Chính sách thuế tiếp sức doanh nghiệp

24/09/2015 17:19

(Baonghean) - Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là về cơ chế, chính sách và nội dung quản lý thuế. Trong đó, đáng lưu ý là chính sách thuế hỗ trợ DN phát triển năm 2015 và đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho người nộp thuế mà trọng tâm là Doanh nghiệp.

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP may Minh Anh Kim Liên. Ảnh: Châu Lan
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP may Minh Anh Kim Liên. Ảnh: Châu Lan

Thực hiện bảo hộ hợp lý

Tiếp theo đà cải cách của những năm trước đây, năm 2015, doanh nghiệp lại tiếp tục đón nhận nhiều chính sách thuế mới cùng những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính thuế, hải quan, góp phần tạo thêm động lực quan trọng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Đáng lưu ý là chính sách thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đối với thuế xuất, nhập khẩu, nhiệm vụ trọng tâm là thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế về tự do hoá thương mại, đồng thời thực hiện bảo hộ hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, tăng độ minh bạch, tạo cơ hội cho doanh nghiệp giảm thấp chi phí vật tư đầu vào phải nhập khẩu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều thông tư hướng dẫn về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, đặc biệt ưu đãi để thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ban hành.

Tính đến nay, mức độ tự do hóa trong khu vực ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế nhập khẩu đã được cắt giảm xuống mức 0%. Việc gia nhập các cam kết quốc tế đòi hỏi cắt giảm thuế quan nhanh và rộng hơn, theo đó các dòng thuế đã cam kết sẽ về mức 0% sớm hơn mà không nhất thiết phải đợi đến năm 2018; Đối với những mặt hàng chưa có cam kết xoá bỏ thuế thì nay cũng phải đưa vào cam kết cắt giảm. Với việc cắt giảm này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn với hàng nhập khẩu cùng loại được sản xuất từ các nước nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều khi thị trường xuất khẩu được mở rộng, việc bán hàng vào các nước trong cam kết sẽ không bị áp thuế nhập khẩu cùng với xoá bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, những vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là mức động viên về thuế suất, quy định về các chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế và các quy định về ưu đãi thuế.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi, từ năm 2015 trở đi, cả 3 nội dung này đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, và Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn thi hành. Cụ thể, về thuế suất, Chính phủ đã hạ mức động viên từ 25% xuống còn 22% từ năm 2014 và từ năm 2016 mức thuế suất phổ thông được hạ xuống 20%. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh thu từ 20 tỷ đồng/năm trở xuống) được ưu tiên áp mức thuế 20% ngay từ nửa cuối năm 2013. Đây là mức thuế có tính cạnh tranh cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được ưu đãi và bảo hộ đầu tư theo hiệp định tránh đánh thuế 2 lần mà Việt Nam đã ký kết với các nước.

Bỏ giới hạn quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường

Về chi phí được trừ khi tính thuế, điểm nhấn chú ý nhất trong chính sách thuế từ năm 2015 trở đi là gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn đối với khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường. Theo đó, những khoản chi trên, doanh nghiệp được tính vào chi phí, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Với khoản chi mua hàng hoá của người sản xuất trực tiếp bán ra không có hoá đơn, mua của người kinh doanh thuộc diện miễn thuế không có hoá đơn thì lập bảng kê chứng từ để tính vào chi phí. Doanh nghiệp cũng được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật - Vụ trưởng Phạm Đình Thi cho biết.

Ngoài ra, còn có 3 nội dung mới mà doanh nghiệp được hưởng lợi từ năm 2015, đó là ưu đãi đối với doanh nghiệp có thu nhập từ nông nghiệp; ưu đãi thuế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án ứng dụng công nghệ cao và ưu đãi thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, các dự án sản xuất có tác động lan toả trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, miền và cả nước… Theo đó, từ năm 2015, áp dụng ưu đãi thuế đối với thu nhập từ đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn theo nguyên tắc: hợp tác xã được ưu tiên cao hơn doanh nghiệp; hoạt động tại vùng khó khăn được ưu đãi hơn vùng thuận lợi; thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thuỷ sản cũng được ưu đãi ngang bằng với ưu đãi cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tạo ra sản phẩm chưa qua chế biến.

Theo đó, Nhà nước mở rộng diện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp từ chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và đánh bắt hải sản. Áp dụng mức thuế ưu đãi 10% (mức thuế thấp nhất) đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm. Áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở các địa bàn còn lại, kể cả thu nhập từ dự án đầu tư chế biến nông sản, thuỷ sản thực hiện tại địa bàn khu công nghiệp, tại địa bàn các quận/huyện không thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.

Ứng dụng  kê khai thuế qua mạng  tại Công ty TNHH 1TV kỹ thuật, tài nguyên và môi trường (Thành phố Vinh).  Ảnh: Quỳnh Lan
Ứng dụng kê khai thuế qua mạng tại Công ty TNHH 1TV kỹ thuật, tài nguyên và môi trường (Thành phố Vinh). Ảnh: Quỳnh Lan

Đối với ưu đãi thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án ứng dụng công nghệ cao, mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp được tạo ra từ các dự án đầu tư mới. Đồng thời, Nhà nước cũng ưu đãi thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, các dự án sản xuất có tác động lan toả trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, miền và cả nước… Trong đó, có việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ…

Tạo thuận lợi cho xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh nông sản

Theo Bộ Tài chính cho biết, từ trước đến nay, chính sách thuế GTGT đã được thiết kế theo hướng giảm tối đa mức động viên từ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2015, các quy định về chính sách tiếp tục áp dụng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí về vốn đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế để bán nội địa hoặc xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp mua các mặt hàng này sẽ không phải nộp thuế 5%, khi xuất bán cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã nộp thuế theo phương pháp khấu trừ không phải khai, không phải nộp thuế GTGT đầu ra 5% và nếu xuất khẩu thì Nhà nước không phải hoàn thuế. Như vậy, quy định này làm tăng lợi ích cho toàn xã hội khi giảm chi phí quản lý đối với hoàn thuế GTGT, ngăn chặn lợi dụng cơ chế hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền hoàn thuế - Vụ trưởng Phạm Đình Thi cho biết.

Ngoài ra, công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng được quan tâm. Theo đó, ngành Thuế đã xây dựng Kế hoạch hành động nhằm thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tính đến ngày 1/1/2015 số giờ tuân thủ về thuế đã cắt giảm được 369,86 giờ/năm, năm 2015 phấn đấu giảm tiếp 45,5 giờ nộp thuế để đạt mức 171 giờ/năm, bằng mức bình quân của 6 nước ASEAN theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, đưa tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt trên 95%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%.

Năm 2016, Việt Nam phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Chính vì vậy, chính sách thuế sẽ tiếp tục là “điểm nóng”, là trọng tâm của công tác cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nhất là cho doanh nghiệp.

Sông Hồng

Mới nhất
x
Chính sách thuế tiếp sức doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO