Cho tròn đầy ánh trăng Rằm Trung thu...
(Baonghean) - Nhân dịp đón mừng Tết Trung thu 2015, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với anh Mạc Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Quế Phong - đơn vị nhiều năm liền được đánh giá làm tốt công tác tổ chức ngày hội cho các em thiếu nhi.
Tết Trung Thu ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: T.C |
- Chào anh, được biết Huyện đoàn Quế Phong vừa kết thúc thành công Chương trình “Đêm hội Trăng Rằm” cho các em thiếu nhi ở các xã Hạnh Dịch và Nậm Giải. Hẳn rằng đêm hội đã để lại những kỷ niệm khó quên không chỉ với các em thiếu nhi mà còn cả những người thực hiện chương trình?
- Đúng vậy, dù “Đêm hội Trăng Rằm” là hoạt động thường niên được Huyện đoàn Quế Phong tổ chức cho các em vui đón Trung thu, nhưng đêm hội năm nay vẫn mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt. Hạnh Dịch và Nậm Giải là 2 địa bàn vùng biên của huyện, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nên với các em thiếu nhi trên địa bàn, “Đêm hội Trăng Rằm” mang đến niềm vui rất lớn. Chúng tôi không thể quên được những hình ảnh rất cảm động, nhiều đứa trẻ chỉ chừng 6, 7 tuổi đã vất vả địu em nhỏ sau lưng, chân trần không giày dép, tìm đến nơi tổ chức chương trình trước giờ diễn hơn 1 tiếng đồng hồ; rồi có những em nhà ở các bản xa trung tâm xã, lội suối vượt đèo tìm đến… Các em đón nhận đêm hội với tất cả sự háo hức tuổi thơ...
- Và sau thành công là những vất vả, khó khăn; vì như được biết, Quế Phong là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, hiện còn hơn 1.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 330 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, 15 em bị bệnh tim bẩm sinh...?
- Khó khăn rất nhiều! Nhưng chúng tôi nhận thức rằng, vui Tết Trung thu là nhu cầu và đồng thời là quyền lợi của các em thiếu nhi, nên dù khó khăn đến đâu thì cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp cũng nỗ lực giải quyết, với mong muốn níu gần khoảng cách không chỉ về đời sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần giữa thiếu nhi miền xuôi và miền núi. “Đêm hội Trăng Rằm” năm nay cũng đánh dấu nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức thực hiện, giúp tăng sức lan tỏa của chương trình. Theo đó, kế hoạch tổ chức được triển khai từ rất sớm để có thời gian chuẩn bị tốt hơn, và chúng tôi cũng mạnh dạn thực hiện công tác xã hội hóa từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm. Tại “Đêm hội Trăng Rằm” năm nay, ngoài các tiết mục văn nghệ rước đèn, múa lân được biểu diễn rộn ràng, chúng tôi đã trao hơn 2.000 hộp sữa cùng nhiều phần quà là bánh kẹo, sách vở; tặng 2 xe đạp cho 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi …
- Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm về việc tổ chức ngày hội Trung thu trên các địa bàn miền núi, vùng đặc thù?
- Theo tôi, thành công đến từ sự quan tâm, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các địa phương. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về ý nghĩa của Tết Trung thu đối với tuổi thơ, không vì những khó khăn, chật vật về đời sống kinh tế mà lãng quên, xao nhãng đi. Mặt khác, cần chú trọng linh hoạt hình thức tổ chức tùy theo tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Như ở Quế Phong, vì điều kiện địa lý xa xôi, chúng tôi tổ chức “Đêm hội Trăng Rằm” riêng cho trẻ em các xã vùng biên và tổ chức sớm trước Trung thu vài ngày; còn các xã ngoại biên thị trấn thuận lợi hơn ở việc đi lại, thì sẽ được tổ chức vào đúng đêm Rằm … Cũng cần khẳng định vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa, đây là nguồn lực mạnh mẽ giúp giảm gánh nặng kinh phí tổ chức, tăng sức lan tỏa cho hoạt động; và còn là sự tương tác: muốn xã hội hóa được tốt, đòi hỏi đơn vị tổ chức phải thực chất, hiệu quả...
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Phương Chi (Thực hiện)