Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
(Baonghean.vn)- Cử tri tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ địa phương có kế hoạch lâu dài để chủ động đối phó với sự biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên nguồn vốn để xây dựng, tu sửa hệ thống các hồ chứa nước, trữ nước chống hạn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bảo vệ nguồn nước các con sông, suối trên địa bàn; nghiên cứu và sản xuất các loại giống lúa và cây trồng chịu hạn tốt, giữ diện tích đất sản xuất nông nghiệp có điều kiện thuận lợi về tưới tiêu, tránh xây dựng các dự án trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời như sau:
Một số năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra ở nước ta, nhất là ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra, nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo và thực hiện.
Trong các giải pháp dài hạn, việc xây dựng các hồ chứa nước được quan tâm thực hiện, nhiều hồ chứa lớn như Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa), Sông Sào (tỉnh Nghệ An), Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên Huế), ...đã được đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất, ảnh tư liệu minh họa |
Trong thời gian tới, nhiều công trình thủy lợi sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng để tăng cường năng lực cấp nước, phòng chống lũ, lụt. Đồng thời tăng cường trồng rừng để điều hòa nguồn nước, tăng lượng dòng chảy về mùa kiệt; nghiên cứu các giải pháp chuyển nguồn nước để bổ sung cho các vùng bị khô hạn; nâng cao năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi hiện có; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã và đang được tiếp tục thực hiện thông qua Chương trình trồng rừng, Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước, Chương trình kiên cố hóa kênh mương, các Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi, Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi...
Điều tiết nguồn nước, ảnh tư liệu minh họa |
Cùng với các giải pháp lâu dài trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu để ứng dụng nhiều giống cây trồng chịu hạn. Những giống lúa, như: CH208, LCH37, CH16...hiện được gieo trồng ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Lào Cai, Hà Giang...đã chứng tỏ được khả năng thích ứng với khô hạn, chịu được điều kiện nguồn nước tưới bấp bênh và cho năng suất cao. Các giống cây trồng cạn, như: ngô, lạc, đậu tương cũng được nghiên cứu, áp dụng, phù hợp với các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vùng thường xuyên khô hạn, đang được gieo trồng rộng rãi ở khu vực Nam Trung Bộ, Miền núi phía Bắc và Nam Bộ.
Đoàn viên thanh niên Diễn Châu tham gia nạo vét kênh mương, ảnh tư liệu, minh họa |
Để bảo vệ diện tích trồng lúa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Trong đó, quy định các nội dung chi tiết liên quan đến quản lý và sử dụng đất trồng lúa, chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013); trong đó, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020.
Bảo vệ các diện tích trồng lúa, ảnh tư liệu minh họa |
Để đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng hạn hán, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
PV (TH)