Chủ động, linh hoạt triển khai chương trình sách giáo khoa mới
(Baonghean.vn) - Nhiều ý kiến đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ giáo viên cho các địa phương để đảm bảo số lượng giáo viên cho chương trình thay sách giáo khoa mới.
Sáng 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm triển khai thực hiện đổi mới Chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chủ trì điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo chuẩn đầu ra
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, đổi mới sách giáo khoa là một khâu đổi mới quan trọng đối với bậc học phổ thông.
Tại Việt Nam, từ năm học 2020 – 2021, việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới được áp dụng với học sinh lớp 1. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm đầu tiên triển khai, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.
Các đại biểu tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: MH |
Bên cạnh đó, với tỷ lệ 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.
Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản, đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn - Kỳ Sơn làm quen với sách giáo khoa mới. Ảnh: MH |
Tại điểm cầu Nghệ An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành báo cáo về việc triển khai chương trình thay sách giáo khoa mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là đã làm tốt công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên và việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để cơ bản đáp ứng điều kiện dạy học tối thiểu. Kết thúc năm học, học sinh toàn tỉnh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn so với chương trình cũ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nghệ An đã rút kinh nghiệm để triển khai tiếp tục cho năm học này với lớp 2 và lớp 6. Trong đó, xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố tiên quyết và tỉnh sẽ giao tính chủ động của giáo viên trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự ủng hộ đồng tình của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tăng cường công tác xã hội hóa, đổi mới sinh hoạt chuyên môn học thuật, định kỳ có đánh giá.
Bất cập hiện nay ở Nghệ An là đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, cơ cấu chưa hợp lý. Từ thực tế trên, Nghệ An cũng kiến nghịcó các giải pháp hữu hiệu, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới CTGDPT năm 2018. Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách để mua sắm thiết bị dạy học, nhất là thiết bị ngoại ngữ, tin học cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm thực hiện thành công CTGDPT năm 2018.
Kiên trì với mục tiêu đổi mớiCùng với những kết quả đã đạt được, tại hội nghị nhiều ý kiến phát biểu của các địa phương cũng chỉ ra một số bất cập trong quá trình triển khai như việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới còn gặp nhiều hạn chế từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong in ấn, phát hành.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH |
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Trong khi đó, điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: MH |
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận về những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Qua 1 năm triển khai, bên cạnh những bài học kinh nghiệm thì đang còn những thách thức, khó khăn. Do đó, trong quá trình đổi mới, người lãnh đạo cần phải kiên định mục tiêu nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo để nhận được sự đồng tình và tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Trong năm học sắp tới, để tiếp tục triển khai tốt chương trình thay sách giáo mới, thì cần phải tiếp tục kiên trì quan điểm đổi mới, lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy đạo đức, phát huy năng lực tự học, tạo nền tảng để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Trường THCS Lê Mao (TP Vinh) cho ý kiến về sách giáo khoa lớp 6. Ảnh: MH |
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lần này rất sâu sắc, triệt để và toàn diện. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát trên phương diện quản lý nhà nước để làm tốt trách nhiệm của mình, lưu ý rà soát các cơ chế chính sách, tăng cường thu hút các nhà giáo, các chuyên gia tốt tham gia vào công việc biên thảo để có được bản thảo sách giáo khoa một cách tốt nhất…
Về phía các địa phương cần dành sự ưu tiên và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để việc triển khai chương trình mới hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và chỉ đạo sát với thực tế.