“Chơ anh ơi khoan vội mà bực mình”

Đất nước đã dường như chuyển trạng thái từ “thời bình” sang “thời chiến”. Dù mọi sự quan tâm có vẻ đang đổ dồn cho từ khóa Covid-19, nhưng trong những ngày “Cách ly xã hội” đầu tiên này cư dân mạng vẫn xôn xao về câu chuyện công trình chữ Việt không dấu chính thức được cấp bản quyền. Bệnh cũ lại “tái phát”, những gạch đá online tuy không dữ dội như cái vụ “Tiếq Việt cải cách” của vị Giáo sư già năm trước, nhưng chắc cũng đủ làm chấn thương phần mềm những vị chủ nhân đam mê sáng tạo nọ. May mà “cộng đồng gạch đá online” đang lo chuyện “mắc dịch”.
Đã có những dòng trạng thái tỏ ý bỉ bôi công trình này. Một số còn cảm thán như thể là cái kho chữ Quốc ngữ trong não bộ của họ sắp bị cướp trắng không bằng. Cộng đồng mạng xưa nay vẫn vậy, luôn luôn tồn tại một bộ phận rất nhạy, rất cảm tính bởi thế cũng rất vội vàng. Chuyện “tay nhanh hơn não” không phải là không có. Chỉ cần đọc một dòng trạng thái của ai đó chỉ trích vấn đề gì đó là họ lập tức ùa vào hưởng ứng theo, thậm chí chia sẻ, copy về trang nhà rồi lên họa màu mè như… đúng rồi! Tệ nhất là một bộ phận chửi vung vẩy cho dù họ chưa chắc đã nhận ra họ chửi cái gì. Tôi nhớ một facebooker nổi tiếng xứ Nghệ đã từng có bình luận rất hay: Chúng ta đã thành công trong việc xóa nạn mù chữ rồi, có lẽ cũng đã đến lúc tập trung mọi nguồn lực để tiến tới xóa nạn mù… chửi!

Trở lại với bộ chữ viết đang “gây thương nhớ”, là một công trình nghiên cứu được cấp bản quyền mà có người cứ hốt hoảng như thể bộ chữ Quốc ngữ sắp khai tử đến nơi không bằng. Kiều Trường Lâm (34 tuổi, Hà Nội) có đam mê nghiên cứu ngôn ngữ từ khi còn học tiểu học. Năm 2012, anh phát hiện đề tài “Chữ Việt nhanh” của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang ở Úc). Kiều Trường Lâm sau đó thử kết hợp nghiên cứu của mình và tác giả Trần Tư Bình thì cho ra kiểu chữ viết mới theo anh là đẹp và ưu việt hơn. Kiểu chữ này được đặt tên “Chữ Việt Nam song song 4.0”. Trải qua 27 năm nghiên cứu, “Chữ Việt Nam song song 4.0” chính thức được sáng tạo thành công vào tháng 10/2019 và chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG từ Cục Bản quyền.

Vậy mà thay cho chúc mừng tác giả lại có người đang tỏ ý bỉ bôi. Rõ là tệ, các bạn trẻ đam mê nghiên cứu thì cần phải khuyến khích, phải trân trọng chứ. Không phải mọi sáng tạo đều mang lại sự ưu việt nhưng cũng không phải sáng tạo nào cũng làm cho mọi người nhận ra ngay sự ưu việt. Riêng công trình này cá nhân tôi thiết nghĩ: Thứ nhất, nó vô hại, nó không tiêu tốn một đồng nào ngân sách. Ít nhất nó cũng không tệ hơn những công trình khoa học “bỏ hoang” khác. Thứ hai, cái này không phải để thay thế chữ Quốc ngữ. Nó chỉ là một phiên bản không dấu song song, phù hợp thì dùng, không phù hợp thì thôi. Hình như lâu nay các bạn trẻ cũng hay dùng teen code kiểu như chữ ck (chồng), chữ vk (vợ) vậy thôi. Dùng giao tiếp trên mạng, chả sao cả. Riêng tôi chưa bao giờ dùng teen code, vẫn cứ chém gió tưng bừng, sao đâu. Thứ ba, dù chưa nghiên cứu kỹ nhưng tôi đã cảm nhận được những ưu điểm trong bộ chữ này. Té ra có cách viết khác mà vẫn đọc ra được tiếng Việt, chỉ ngần ấy thôi cũng đáng nể về chỉ số trí não rồi. Cái này cũng lược bỏ được rất nhiều những rối rắm của phiên bản chữ hiện hành. Ví dụ như chữ ng (ngờ đơn) và chữ ngh (ngờ kép) chẳng hạn, thấy “cảnh sát chính tả” bắt lỗi suốt đấy thôi. Rồi lúc nào thì viết “dì”, lúc nào thì viết “gì”, lúc nào “dành” và khi nào thì “giành”… trên mạng thấy nhiều bà con viết sai bét nhè. Cả dấu nữa, đã viết hot đọc hot rồi, có cần thêm cái dấu sắc nữa không? Đấy là những vấn đề rất nghiêm túc, rất khoa học chứ không vu vơ để ai chửi thì chửi. Nếu sử dụng bộ chữ này mà tiết kiệm đến mấy chục % thời gian thì đó là một điểm rất đáng ưu tiên cho giao tiếp mạng. Có thể bây giờ mà nhìn vào trang chữ thấy lạ, rối rắm, sinh ra ngại thôi. Còn bản quyền là thừa nhận tính “chính chủ”, không phải là “giấy phép lưu hành” đâu ạ.

Phản biện là một trong những hoạt động tất yếu của xã hội, nhưng phản biện không có nghĩa là phản đối. Dùng cảm tính để phản biện một công trình khoa học là… phi khoa học. Mọi người hãy có trách nhiệm, trước khi đặt tay lên bàn phím xin đừng quên chức năng cái đầu và bổn phận trái tim. Tại sao không bình tĩnh một chút, dừng lại một chút, tìm hiểu  một chút rồi hãy phát biểu. Viết đến đây lại chợt nhớ đến câu dân ca mộc mạc của ví, giặm “Chơ anh ơi khoan vội mà bực mình”.

Kỹ thuật: Chôm Chôm