Chủ của đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi có bị xử lý hình sự?
Luật sư cho rằng có thể khởi tố chủ con vật theo tội: Vô ý làm chết người, Giết người với lỗi gián tiếp hoặc Vi phạm quy định nơi đông người.
Nhiều người dân thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, Hưng Yên) cho hay, đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi rất hung dữ, từng tấn công nhiều trẻ em và dân trong khu vực. Chủ nhà cũng được cảnh báo phải nhốt đàn chó lại hoặc đeo rọ mõm an toàn song không thực hiện.
Hiện, đàn chó đã bị chính quyền nhốt, bắt. Cơ quan điều tra đang xác minh sự việc để có căn cứ xử lý những người liên quan.
2 trong số 10 con chó tấn công bé trai ở Hưng Yên. Ảnh: Xuân Sơn. |
Một luật sư cho biết, chủ đàn chó ở Hưng Yên đã thả rông đàn chó dẫn đến cắn chết bé trai 7 tuổi nên cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt tù đến 5 năm.
Chủ đàn chó được nhiều hàng xóm cảnh báo song vẫn phớt lờ nên cũng có thể khởi tố người này về tội Giết người với lỗi cố ý gián tiếp (thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra).
Ngoài trách nhiệm hình sự, chủ đàn chó còn phải bồi thường mọi chi phí về thiệt hại tính mạng, sức khỏe... theo điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.
Khác với quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng khó có thể truy cứu tội Vô ý làm chết người bởi không dễ để chứng minh được bà này "bắt buộc phải biết là đàn chó sẽ cắn người". Hành vi thả chó ra nơi công cộng và hậu quả chó cắn chết người không có mối quan hệ nhân quả tất yếu.
Theo luật sư, chủ đàn chó chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Cường giải thích "an toàn nơi đông người" được hiểu là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong với người ở những nơi sinh hoạt nơi đông người. Điều 295 quy định: Chủ vật nuôi thả rông chó để cắn chết một người sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Theo Nghị định 05/2007/NĐ-CP và Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chó phải xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Người chủ phải tiêm phòng dại cho chó theo quy định và khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ và có người dắt. Chủ con vật nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP.