Chịu án oan giết người 5 năm, được bồi thường hơn 200 tỷ
Một người đàn ông đã được bồi thường gần 230 tỷ đồng (10 triệu USD) vì phải chịu án oan giết người suốt 5 năm.
Quyết định trên do bồi thẩm đoàn tại một tòa án liên bang Mỹ đưa ra sau khi phát hiện hai thanh tra phụ trách vụ việc, Michael Johnson và Maureen D'Amico, đã làm giả chứng cứ chống lại Jamal Trulove và giấu các bằng chứng có thể giúp chứng minh anh vô tội, San Francisco Gate đưa tin. Cả hai thanh tra hiện đã nghỉ hưu.
Jamal Trulove. Ảnh: Courtesy VH1 |
Trulove bị kết án vào năm 2010 nhưng đã được trắng án sau phiên tái thẩm vào năm 2015. Sau khi được phóng thích, anh đã nộp đơn kiện chống lại thành phố và hạt San Francisco lên tòa án liên bang.
Luật sư của Trulove, Alex Reisman nói với đài phát thanh KQED rằng thân chủ của ông đã bật khóc khi nghe phán quyết của bồi thẩm đoàn, yêu cầu thành phố và hạt San Francisco bồi thường 10 triệu USD cho anh.
"Khi Jamal được tuyên bố trắng án cho tội ác mà anh ấy không gây ra, đó không phải là công lý mà là điều nên xảy ra", Reisman nói. "Nhưng khi anh ấy thắng vụ kiện này, tôi nghĩ anh ấy đã cảm thấy đã dành được chút công lý cho mình".
Ngày 23/7/2007, Seu Kuka (28 tuổi) đã bị bắn chết trên một con phố ở San Francisco. Chỉ có một nhân chứng đứng ra làm chứng là Priscilla Lualemaga (24 tuổi) cũng chính là nhân chứng duy nhất của công tố viên chống lại Trulove (khi đó 25 tuổi).
Trong phán quyết được đưa ra vào ngày 27/2, mở đường cho vụ kiện về quyền công dân của Trulove được diễn ra, thẩm phán cấp quận Yvonne Gonzalez Rogers nói rằng các thanh tra viên đã có hành vi "gợi ý và cưỡng ép" để Lualemaga chống lại Trulove.
Trong phiên tòa xử lại, các luật sư của Trulove đã tìm được thêm một số nhân chứng chứng minh anh vô tội. Ngoài ra, một chuyên gia đạn đạo cũng đã khẳng định, dựa vào những góc bắn trên người Kuka, hung thủ không thể được nhìn thấy từ cửa sổ nhà Lualamaga.
John Cote, phát ngôn viên của Biện lý thành phố San Francisco Dennis Herrera nói rằng thành phố "đang phân tích các phát hiện của bồi thẩm đoàn và từ đó sẽ xác định nên xử lý thế nào". "Mục tiêu của chúng tôi là luôn đảm bảo rằng công lý được phục vụ", Cote nói.