Chống đầu tư dàn trải, tăng nguồn vốn ngoài nhà nước, tái cơ cấu kinh tế

16/12/2016 17:08

(Baonghean.vn) - Chiều 16/12, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư của Nghệ An, giai đoạn 2014-2016, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020. Cùng dự có các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường chủ trì buổi làm việc.

Thực hiện Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3278 ban hành chương trình hành động. Sau 3 năm thực hiện, trên địa bàn Nghệ An đã đạt những kết quả quan trọng.

Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2014-2016, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ ngày càng được hoàn thiện, chính sách thu hút, huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư được chú trọng. Kết quả cho thấy, đã chống đầu tư dàn trải, quản lý chặt chẽ ban hành chủ trương đầu tư công.

Đồng chí Nguyễn Văn Độ
Đồng chí Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở KH&ĐT báo cáo tình hình thực hiện đề án tới cơ cấu kinh tế của tỉnh Nghệ An trong những năm qua.

Giai đoạn 2014-2016, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, Luật đầu tư công, UBND tỉnh cũng như các địa phương đã thực hiện đình hoãn, giãn tiến độ nhiều công trình, dự án kém hiệu quả, không khả thi về nguồn vốn để tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, các dự án trọng điểm, bức xúc.

Về huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tăng tỷ trọng vốn ngoài nhà nước; đổi mới và thay đổi nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ. Với kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội và đổi mới việc phân bổ giai đoạn 2014-2016 đã làm thay đổi đáng kể hệ thống kết nối hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Huy Cương
Đồng chí Nguyễn Huy Cương - Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, sau tái cơ cấu, tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ thu hút đầu tư, chủ động chấn chỉnh kịp thời các công trình dự án.

Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư của tỉnh giai đoạn 2014-2016 tập trung thực hiện cơ cấu lại hệ thống ngân hàng (gồm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn và Ngân hàng TMCP Bắc Á), tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại nội ngành các ngành kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; và tiếp tục tái cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, tăng cường liên kết giữa các vùng.

Phát biểu bổ sung về báo cáo, đồng chí Hoàng Thị Lê Dung - Phó GĐ sở Tài chính phát biểu, cho rằng, mục tiêu đề án là giảm chi ngân sách nhà nước, nhưng chính sách địa phương từ nguồn ngân sách cho các công trình dự án lại rất nhiều, do đó cần làm rõ thêm hiệu quả sau tái cơ cấu đầu tư công. Về tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu tầm trung ương, tuy nhiên để tránh sáp nhập, nhiều ngân hàng tái cơ cấu, "sắp xếp" lại nợ xấu, do đó các ngân hàng phải có báo cáo thực chất mới rõ hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu- Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An
Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An cho biết, nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng rất rộng nhưng trên địa bàn tỉnh chỉ có nhiệm vụ tái cơ cấu Quỹ tín dụng và ngân hàng Bắc Á. Bà Thu cũng cho biết thêm, hiện Nghệ An là một trong những tỉnh có nợ xấu ở mức thấp, dưới 1%.

Còn Phó GĐ Sở Công thương Nguyễn Huy Cương khẳng định, sau tái cơ cấu, tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ thu hút đầu tư, chủ động chấn chỉnh kịp thời các công trình dự án. Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế nên nhiều công trình hạ tầng phải kéo dài thời gian thi công; nhiều công trình đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả, một số doanh nghiệp sau sắp xếp đổi mới đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, ngành chế biến đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, như chế biến đường, mía, dứa.

“Cần tập trung nhiều hơn cho hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, tập trung ưu tiên thương mại hiện đại. Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh để kết nối cung cầu hàng hoá đã "thai ngén" lâu nay nhưng chưa thể triển khai, đề nghị tỉnh cần quan tâm” - Phó GĐ Sở Công thương đề nghị.

Hạ tầng giao thông miền Tây Nghệ An đang được quan tâm đầu tư.
Hạ tầng giao thông miền Tây Nghệ An đang được quan tâm đầu tư.

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường khẳng định đây là đề án quan trọng, do đó, yêu cầu Sở kế hoạch đầu tư hoàn thiện lại văn bản theo hướng tập trung rà soát, đánh giá đúng hiệu quả các chương trình, đề án cả giai đoạn. Bám vào chương trình để nêu lên một số việc trọng tâm thực hiện nhiệm vụ trong cơ cấu lại kinh tế, đầu tư công, tài chính, ngân hàng theo hướng an toàn, lành mạnh. Một số nội dung liên quan đến cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các nông, lâm trường nội dung phải cụ thể, sâu hơn.

Ngoài ra, những việc đã làm được liên quan đến môi trường đầu tư, ổn định sản xuất, kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị chưa được tổng hợp vào báo cáo, nên cần bổ sung. Những nhiệm vụ liên quan đến việc thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực phải nêu được điển hình cụ thể. Đặc biệt các giải pháp phải chi tiết, bám sát chủ trương, tránh nêu chung chung.

Riêng vấn đề cơ cấu lại ngành kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bổ sung việc đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chống đầu tư dàn trải, tăng nguồn vốn ngoài nhà nước, tái cơ cấu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO