Chọn lãnh đạo kiểu Singapore: “Phương pháp Lý Quang Diệu”

tuoitre.vn 11/02/2018 16:33

Tại Singapore, Đảng Nhân dân hành động (PAP) nắm quyền 51 năm qua và sẽ duy trì trong ít nhất 10 năm tới. Vấn đề người kế thừa Thủ tướng Lý Hiển Long đang được đặt ra rốt ráo.

Thủ tướng Lý Hiển Long (trái, hàng đầu), cha ông - cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và Bộ trưởng cấp cao Goh Chok Tong (phía sau Thủ tướng Lý) tại dinh thủ tướng Istana vào năm 2012 . Ảnh: AFP

Từ đầu những năm 1970, nhà lập quốc Lý Quang Diệu đã bắt đầu tìm kiếm một thế hệ lãnh đạo mới để thay thế nhóm của ông dẫn dắt PAP và lèo lái đất nước. "Phương pháp Lý Quang Diệu" là lùng sục trên cả nước để phát hiện các thủ lĩnh có năng lực thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, những người được công nhận có bộ óc thông minh và kỹ năng quản lý xuất chúng.

Ngoài những tiêu chí đó, quan trọng hơn hết là ông Lý muốn đảm bảo tất cả những ai được giới thiệu phải có nhân cách tốt.

Lựa ứng viên khắt khe

Thủ tướng Lý Hiển Long hiện chỉ kế thừa những gì thân phụ để lại. Ngày nay, quy trình tuyển chọn bắt đầu bằng việc xác định các thủ lĩnh giỏi thông qua sự giới thiệu của một số lãnh đạo nhất định - những người mà ông Lý Hiển Long tin tưởng có con mắt nhìn người tốt.

Khoảng hai năm trước cuộc bầu cử tiếp theo, quá trình sàng lọc tiếp tục với nhiều vòng phỏng vấn căng thẳng, khi đó ứng viên sẽ bị "quây" bởi vài hội đồng đánh giá. Các hội đồng này chia theo cấp bậc, mỗi khi bước vào một vòng phỏng vấn mới, ứng viên sẽ phải giáp mặt với các nhân vật cao cấp hơn lần trước và tất nhiên là bị "soi" dữ dội hơn nữa.

Khi PAP chọn ra được một ứng viên vừa ý, công việc vẫn chưa kết thúc. Người này sẽ bị thử thách xem liệu có khả năng làm việc chung với các lãnh đạo cơ sở nơi anh dự kiến tham gia tranh cử không. Phép thử này quan trọng vì ứng viên chỉ có thể thắng cử nếu anh nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo cộng đồng và phải chứng tỏ có đủ sức thu hút, tính quyết đoán và cần cù để lấy lòng cử tri. Không cần biết thân thế của ứng viên đó ra sao, đừng mơ đến chuyện kế thừa chính trị nếu anh không thắng nổi bầu cử để trở thành nghị sĩ, bởi tất cả lãnh đạo chính phủ phải là thành viên của quốc hội.

Ngoài tiêu chuẩn kỹ trị, vì Singapore là một xã hội đa sắc tộc và tôn giáo, những thủ lĩnh có khả năng dẫn dắt các cộng đồng, nhóm sắc tộc hoặc tôn giáo khác nhau cũng được chọn. Tất nhiên, Chính phủ Singapore sẽ ưu tiên chọn một người vừa thuộc sắc tộc thiểu số vừa lại có tài lãnh đạo trong một lĩnh vực nào đó.

Trui rèn ứng viên lãnh đạo

Một khi các ứng viên đã trở thành nghị sĩ quốc hội, quá trình sàng lọc lại tiếp tục để tách ra một nhóm nhỏ đủ khả năng giữ trọng trách lớn. Chính quyền PAP thường chọn những ai có tiềm năng cao nhất vào vị trí bộ trưởng, và mỗi người trong số họ sẽ được luân chuyển qua nhiều lĩnh vực khác nhau trong một thời gian ngắn.

Tương tự, những ai được xác định có khả năng làm thứ trưởng sẽ được bổ nhiệm, nhưng việc luân chuyển xảy ra ít thường xuyên hơn. Họ vẫn có thể được thăng lên chức bộ trưởng nếu sự thể hiện vượt mức mong đợi. Vào giai đoạn này, một nhóm lãnh đạo cho thế hệ tiếp theo sẽ dần hình thành và một lãnh đạo cao nhất (có thể trở thành thủ tướng) thường sẽ xuất hiện từ nhóm đầu tiên.

Trong quá trình luân chuyển, một vài bộ trưởng có thể bị đánh giá không đảm đương nổi công việc của thủ tướng và sẽ không được cất nhắc thêm nữa, trong khi có những thứ trưởng sẽ vượt cấp nhờ cần cù và thể hiện tốt.

Chính sách của PAP quy định tất cả bộ trưởng cao cấp khi tuổi đã cao đều phải tự động rút lui, nhường chỗ cho các gương mặt trẻ. Thông thường, tổng thư ký PAP sẽ là nhà lãnh đạo cuối cùng của thế hệ trước quy ẩn.

Một khi tân lãnh đạo PAP đã được chọn, người tiền nhiệm cần phải trao lại chiếc ghế thủ tướng, không được giữ lại bất cứ quyền hành nào ngoại trừ một chút ảnh hưởng theo hình thức chia sẻ kinh nghiệm, hoặc những mối quan hệ quốc tế mà "người già" tích cóp được trong nhiều năm.

PAP chủ trương thủ tướng hoặc bộ trưởng không nhất thiết phải là người thâm niên nhất, do đó rất thường thấy một vị tư lệnh đầu ngành trẻ tuổi hơn cấp dưới của họ rất nhiều. Theo PAP, lý tưởng nhất là một thủ tướng phải dẫn dắt đất nước ít nhất hai nhiệm kỳ.

Với mỗi chu kỳ bầu cử cách nhau 4-5 năm và 60 tuổi đã bị xem là "hơi già" ở Singapore, thông thường ứng viên thủ tướng phải tương đối trẻ, từ 35-40 khi trở thành bộ trưởng và nếu may mắn đáp ứng sự kỳ vọng, anh sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất trước 55 tuổi hoặc sớm hơn càng tốt.

Giống với nhiều đảng phái chính trị trên thế giới, việc lựa chọn lãnh đạo kế thừa của PAP dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa những thành viên cấp cao thuộc Ban Chấp hành trung ương, tuy nhiên Singapore đặc biệt hơn những nước khác ở chỗ các ứng viên lãnh đạo cố gắng hết mình để chứng tỏ bản thân, chứ không phải để ganh đua và tranh giành chiếc ghế thủ tướng. Tất nhiên, thực tế có thể mang ngoại lệ và một số nhà phê bình sẽ không đồng tình luận điểm này.

3 nhóm ứng viên

Các ứng viên được chọn tham gia tranh cử được chia thành ba loại, tùy theo đánh giá của dàn lãnh đạo PAP: (1) Loại 1: Những người có tiềm năng trở thành bộ trưởng hoặc thậm chí là thủ tướng; (2) Loại 2: Những người có năng lực hoặc tiềm năng giữ các chức vụ ở cấp thứ trưởng; (3) Loại 3: Những người có thể trở thành nghị sĩ, đủ khả năng đảm đương trách nhiệm đứng đầu một ủy ban thuộc quốc hội, hoặc thậm chí leo lên cấp thứ trưởng và bộ trưởng trong tương lai tùy thuộc vào sự thể hiện.

Mới nhất

x
Chọn lãnh đạo kiểu Singapore: “Phương pháp Lý Quang Diệu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO