Chợ phiên cuối năm

05/02/2015 16:52

(Baonghean) - Có một nếp sinh hoạt như kiểu chợ phiên của người Thái ở Con Cuông vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ nay được gọi là chợ Tết ngày 25 tháng Chạp. Điều khá đặc biệt so với những phiên chợ vùng khác, mỗi năm chỉ diễn ra một lần nên vẫn được quen gọi là chợ Tết...

Không khí tết của người vùng cao huyện Con Cuông được khởi động từ ngoài 20 tháng Chạp. Trước đây, khi chưa cấm việc đốt pháo thì người ta nhận ra cái không khí ấy từ tiếng pháo nổ như một thứ âm thanh đặc trưng của ngày tết. Dân bản bắt đầu đốt pháo trong những buổi lễ gọi vía cuối năm. Còn ngày nay, người ta nhận ra không khí tết từ vẻ tất bật của người vào rừng hái lá dong, tìm lạt gói bánh và cả trong câu chuyện ngày thường. Người ta hỏi nhau về cái ăn và cả những dự định cho năm mới.

Thế nhưng không khí tết thực sự bắt đầu từ phiên chợ. Đó là thời điểm còn cách đêm giao thừa 5 hôm nữa. Mọi công việc ruộng nương đều dừng lại. Từ sáng sớm người ta đã gọi nhau đi chợ. Dẫu ngoài trời vẫn rét căm căm mà trên các nẻo đường núi vẫn rôm rả tiếng cười, nói. Ai cũng muốn đến được chợ, nhiều khi chẳng mua về thứ gì đâu. Đi chợ cốt để cảm nhận cái nhộn nhịp của không khí tết đã cận kề.

Hoa tại chợ tết ngày nay.
Hoa tại chợ tết ngày nay.

Người viết bài này cũng có một tuổi thơ gắn với những phiên chợ tết. Vào ngày 25 tết, thường thì cha tôi đã sắm cho mấy anh em mỗi người một bộ quần áo đẹp để mặc đi chơi, nhưng chưa dám mặc đi chợ. Quần áo mới chỉ mặc lúc giao thừa, nhưng bộ quần áo đi chợ tết phải đẹp. Ấy là bọn trẻ chúng tôi tự quy định với nhau như thế. Từ ngày hôm trước, nhóm bạn chơi thân đã hẹn nhau ngày mai cùng đi chợ tết. Sáng hôm sau, đứa dậy sớm nhất đến gọi những đứa còn lại rồi rồng rắn kéo nhau xuống chợ. Năm nào chúng tôi kiếm được kha khá tiền hoặc ông nội hứng chí giúi cho thêm năm trăm hay một nghìn bạc thì tôi rủ chúng bạn đi xe đò. Đó là chiếc xe u-oát hoặc xe chở hàng loại nhỏ từ thời chiến tranh về sau được cải tạo chở khách. Ở quê tôi, cuối những năm 80 thế kỷ trước, vẫn rất thịnh hành loại xe này. Thùng xe phía sau được đặt thêm một vài cái ghế dài là thành xe chở khách. Đi chợ tết mà được ngồi xe đò là sướng nhất trần đời rồi. Lên xe ngồi chừng mười, hai mươi phút là đến chợ, còn nếu cuốc bộ cũng phải mất hai giờ đồng hồ, mệt muốn bở hơi tai.

Thế mà suốt quãng đời ấu thơ, tôi chỉ có một vài lần được ngồi xe đò đi chợ tết. Còn nữa đều phải cuốc bộ gần chục cây số. Thực ra, chẳng phải cha tôi không cho tiền để đi xe đò. Chả là tôi muốn dành 2000 đồng cho 2 lượt đi và về để mua phong pháo. Ngày ấy mỗi phong pháo chỉ khoảng 1.000 đồng. Nếu chịu khó cuốc bộ, tôi sẽ có hẳn 2 phong pháo tha hồ chơi tết.

Cuối những năm 80, trung tâm huyện Con Cuông bắt đầu lên thị trấn. Sầm uất nhất vẫn là khu vực chợ huyện nhưng vẫn vắng teo khách mua bán. Chợ chỉ đông đúc vào ngày 25 tết, người người trong các bản xa đổ xô về. Người bản đi chợ chủ yếu là đi mua sắm, chỉ có ít người ở bản gần mang theo lá dong, lạt bánh chưng, gạo nếp, gà lợn xuống chợ bán. Cuốn hút nhất đối với trẻ chúng tôi vẫn là những trái bóng nhựa xanh đỏ, những quả bóng da để đá trong ngày tết.

Lớn lên, tôi bị cuốn vào việc học hành rồi mưu sinh. Những phiên chợ mỗi năm chỉ có một lần ấy dần bị xóa nhòa trong ký ức. Từ ngày điện khí hóa, mọi mặt đời sống con người đều phát triển đi lên. Cái chợ quê của tôi nay quanh năm tấp nập và dần hiện đại. Bây giờ, muốn xuống chợ đã có đường đẹp, có xe máy nên dân bản cũng dần quên mất cái phiên chợ đặc biệt ấy. Tiện lúc nào chạy xuống là có ngay hàng hóa.

Cho đến một ngày cuối năm, đến bản Hồng Thắng (Đôn Phục – Con Cuông) gặp lại anh Vi Văn Thủy, một người đã giúp đỡ tôi nhiều trong những chuyến đến địa bàn này tác nghiệp. Trong căn bếp ngày đông, anh chợt nói: “Chỉ còn mươi hôm nữa là 25, được đi chợ tết rồi!”. Câu nói của anh đã gợi lại một quãng đời ấu thơ của tôi. Anh kể về một quãng đời gian khó của mình... Ngày anh còn nhỏ, cách đây cũng đã gần 40 năm, khi ấy nỗi khát khao lớn nhất của một đứa trẻ vùng cao là ngày tết, bởi chỉ có ngày ấy mới được ăn ngon, mặc đẹp. Anh còn mong đến tết để cuốc bộ ra chợ mua đôi guốc mộc. Để có được tiền đi chợ, nhiều khi anh phải chuẩn bị cả nửa năm.

Những xu tiền lẻ được tích cóp từ những lần cha cho đi mua giấy bút còn thừa lại từ cửa hàng mậu dịch hay tiền bán sắn bán ngô anh được chia phần. Tất cả đều được gói trong một cái túi vải, cất cẩn thận trên mái tranh. Vui nhất vẫn là khi có được bộ quần áo mới mua từ chính những đồng tiền mình tiết kiệm được. “Thời mình còn nhỏ, người ta nghĩ cái chợ huyện là nơi giàu sang nhất”, anh Thủy tâm sự. Thế nhưng cả khu chợ chỉ có vài khu vực bán hàng, nhiều nhất vẫn là nông cụ như rìu, dao, cuốc xẻng. Khi có chợ tết, bộ mặt cái chợ huyện thay đổi hẳn. Người ta đổ xô về, chen lấn nhau đông nghịt. Người đi sau phải túm áo người đi trước mới khỏi lạc nhau. Ai lỡ bị lạc có khi phải tìm cả buổi mới gặp được người thân. Dẫu vậy người ta vẫn háo hức chờ đi chợ tết. Những người ở mạn xã Bình Chuẩn phía trên còn đùm xôi vượt núi đi từ chiều hôm trước. Đến chợ nhiều khi chỉ để ăn bát phở rồi về.

Ông Vi Căn Chuyên, bản Kim Đa (Lục Dạ - Con Cuông) thì cho rằng: “Đi chợ tết, điều quan trọng là để tìm chốn đông người và đón không khí tết mà thôi, chứ chẳng ai quan trọng việc mua bán đâu”. Dẫu vậy, đó cũng là ngày bà con sắm sửa đón tết. Có nhiều người trong bản mỗi năm chỉ được xuống chợ một lần vào ngày 25 tháng Chạp.

Ông Chuyên chia sẻ thêm: “Bây giờ thì ngày nào cũng là chợ tết rồi, người ta cũng chẳng mấy quan tâm đến ngày này nữa. Bây giờ bà con thường chờ đến cận tết, 28, 29 phóng xe ra chợ là có ngay đồ thờ cúng, lá dong, lạt bánh chưng... Đó là cái hay của thời đại mới. Còn với anh Vi Văn Thủy, bản Hồng Thắng và bà con trong bản cũng như những bản lân cận vẫn duy trì tục đi chợ tết ngày 25. Người ta vẫn cho rằng, đi chợ tết vào ngày này là vui hơn cả. Vì vậy mà cứ cuối năm về, anh Thủy vẫn ngóng phiên chợ đặc biệt ấy...

Hữu Vi

Mới nhất
x
Chợ phiên cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO