Chủ động nguồn tín dụng, đẩy nhanh phát triển kinh tế

Thu Huyền 17/01/2024 16:11

(Baonghean.vn) - Triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Điều này giúp các tổ chức tín dụng có sự chủ động trong kế hoạch cấp vốn cho thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế ngay những tháng đầu năm.

Chủ động cấp tín dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Một trong số 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết là cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với mục tiêu tăng trưởng 15%, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

bna_bidv.jpeg
Hạn mức tín dụng được phân bổ sớm giúp ngân hàng chủ động kế hoạch, đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm. Ảnh minh hoạ: Thu Huyền

Chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như mức tăng trưởng trong năm trước, điểm xếp hạng của các ngân hàng thương mại hay việc ngân hàng có ưu tiên vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế...

Ông Nguyễn Xuân Thông - Giám đốc vùng Bắc Trung Bộ Ngân hàng Quốc tế VIB cho rằng, hạn mức tín dụng được phân bổ sớm đã giúp ngân hàng có thể quyết định ngay việc dành nguồn lực lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Nhiều món vay thậm chí có thể không cần tài sản thế chấp ngay lập tức được triển khai nếu doanh nghiệp cho thấy dòng tiền thông qua các đơn hàng của mình. Ngoài ra, nhiều khoản vay thương mại dịch vụ dịp Tết sẽ được giảm ở mức thấp.

bna-gia-dich-tai-vib-nghe-an-anh-thu-huyen-8404.jpeg
Giao dịch tại VIB Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trần Minh Tính – Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Nghệ An cũng cho biết: Trước đây, Ngân hàng Nhà nước thường chia thành nhiều đợt nới "room" tín dụng, nhưng nay cấp tín dụng ngay từ đầu năm. Việc phân bổ hết hạn mức tín dụng sớm giúp các ngân hàng có được kế hoạch cả năm để phân bổ cho vay nhóm khách hàng mục tiêu và các ngành theo mùa vụ trên tinh thần đảm bảo tăng trưởng gắn với an toàn hệ thống.

Năm 2023, hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng đứng trước những khó khăn ngoài dự báo. Tác động xấu của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước dẫn đến cầu tín dụng giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng gặp rất nhiều khó khăn; cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng ngày càng gay gắt…

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, đến 31/12/2023, nguồn vốn huy động tại địa bàn Nghệ An ước đạt 225.764 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 25.973 tỷ đồng, bằng 13%. Nhưng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 8,8% (tốc độ tăng năm 2022 là 11,9%). Do đó, năm nay, việc cấp hạn mức tín dụng sớm từ Ngân hàng Nhà nước giúp các ngân hàng có được kế hoạch cả năm để phân bổ cho vay nhóm khách hàng mục tiêu và các ngành theo mùa vụ.

Chú trọng giải pháp tăng trưởng dư nợ

Hạn mức tín dụng được giao toàn bộ ngay từ đầu năm xuất phát từ việc tổng cầu vốn có nguy cơ giảm trong năm 2024 và nợ xấu các ngân hàng có nguy cơ tăng. Tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng Nghệ An mặc dù được duy trì ở mức thấp (dưới 2%) so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng năm 2023 đã có dấu hiệu tăng.

Theo số liệu tổng hợp, đến thời điểm 31/12/2023, tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn ước là 4.882 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,65% tổng dư nợ, trong khi tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 là 0,53%. Giao hạn mức tín dụng sớm sẽ là giải pháp giúp các ngân hàng chủ động và kế hoạch dài hơi trong cấp vốn cho thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển kinh tế.

bna-giao-dich-tai-agribank-nghe-an-7907.jpeg
Tăng trưởng dư nợ đang là vấn đề các ngân hàng đang quan tâm. Trong ảnh: Giao dịch tại Agribank Chi nhánh Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Tại Agribank Chi nhánh Nghệ An, năm 2024, đặt ra mục tiêu nguồn vốn huy động tăng trưởng từ 7% - 13%; dư nợ tăng trưởng từ 7% -11%, tuỳ quy mô phòng giao dịch. Tỷ lệ dư nợ nông nghiệp nông thôn trên 65%/tổng dư nợ. Hiện việc phân bổ vào các lĩnh vực có tính chất mùa vụ dịp Tết Nguyên đán và quý I đã được triển khai.

Bà Dương Thị Thu Hiền – Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nghệ An cho biết: Phát huy kết quả khả quan của năm 2023, năm nay, chúng tôi tích cực tìm kiếm khách hàng để mở rộng cho vay; quyết liệt chỉ đạo để tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm gắn với định hướng khách hàng và sản phẩm mục tiêu, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Khảo sát các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn, có phương án, dự án kinh doanh tốt để tiếp cận cho vay, cố gắng giữ ổn định tệp khách hàng của mình. Chúng tôi cũng tập trung khai thác khách hàng hộ gia đình cá nhân để tăng đầu tư tín dụng, chiếm lĩnh thị phần, nâng cao hơn nữa vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

bna-chinhhien-nhieu-doanh-nghiep-da-chu-dong-nguon-hang-phuc-vu-thi-truong-tet-anh-thu-huyen-6620.jpg
Hiện nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường Tết tăng cao. Ảnh: Thu Huyền

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị tiếp tục chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo về tín dụng và lãi suất, triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa bàn.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử là cơ sở cho việc lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Vấn đề còn lại là sức khỏe, năng lực hoạt động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện, mạnh dạn cho vay từ phía ngân hàng.

Năm 2023, dư nợ tập trung một số ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 29% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 6,2%; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 10%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 16% tổng dư nợ, so với đầu năm tăng 3%; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 9%, so với đầu năm tăng 2,87%; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4% dư nợ toàn địa bàn, so với đầu năm tăng 5,3%.

Mới nhất

x
Chủ động nguồn tín dụng, đẩy nhanh phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO