Kinh tế

Chống khai thác IUU và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản

Trần Quốc Thành 24/06/2024 14:47

Quy định chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát) được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua vào năm 2008 và có hiệu lực từ tháng 1/2010. Mục tiêu của quy định này là nhằm thiết lập một hệ thống trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU.

Khai thác IUU là mối đe dọa

Theo EC, IUU là những hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền mà chưa có sự cho phép hoặc đã cho phép nhưng vi phạm các quy định đánh bắt cá, nhằm đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đánh bắt tuân theo các quy định về đánh bắt thủy sản bền vững.
Hoạt động đánh cá IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Ước tính sản lượng đánh bắt IUU chiếm khoảng gần 20% tổng sản lượng thủy sản trên thế giới hàng năm. Phần lớn các hoạt động đánh bắt IUU diễn ra ở các nước đang phát triển do thiếu cơ chế kiểm soát và giải pháp truy xuất nguồn gốc.

EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (khoảng 20 tỷ Euro) và cũng là thị trường tiềm năng nhập khẩu sản phẩm thủy sản có được từ đánh bắt IUU. Chính vì vậy, EC đã ban hành quy định về IUU nhằm ngăn chặn các sản phẩm từ đánh bắt IUU vào EU, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng quốc tế. Theo đó, sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận đánh bắt.

Hải
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Hải

Cơ quan chức năng của nước có tàu đánh cá phải xác nhận sản phẩm thủy sản được đánh bắt trên tàu là phù hợp với quy định của pháp luật và các quy định quốc tế về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Chứng nhận này được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và áp dụng cho tất cả các sản phẩm đã chế biến hoặc chưa chế biến.

Hơn nữa, đối với các quốc gia còn hành vi vi phạm đánh bắt IUU thì EC cảnh báo bằng “thẻ vàng” để quốc gia đó có biện pháp cải thiện, khắc phục theo khuyến cáo. Nếu không tình trạng không được cải thiện thì bị phạt “thẻ đỏ”- tức là cấm xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang EU.

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU của các nước bị thẻ vàng chịu sự kiểm soát 100%, nên thời gian nhập kéo dài, tốn kém chi phí. Đồng thời hình ảnh đất nước bị ảnh hưởng ở hầu hết thị trường của thế giới vì danh sách này được EU công khai.

Tóm lại, hành vi đánh bắt thủy sản của tàu thuyền không có đăng ký, không có giấy phép hoặc vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi theo quy định của pháp luật nước sở tại hoặc của tổ chức quản lý khu vực, quy định của luật pháp quốc tế ở mọi vùng biển hoặc không báo cáo hoặc báo cáo không đúng với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc tổ chức quản lý là hành vi đánh bắt IUU.

Quy định của Luật Thuỷ sản

haie 2
Ra quân chống khai thác đánh bắt trái phép. Ảnh: Nguyễn Hải

So sánh với luật pháp Việt Nam, cụ thể theo Luật Thủy sản năm 2017, tại khoản 1, điều 60 quy định những hành vi được coi là khai thác bất hợp pháp gồm: Khai thác thủy sản không có giấy phép; Khai thác thuỷ sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng; Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Ngoài ra còn có các hành vi: Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp; Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định; Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Như vậy, về mặt pháp lý, Luật Thủy sản hoàn toàn phù hợp với tiêu chí chống đánh bắt IUU của châu Âu.

Vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nhu cầu bức thiết bởi ngành khai thác thủy sản đang thực sự thiếu bền vững. Theo điều tra của các Viện Nghiên cứu hải sản, giai đoạn 2000 - 2005, trữ lượng hải sản vùng biển Việt Nam khoảng 4,82 triệu tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 2,1- 2,4 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016- 2020, theo điều tra, trữ lượng hải sản biển Việt Nam chỉ còn 3,95 triệu tấn giảm 9,5% so với giai đoạn 2011- 2015 và 22,1% so với giai đoạn 2000- 2005, trong đó trữ lượng hải sản tầng đáy suy giảm nhanh hơn. Trong khi đó, năm 2020 sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn, vượt trên 60% sản lượng khai thác cho phép.

Từ hệ lụy trên gây ra hệ lụy mới, đó là hiệu quả khai thác của ngư dân ngày càng giảm. Theo số liệu thống kê, năm 1985 bình quân sản lượng khai thác trên một CV công suất tàu bình quân cả nước là 1,1 tấn, thì đến năm 2019 chỉ còn 0,26 tấn/CV.

Nghệ An cũng không ngoại lệ. Năm 1989, bình quân sản lượng khai thác trên 1 CV tàu thuyền là 0,83 tấn, thì đến năm 2021 chỉ còn 0,289 tấn/CV.

Có thể nói, thời gian qua sản lượng đánh bắt tăng là do tăng cường lực khai thác (số lượng tàu thuyền, công suất tăng). Đi theo nó là hậu quả thu nhập của ngư dân giảm. Và đây chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của việc đánh bắt bất hợp pháp (IUU).

Bên cạnh đó, mặc dù về pháp lý chúng ta đã đầy đủ, quyết tâm cao, tuy nhiên, trên thực tiễn thời gian qua còn nhiều vấn đề bất cập, cho nên so với Philippines, Thái Lan thì thời gian cảnh báo “thẻ vàng” của châu Âu đối với ta dài hơn.

Nghệ An quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Nghệ An có 82 km bờ biển với 5 cửa lạch. Nằm ở cửa Vịnh Bắc Bộ nên nghề cá khá phát triển và thuộc nhóm lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.614 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) đến ngày 18/10/2023 là 2.717 chiếc, trong đó có 2.470 chiếc đã được đăng ký (đạt 90,91%).

Lao động khai thác thủy sản đến năm 18/10/2023 toàn tỉnh trên 16.660 người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 8.408 người, số lao động khai thác vùng lộng là 3.109 người, số lao động khai thác vùng ven bờ là 5.143 người.

Hàng năm, toàn tỉnh khai thác khoảng 200.000 tấn hải sản các loại.

Thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nghệ An đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhiều giải pháp đã được triển khai như chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị hàng hải (giám sát hành trình, dò cá, bộ đàm tầm xa...), hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, chuyển nghề,... Công tác quản lý được tăng cường về công tác đăng ký, đăng kiểm cũng như công tác kiểm ngư,...

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết như: Sản lượng vượt khả năng khai thác cho phép, năng suất khai thác giảm, vẫn còn hiện tượng khai thác chưa đúng giấy phép, nhật ký khai thác ghi chép chưa chuẩn, còn thuyền nhỏ chưa đăng ký hết.. Đặc biệt là vấn đề chuyển đổi cho ngư dân từ nghề khai thác sang nghề khác để giảm áp lực.

h.jpeg
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát trên biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển thủy sản bền vững, đồng thời thúc đẩy gỡ “thẻ vàng” của EU, cần quan tâm thêm một số vấn đề như sau:

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho tất cả ngư dân cũng như đội ngũ cán bộ các cấp về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp IUU đối với sinh kế lâu dài cũng như đời sống, thu nhập của ngư dân. Phải coi đây là nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu bức thiết phát sinh từ nội tại, chứ không phải chỉ là việc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng: kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển, cảng cá, chính quyền địa phương... để tiếp tục làm tốt hơn các biện pháp quản lý, cũng như giải pháp chống đánh bắt IUU. Xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm đánh bắt bất hợp pháp, hành vi đối phó trong việc giám sát hành trình, nhật ký khai thác,... Khởi tố những vụ điển hình để có biện pháp răn đe, làm gương.

- Giải quyết dứt điểm số lượng thuyền nhỏ chưa đăng ký (chủ yếu vùng bãi ngang), số tàu chưa lắp thiết bị hành trình (chủ yếu nhóm tàu đang sửa chữa).

- Sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa nhật ký khai thác (hiện nay đang thử nghiệm ở một số tỉnh) và trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân thao tác trên biển. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông quản lý với các cảng cá trong toàn quốc, trước mắt là những tỉnh có tàu thuyền cập bến Nghệ An và các tỉnh có tàu thuyền Nghệ An cập bến.

- Cần ban hành sớm chính sách hỗ trợ ngư dân, nhất là hỗ trợ ngư dân chuyển nghề khỏi ngành khai thác thủy sản, hỗ trợ ngư dân khi cấm đánh bắt theo thời vụ, đào tạo nghề cho ngư dân (nghề khai thác, nuôi biển, chế biến, dịch vụ, công nghiệp, về sử dụng công nghệ thông tin...), hỗ trợ xuất khẩu lao động...

- Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm gắn kết khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt là có kế hoạch triển khai ngay Quyết định 389 ngày 9/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó cần chú trọng tư tưởng xuyên suốt của quy hoạch là: giảm khai thác, tăng nuôi biển và bảo tồn nguồn lợi biển!

Khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển ngành Thủy sản minh bạch, hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài của chúng ta. Ngành Thủy sản thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước cũng như tỉnh Nghệ An, tuy nhiên kiểm soát chưa tốt, tính hiệu quả và bền vững còn thấp.

Bác Hồ đã dạy: Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ! Khi người dân được trao quyền làm chủ, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý, kiểm soát, chắc chắn biển sẽ được bảo vệ, ngư trường thủy sản sẽ được khai thác, bảo tồn một cách minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và hiệu quả.

Mới nhất
x
Chống khai thác IUU và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO