Chính sách thương mại với Trung Quốc của Mỹ vẫn bị 'bóng ma' Trump ám ảnh

Lan Hạ 11/10/2021 16:17

(Baonghean.vn) - Hồi tháng 4 vừa qua, nhà kinh tế học hàng đầu ở Đại học Yale (Mỹ) Stephen Roach đã chất vấn chính sách Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden, đặc biệt là chính sách thương mại của ông.

"Tại sao ông ấy lại lựa chọn chính sách Trung Quốc của người tiền nhiệm Trump là đáng để duy trì, trong khi ông ấy thực sự đã cố gắng xóa sạch mọi chính sách tiềm năng khác của Trump mà ông ấy kế thừa? Đó là một câu hỏi quan trọng cần phải được trả lời".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Điều này quan trọng không chỉ cho riêng Mỹ và Trung Quốc, mà còn cho nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lãnh đạo các nước đang đối mặt với thách thức khôi phục nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và đánh giá mục tiêu khôi phục thương mại là cốt yếu. Điều này cũng quan trọng vì chính sách thương mại của người tiền nhiệm Donald Trump - không chỉ đối với vấn đề Trung Quốc mà còn do việc ông từ bỏ hợp tác đa phương, thay vào đó ủng hộ chủ nghĩa song phương - đã gây ra những tổn hại kinh tế to lớn cần được khắc phục.

Chuyên gia Chad Bown thuộc Viện nghiên cứu Peterson Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Washington nêu rõ: "Bất kỳ ai đang tìm kiếm một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ đối với Trung Quốc từ chính quyền trước đây sẽ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về điều đó”.

Do đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ không sớm chấm dứt, và chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ được giữ vững. Căn cứ vào văn bản của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, chuyên gia Bown nhận ra 3 điểm quan trọng. Đầu tiên, một số "loại trừ thuế quan" được người tiền nhiệm Trump đồng ý để cung cấp cứu trợ cho các công ty Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan sẽ được phục hồi. Thứ hai, "các hoạt động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường" của Trung Quốc, vốn bị bỏ qua trong thỏa thuận thương mại giai đoạn I vẫn là một "mối quan ngại nghiêm trọng", mặc dù bà Tai tiết lộ không có kế hoạch nào cho các cuộc đàm phán "giai đoạn hai" trong thời gian sớm nhất. Thứ ba, Mỹ có kế hoạch "phối hợp với các đồng minh thiết lập quy tắc cho thương mại công bằng trong thế kỷ XXI, và thúc đẩy cuộc đua leo lên vị trí dẫn đầu các nền kinh tế thị trường và dân chủ", cũng như nhận ra tầm quan trọng của việc "soạn thảo lộ trình mới để thay đổi động lực thương mại song phương".

Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP

Có những lý do rõ ràng - mặc dù hoài nghi - khiến Tổng thống Biden trì hoãn trong vấn đề thương mại. Quan trọng nhất, đối mặt với sự phản đối của lưỡng đảng đối với Trung Quốc và sự ác cảm bấy lâu nay của Đảng Dân chủ về thương mại, ông Biden không thể lãng phí nguồn vốn chính trị vào một vấn đề - Trung Quốc hoặc thương mại, bởi điều này có thể gây hại cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm tới. Một yếu tố quan trọng khác là mối bận tâm của chính quyền Mỹ đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh thay vì thương mại và kinh tế.

Chuyên gia Vương Huy Diệu thuộc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa cho rằng, chính quyền Washington có quan điểm vững chắc về “An ninh châu Á” hơn là “Kinh tế châu Á”. Ông lưu ý: "Việc không tham gia sâu sát vào lĩnh vực thương mại này là một lỗ hổng lớn trong chiến lược châu Á của Mỹ". Quan điểm của chuyên gia Vương đã được nhắc lại trong một bài xã luận của Financial Times vào tuần trước: “Không có khía cạnh kinh tế bên cạnh các nỗ lực quốc phòng và an ninh, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Biden chỉ là kiềng hai chân”.

Do tuyên bố phi lý của ông Trump rằng "chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng", Tổng thống Biden rõ ràng là lo sợ hậu quả chính trị của việc chống đối người tiền nhiệm. Để có sự rõ ràng về chiến lược thương mại của Mỹ, có lẽ bà Tai là người sai lầm để nghe theo. Có lẽ phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo có cơ sở vững chắc hơn: “Chúng tôi không mong muốn một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Đó là một nền kinh tế quá lớn - chúng tôi muốn tiếp cận nền kinh tế của họ, họ cũng muốn tiếp cận nền kinh tế của chúng tôi”.

Điều này có lẽ gần với sự thật, nhưng vì lợi ích của những lá phiếu giữa kỳ quý giá, Tổng thống Biden khó có thể nói như vậy trong thời gian gần. Trong khi đó, sự trì hoãn và bóng ma của người tiền nhiệm Trump sẽ chiếm ưu thế.

Theo Theo SCMP
Copy Link
Mới nhất
x
Chính sách thương mại với Trung Quốc của Mỹ vẫn bị 'bóng ma' Trump ám ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO