Chính sách không thể là “chiếc bánh vẽ”!
(Baonghean.vn) - Chính sách mà chúng tôi muốn nói đến là Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Đây là một chính sách rất được kỳ vọng, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập..
Nhiều băn khoăn
Cộng đồng bản Huồi Mới 1, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong gồm 83 hộ, 497 khẩu đồng bào Mông tham gia công tác bảo vệ trên 500 ha rừng tự nhiên, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Lên đây dịp cuối năm 2018, trong rất nhiều những vấn đề cán bộ thôn, bản và người dân trao gửi, có những băn khoăn về chính sách bảo vệ rừng. Các ông Và Bá Thái - Trưởng bản, Và Tồng Xử - Thôn đội trưởng đã nói rằng, đồng bào Mông bản Huồi Mới 1 sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, có đến 51% hộ nghèo. Bởi vậy, khi Nhà nước cho tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên, được hỗ trợ kinh phí thì rất vui. Nhưng đó là chuyện của năm 2016 trở về trước. Còn từ năm 2017 đến nay, dân không được nhận kinh phí bảo vệ rừng. Năm 2018 này, người dân đang rất trông mong, chờ đợi, không biết có được nhận khoản kinh phí này hay không?
Bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Nhật Lân |
Trả lời nội dung này, theo Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, năm 2016 trở về trước, Ban giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân bản Huồi Mới 1 từ nguồn kinh phí 30a do UBND huyện Quế Phong chuyển sang. Năm 2017, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT có văn bản hướng dẫn, kinh phí bảo vệ rừng ở các huyện 30a lấy từ nguồn kinh phí của Chương trình 30a. Vậy nhưng, năm 2017 nguồn 30a bị cắt, thế nên hợp đồng nguyên tắc với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng không thực hiện.
Còn đối với năm 2018 này, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đang triển khai thực hiện chi trả cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75, với nguồn từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 -2020 theo Quyết định 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng nhận khoán, bây giờ là cộng đồng các thôn, bản (trong đó có cộng đồng bản Huồi Mới 1). Tuy nhiên, cũng mới chỉ có 44 cộng đồng dân cư thôn, bản với 888 hộ tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia nhận khoán bảo vệ 9.813,75 ha rừng (trong đó có 4.321,14 ha rừng đặc dụng; 5.501,61 ha rừng phòng hộ). Hiện tại, vẫn còn 10.152,22 ha chưa được giao khoán cho người dân. Diện tích rừng quản lý của Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt nằm trên địa bàn 9 xã và dàn trải chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, giáp ranh biên giới Việt - Lào, tỉnh Thanh Hóa, huyện Tương Dương, địa hình hiểm trở, chia cắt. Vì vậy, nếu không thực hiện được đồng bộ việc giao khoán, sẽ dẫn đến những khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, bên cạnh đó, mục tiêu hướng đến của Chính phủ đã nêu rõ tại Nghị định 75 là thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không được thực hiện.
Đi trên đất Quỳ Châu, ở đâu cũng gặp rừng. Ảnh: Nhật Lân |
Theo các cán bộ HĐND huyện Quế Phong, cử tri trên địa bàn Quế Phong rất băn khoăn trước việc thực hiện Nghị định 75. Từ việc một chính sách lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới còn có nhiều những khó khăn như huyện Quế Phong, nhưng chậm được triển khai; khi triển khai lại không đồng bộ, nơi có nơi không, sẽ dẫn đến rất nhiều những bất cập.
Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2016, toàn huyện Quế Phong có hơn 170.000 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, có trên 142.000 ha đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Phong mới thực hiện Nghị định 75 với diện tích trên 15.000 ha (Khu BTTN Pù Hoạt giao khoán với diện tích 9.813,75 ha; Khu BTTN Pù Huống giao khoán với diện tích 2.180,68 ha; giao khoán theo Nghị quyết 30a với diện tích 3.021,14 ha).
Trên địa bàn Quỳ Châu, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên là 69.000 ha. Ảnh: Nhật Lân |
Ở huyện Quỳ Châu, qua giám sát việc thực hiện chính sách Nghị định 75, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã chỉ ra rất nhiều những bất cập. Theo Báo cáo số 1964.BC/MTTQ-BTT ngày 21/11/2018 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, trên địa bàn huyện này mới chỉ có hơn 2.632 ha/19.939,63 ha rừng phòng hộ được thực hiện chính sách của Nghị định 75 với số tiền hơn 1 tỷ đồng trong năm 2016 (do Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu trực tiếp thực hiện). Năm 2017 đến nay thì chưa được thực hiện. Nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là nguồn kinh phí để thực hiện chính sách thiếu và chậm. Tìm hiểu tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, năm 2017, do không có kinh phí nên Ban đã phải dừng các hợp đồng nguyên tắc đã ký với các hộ được giao khoán bảo vệ rừng. Còn với năm 2018, chính sách Nghị định 75 sẽ được tiếp tục thực hiện. Việc giao khoán bảo vệ rừng do Ban hợp đồng với cộng đồng các thôn, bản. Tuy nhiên, cũng chỉ thực hiện trên diện tích 1.500 ha từ nguồn kinh phí 30a do UBND huyện Quỳ Châu chuyển sang.
Theo Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, số liệu 19.939,63 ha rừng phòng hộ mới chỉ là thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu. Còn trên địa bàn Quỳ Châu, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên là 69.000 ha. Trong đó, có khoảng 58.000 ha rừng thuộc đối tượng hưởng chính sách từ Nghị định 75. Bởi vậy nhu cầu thực cho kinh phí bảo vệ rừng hàng năm lên đến khoảng 24 tỷ đồng. Một cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu tâm tư: Khi Nghị định 75 ra đời, chúng tôi đã thực hiện chỉ đạo, tuyên truyền rất kỹ với đồng bào về các chính sách người dân được thụ hưởng. Vậy nhưng quá trình thực hiện đã luôn gặp những ách tắc. Chính sách không đến được với người dân, bây giờ xuống cơ sở gặp người dân thật khó ăn, khó nói. Đề ra chính sách nhưng không thực hiện, rất dễ xảy ra những hiệu ứng ngược...
Bế tắc?
Theo Chi cục Kiểm lâm, thời gian vừa qua đơn vị cũng nhận được nhiều kiến nghị của người dân các huyện miền núi phản ánh các chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ chưa được thực hiện. Sở dĩ dẫn đến thực trạng này, là bởi không có nguồn kinh phí. Vị đại diện diễn giải, Nghệ An là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 75, nguồn vốn thực hiện chính sách bảo vệ rừng sẽ do ngân sách Trung ương bố trí 100% và được bố trí trong Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Các cán bộ bản Huồi Mới 1 ( xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về việc thực hiện chính sách bảo vệ rừng. Ảnh: Nhật Lân |
Vậy nhưng, năm 2016, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo nhu cầu vốn để thực hiện chính sách bảo vệ rừng trên địa bàn mỗi năm là hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, mỗi năm nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh chỉ được Trung ương cấp là 51 tỷ đồng (22% nhu cầu). Vì vậy, tỉnh đã cân đối từ nguồn này, thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ/CP được hơn 8 tỷ đồng; trong đó, tập trung ưu tiên khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng là đối tượng rừng có trữ lượng, nguy cơ xâm hại rừng cao, với diện tích hơn 29.000 ha. Đối với hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất; trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh nghèo trên địa bàn các xã khu vực II, khu vực III được giao rừng, vẫn chưa thể cân đối được nguồn kinh phí để thực hiện như cử tri đã phản ảnh.
Cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt cùng Bộ đội biên phòng Tri Lễ trao đổi với cán bộ, nhân dân bản Huồi Mới về công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Nhật Lân |
Nghị định 75 là một chính sách lớn, tại sao không đề ra được những giải pháp phù hợp để thực hiện? Theo vị đại diện của Chi cục Kiểm lâm, theo các văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT, việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định 75 không bao gồm các huyện 30a. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh rất lớn, lại chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện 30a. Nguồn vốn của Chương trình 30a và nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững có hạn, trong khi nhiều lĩnh vực khác cũng cần phải quan tâm đầu tư. Thế nên, một khi kinh phí Trung ương bố trí hàng năm không đảm bảo thì việc thực hiện chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75 sẽ không thể đảm bảo.
Theo các tài liệu có được, gồm Công văn số 9390/BNN-TCLN ngày 6/11/2017 của Bộ NN&PTNT về việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Công văn số 5212/BTC-HCSN ngày 7/3/2018 của Bộ Tài chính về việc kinh phí mua vắc-xin và hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, thì những nội dung Chi cục Kiểm lâm đã trao đổi là một thực tế. Và thực tế này, rất đáng lo, đáng buồn.
Theo Công văn số 4933/UBND-NN ngày 4/7/2017 của UBND tỉnh gửi các bộ, ngành có liên quan, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách Nghị định 75 trong năm 2018 là trên 287 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khoán bảo vệ rừng là gần 102 tỷ đồng/254.909,01 ha. Nghệ An có gần 1,2 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 877.000 ha đất lâm nghiệp có rừng. Những năm tới đây, việc thực hiện giao rừng, giao đất, gắn với cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh. Khi đó, nhu cầu về kinh phí thực hiện chính sách theo Nghị định 75 sẽ lớn hơn rất nhiều. Hiện nay đã vậy, tương lai việc thực hiện Nghị định 75 sẽ được giải quyết ra sao?
Một cán bộ có trách nhiệm của ngành NN&PTNT trao đổi rằng: Đây là một thực tế đáng buồn. Vậy nhưng chưa có lời giải...!?.