"Chợ chiều"
(Baonghean) - Thời điểm này, các cơ quan hữu trách đang hoàn chỉnh Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó nội dung mà dư luận quan tâm nhất được đưa vào dự thảo lần này ấy là kéo dài tuổi nghỉ hưu. Câu hỏi đặt ra là việc nâng tuổi nghỉ hưu ngoài cái tác dụng rành rành nhất là chống “vỡ” quỹ bảo hiểm xã hội thì liệu nó có tác dụng tăng năng suất và hiệu quả công việc lên không? Hay nó lại kéo dài thêm cái “chợ chiều” mà mấy bác “tiền nghỉ hưu” lâu nay đang tranh thủ… họp?
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng có một phân tích khác xác đáng rằng: Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu theo dự thảo Luật đều có căn cứ vào nhiều yếu tố như tâm, sinh lý, sức khỏe của người lao động, yếu tố chính sách lao động và bình đẳng giới, yếu tố năng lực tài chính của ngân sách Nhà nước và của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ở nước ta, tuổi thọ của người dân đã tăng lên khá nhanh. Nếu như 50 năm trước, người dân Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 40 tuổi thì tới năm 2013 là 73 tuổi. Điều đó cho thấy, sức khỏe của người Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Trong khi đó, quy định tuổi nghỉ hưu ở nước ta vẫn giữ nguyên trong 50 năm qua, nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi...
Mặt khác, cơ chế đóng- hưởng hiện nay của Quỹ BHXH chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng. Thời gian đóng bảo hiểm ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài. Chẳng hạn, một nam chuyên viên nếu đóng BHXH 31 năm, nghỉ hưu đúng 60 tuổi thì số tiền đóng, kể cả lãi chỉ đủ chi trong 10 năm hưởng lương hưu, thiếu trên 3 năm so với tuổi thọ bình quân. Tương tự, với nữ chuyên viên nếu đóng BHXH 25 năm, nghỉ hưu đúng 55 tuổi thì số tiền đóng kể cả lãi chỉ đủ chi trong 7 năm hưởng lương hưu, thiếu gần 11năm so với tuổi thọ bình quân. Rõ ràng, không một quỹ nào có thể lấy đâu ra nguồn để bù chi cho phần chênh lệch từ 3-11 năm như vậy. Mỗi năm, quỹ chi khoảng 60.000 tỷ đồng cho trên 1,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng và trên 600 nghìn người hưởng một lần. Nếu việc mất cân đối quỹ xảy ra sẽ sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của hàng triệu người nghỉ hưu và đến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của quốc gia.
Từ những lý giải trên, chúng ta dường như hoàn toàn bị thuyết phục để chấp nhận rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp căn cơ nhằm tránh khỏi một cuộc khủng hoảng về chế độ an sinh xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, nếu vì ngần ấy lý do, thậm chí còn nhiều lý do hơn nữa nhưng việc kéo dài độ tuổi công tác mà lại không làm tăng hiệu quả công việc thì đây còn là một sự lãng phí khủng khiếp hơn nhiều. Trong mỗi cơ quan, đơn vị thường có sự tồn tại của cả 3 thế hệ, một là lớp trẻ khỏe mạnh và đầy năng động nhưng thiếu kinh nghiệm, hai là tầng lớp “trung trung” mà mọi thứ đều vào độ chín, và cuối cùng là “các bác” sắp nghỉ hưu. Phải khẳng định rằng phần đông những người nhiều tuổi thường là những tấm gương mẫu mực, thậm chí có người sau khi nghỉ hưu họ vẫn hăng say sẵn sàng làm tư vấn, làm chuyện gia… Tuy nhiên, không phải là không có những trường hợp làm việc cầm chừng theo kiểu “câu giờ”. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu chưa thay đổi mà đã bộc lộ hiện tượng trên, vậy kéo dài thêm mấy năm nữa, câu chuyện “chợ chiều” ấy sẽ ra sao?
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) - thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Khó có thể tìm thấy một lời cảnh báo nào hữu hiệu hơn những con số vừa nêu. Đã đến lúc chúng ta cần có một sự chấn chỉnh thực sự. Phải khẩn trương cho một chiến lược xây dựng môi trường chuyên nghiệp mà ở đó không có đất cho sự tồn tại của những kiểu làm việc “lừng khừng”. Việc này không dễ những cũng không thể chậm hơn!
Nguyễn khắc An