Xoa bóp huyệt vị hỗ trợ điều trị viêm họng
Dưới niêm mạc họng, có rất nhiều tổ chức bạch huyết nằm rải rác, gọi là "nang bạch huyết" hoặc "nang lympho", có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, chống lại các vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài vào.
Trong quá trình họng bị viêm cấp, các nang bạch huyết phải tăng sinh, phình to, để sản xuất thêm bạch cầu chống lại vi khuẩn. Trong quá trình viêm nhiễm, các mạch máu dưới niêm mạc họng cũng giãn to ra, để đưa thêm máu và bạch cầu tới họng.
Khi các nang bạch huyết phải phình ra quá lâu, bị xơ cứng, không thể co nhỏ lại và trở về trạng thái bình thường, mà kết lại với nhau thành từng đám dầy, gồ lên mặt niêm mạc do đó người bị viêm họng thường có cảm giác vướng trong họng và có thể gây buồn nôn chỉ cần một kích thích nhẹ…
Nặng hơn, các nang bạch huyết quá phát, thành những dải sùi đỏ, chạy dọc theo hai trụ sau của amiđan. Các trụ này là nguyên nhân chính gây nên ngứa và vướng trong họng, họng bị kích thích và ho.
Theo Đông y, kích thích vào một số huyệt vị có tác động tới họng giúp làm giảm tình trạng viêm sưng tại niêm mạc họng. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như viêm họng, nghẹt mũi, nhức đầu bạn có thể tập kích thích vào một số huyệt vị sau đây giúp làm giảm tình trạng viêm sưng tại niêm mạc họng.
1. Xoa bóp huyệt Phong trì hỗ trợ giảm đau họng
Phong trì là huyệt để điều trị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên cấp tính, đau lưng cấp, đau dây thần kinh.
Cách thực hiện:
- Xòe hai bàn tay, đặt hõm giữa lòng bàn tay vào đỉnh hai tai, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, hướng ngón cái về phía sau gáy. Sau đó miết hai ngón tay cái từ trên xuống dưới, vượt qua một ụ xương rồi rơi xuống một chỗ hõm ở hai bên khối cơ nổi sau gáy, đó chính là vị trí của huyệt Phong trì.
- Dùng hai ngón tay cái day ấn huyệt theo chiều kim đồng hồ trong 2 phút; các ngón tay khác ôm chặt lấy đầu để làm điểm tựa.
2. Xoa bóp huyệt Đản trung
- Là huyệt vị được dùng trong các trường hợp đau tức ngực, ho, khó thở, nấc; chủ trị hỗ trợ điều trị ho, viêm họng, hen phế quản...
- Vị trí huyệt: Điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường đi qua 2 núm vú (nam giới) hay đường đi ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ giới) chính là huyệt Đản trung
- Dùng ngón cái bàn tay phải day ấn huyệt Đản trung trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được.
3. Xoa bóp huyệt Phế du
- Là huyệt vị được dùng để chữa các chứng bệnh viêm đường hô hấp (hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng).
- Bắt chéo bàn tay vòng qua cổ sang phía lưng đối diện, huyệt nằm ở đầu ngón tay giữa cách đường trục giữa cột sống lưng 1,5 thốn
- Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt trong 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được.
4. Xoa bóp huyệt Đại chùy
- Là huyệt vị có công dụng làm thông dương khí toàn thân, thanh nhiệt giải độc, giải biểu tán tà thường được dùng chữa các bệnh lý thuộc đường hô hấp.
- Ngồi hơi cúi đầu, quay cổ qua lại phải trái, u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ 7, huyệt nằm ở ngay dưới u xương này.
- Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt đại chùy trong 2 phút sao cho đạt cảm giác nóng lên tại vùng huyệt là được..
5. Xoa bóp huyệt Liệt khuyết
- Là huyệt thường được dùng trong các trường hợp viêm đường hô hấp như viêm họng, ho, đau ngực, viêm mũi dị ứng. Tác động vào huyệt Liệt khuyết giúp giảm ho, nhức đầu.
- Huyệt nằm ở mặt trong của cổ tay, cách lằn chỉ ngang cổ tay khoảng 3 cm.
- Dùng ngón tay cái day ấn huyệt ở tay đối diện, bốn ngón còn lại vòng quanh cổ tay. Thực hiện xoa bóp trong khoảng 2 phút rồi đổi bên.
6. Xoa bóp huyệt Phong long
-Là huyệt vị thường được dùng để hỗ trợ điều trị các chứng bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng...
-Huyệt ở trên chỗ lồi cao nhất của mắt cá ngoài 8 thốn, trong khe của cơ duỗi chung các ngón chân và cơ mác bên ngắn (vểnh bàn chân, xoay bàn chân ra ngoài cho rõ khe cơ).
-Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt phong long sao cho đạt cảm giác căng tức là được.
7. Xoa bóp huyệt Côn lôn
- Là một huyệt vị được dùng để điều trị viêm họng mạn tính
- Xác định chỗ cao nhất của mắt cá ngoài chân và bờ ngoài gân gót chân, huyệt ở chỗ lõm giữa hai vị trí này.
- Dùng ngón tay cái day ấn huyệt côn lôn trong phút sao cho tại vùng huyệt nóng lên là được.
Muốn đạt được hiệu quả điều trị viêm họng, cần thực hiện hàng ngày duy trì thường xuyên trong một khoảng thời gian nhất định. Thực hiện mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm ngủ dậy và trước khi đi ngủ tối.
Khi tập luyện, giữ tinh thần thư thái, tập trung sự chú ý vào việc day bấm huyệt. Xác định vị trí huyệt và cách bấm huyệt đảm bảo lực tác động theo cách thức nêu trên.
Dừng tập luyện và thăm khám chuyên khoa nếu thấy có các dấu hiệu sau:
- Đau vùng trước ngực;
- Khó thở, phải gắng sức để thở, nghỉ ngơi không đỡ;
- Hạ thân nhiệt, vã mồ hôi bất thường, chân tay lạnh…