên gây mất an toàn cho tuyến QL 7.
Thượng tá Chu Minh Tiến, Trưởng đoàn công tác số 1, Phó trưởng phòng PC49 (phòng CSMT Công an Nghệ An) cho biết: Tại đây, đối tượng khai thác là người dân địa phương. Sau khi tiếp cận địa bàn, đoàn đã vận động người dân nhiều lần nhưng hoạt động lén lút khai thác vẫn diễn ra, các đối tượng thay đổi thời gian hoạt động nên khó cho lực lượng mỗi khi đi kiểm tra. Để có thể tiến hành truy quét, đoàn công tác đã mất thời gian nhiều ngày mật phục. Sau khi biết quy trình khai thác của các đối tượng đào đãi vàng tại khu vực này diễn ra vào ban đêm, sau đó cất dấu máy móc vào các hố sâu quanh khu vực khai thác, đoàn công tác đã triển khai lực lượng tiến hành vô hiệu hóa máy móc của các đối tượng, tiêu hủy 13 máy nén hơi, máy nổ, 19 dàn đãi vàng, gần 70m đường ống các loại.
Đây chỉ là một trong những điểm dừng trên bước đường truy quét đẩy đuổi hoạt động khai thác vàng trái phép dọc tuyến QL 7 của đoàn công tác số 1. Bởi với chiều dài hơn 200km, tuyến QL 7 có nhiều huyện tiếp giáp với nước bạn Lào như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, với địa hình khe suối, đồi núi cao hiểm trở. Hầu hết tại địa bàn các huyện đều có tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là vàng gốc, vàng sa khoáng.
Trong khi đó công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, có phần lỏng lẻo vì thế nhiều đối tượng ngoại tỉnh cùng với người dân địa phương đã tiến hành khai thác trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các dòng sông, khe, suối, làm mất an toàn lao động và an ninh trật tự trên địa bàn. Để chấm dứt việc khai thác khoáng sản trái phép, ngày 8/7/2011 UBND tỉnh ra Quyết định số 2636 thành lập các đoàn công tác kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó Đoàn số 1 được phân công kiểm tra xử lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn các huyện dọc tuyến QL 7. Ngoài việc kết hợp với chính quyền các địa phương dọc tuyến QL 7 mở các đợt tấn công truy quét, phá huỷ tang vật khai thác khoáng sản trái phép thì đoàn liên ngành thuộc đội 1 đã tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 86 vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực này, nộp Kho bạc Nhà nước 1,3 tỷ đồng. Hiện lực lượng đang tạm giữ 58 phương tiện vi phạm các loại bao gồm 7 máy đào, 3 tàu quốc, 35 thuyền và 13 máy nén hơi...
Từ kết quả mà đoàn công tác đạt được cho thấy, sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, để lập lại được trật tự, không tái diễn tình trạng nói trên là không hề đơn giản. Bởi nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Nhiều người dân cho rằng vàng ở dưới khe, suối là của tự nhiên, bao đời nay họ đã có thói quen đào đãi mỗi khi nông nhàn, nên nay vẫn cứ tiếp tục. Còn các đơn vị khai thác chỉ coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà không chú ý đến bảo vệ môi trường, mà nếu có thì cũng không đầy đủ, chỉ mang tính chất đối phó, thậm chí còn lợi dụng việc được cấp phép thăm dò để tiến hành khai thác, hay khai thác khi đã hết hạn giấy phép.
Chính vì vậy, để lập lại trật tự khai thác khoáng sản tại các địa phương dọc tuyến QL7, ngoài lực lượng chức năng, đòi hỏi phía chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc. Trước hết cần quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tránh để các đối tượng ngoại tỉnh cấu kết với người dân để khai thác. Kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, đồng thời phải chỉ rõ trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương khi để xẩy ra tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn quản lý.
Đặng Nguyễn