Kinh tế

Chủ rừng ở Nghệ An sắp có thêm nguồn thu nhập từ bán tín chỉ các bon

Hoài Thu 28/08/2024 07:08

Nghệ An là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Người dân, các tổ chức nhận khoán, bảo vệ rừng sắp tới sẽ có thêm nguồn thu nhập từ bán tín chỉ các bon.

Chờ đón nguồn hỗ trợ mới

Theo chân anh Lương Văn Kim - Trưởng bản Bủng Xát, xã biên giới Châu Khê (Con Cuông) thăm những diện tích rừng do cộng đồng bản Bủng Xát quản lý, anh vui vẻ cho biết, từ bao đời nay người dân Bủng Xát chủ yếu sống dựa vào núi rừng. Ngoài hái lượm lâm sản phụ, trồng cây dưới tán rừng thì bà con còn có 2 nguồn thu nhập từ rừng, đó là tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng và tiền hỗ trợ từ Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững.

Trưởng bản Bủng Xát xã Châu Khê Con Cuông Lương Văn Kim giới thiệu các vùng rừng do cộng đồng bảo vệ ảnh Ht cùng các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng tự nhiên.
Trưởng bản Bủng Xát, xã Châu Khê (Con Cuông) Lương Văn Kim (ngoài cùng bên phải) giới thiệu các vùng rừng do cộng đồng bảo vệ. Ảnh: Hoài Thu

Theo các nguồn hỗ trợ, mỗi hộ gia đình ở bản Bủng Xát tuỳ theo diện tích rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng cây dưới tán rừng (chủ yếu là trồng tre, mét) được nhận kinh phí từ 1 - 3 triệu đồng/hộ. Cùng với đó là khoản thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/vụ thu hoạch tre, mét nên bà con rất yên tâm gắn bó với rừng, bảo vệ rừng. Còn các cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng ở xã Châu Khê trung bình được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng/cộng đồng/năm.

“Khi nghe thông tin sắp được nhận thêm một khoản kinh phí khác từ tiền bán tín chỉ các bon rừng bà con vui lắm. Để nhận được khoản tiền thêm này, vừa rồi các thôn, bản chúng tôi đã phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm kiểm đến xong diện tích rừng và các chủ rừng đủ điều kiện được thụ hưởng. Mong rằng nguồn tiền từ bán tín chỉ các bon rừng sẽ sớm về với người dân” - anh Lương Văn Kim vui vẻ chia sẻ thêm.

Theo ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, năm 2023, tổng số 9 thôn, bản của xã được nhận gần 680 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân gần 390 triệu đồng; tập thể các thôn, bản gần 290 triệu đồng.

Được biết, qua thống kê, năm 2024, huyện Con Cuông được UBND tỉnh phê duyệt 5.772 đối tượng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được thụ hưởng nguồn kinh phí từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua bán tín chỉ các bon rừng. Các đối tượng này quản lý hơn 28,5 nghìn ha rừng. Ngoài ra, UBND các xã của huyện Con Cuông quản lý hơn 10 nghìn ha rừng cũng sẽ được thụ hưởng nguồn kinh phí từ bán tín chỉ các bon.

Ảnh màn hình 2024-08-27 lúc 14.31.43
Khu vực rừng tự nhiên thuộc bản Bủng Xát được người dân bảo vệ. Thời gian tới sẽ được chi trả thêm kinh phí từ chương trình ERPA. Ảnh: Hoài Thu

Không chỉ ở huyện Con Cuông, nhiều huyện, thị khác trên địa bàn Nghệ An cũng sẽ được chi trả thêm nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2024. Ví như các địa phương, cộng đồng dân cư nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTT) Pù Hoạt.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Khu BTTT Pù Hoạt cho biết, đơn vị quản lý, bảo vệ gần 85 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 09 xã của huyện Quế Phong. Hàng năm, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức thực hiện giao khoán bảo vệ rừng hơn 65.000 ha cho 44 cộng đồng thôn, bản, tổng hơn 7.000 hộ gia đình tham gia, kinh phí hơn 18,5 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, mang lại thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/hộ gia đình/năm. Trong đó, nguồn hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng gần 12 tỷ đồng; số còn lại là nguồn hỗ trợ từ Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững.

dsc_3544.jpg
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nhân giống cây samu dầu quý hiếm hỗ trợ người dân trồng rừng. Ảnh: Hoài Thu

“Và nay người dân 44 thôn, bản trong vùng đệm Khu BTTT Pù Hoạt chuẩn bị có thêm nguồn thu nhập mới là kinh phí hỗ trợ từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính” - ông Nguyễn Văn Sinh cho biết. Theo Quyết định của UBND tỉnh ngày 2/7/2024, huyện Quế Phong đã được phê duyệt 44 cộng đồng thôn, bản thuộc Khu BTTT Pù Hoạt được thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính năm 2024.

Đẩy nhanh quy trình giải ngân

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2023, theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã được nhận số tiền hơn 115,6 tỷ đồng. Ngoài kinh phí chi trả tiền bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm (theo đơn giá của các lưu vực thuỷ điện), thì chính sách dịch vụ môi trường rừng cũng đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác bảo vệ rừng tốt hơn.

Đến nay, Nghệ An có số đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng là gần 21 nghìn chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và có hơn 1,3 nghìn hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

Ngoài được hưởng kinh phí hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng và các chương trình dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển lâm nghiệp bền vững với khoảng 100 tỷ đồng/năm, người dân sẽ được hưởng thêm nguồn hỗ trợ từ bán tín chỉ các bon rừng.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa tại rừng Tương Dương. Ảnh: Văn Trường
Hiện nay, Nghệ An đã hoàn thành công tác rà soát, kiểm đếm, phê duyệt xong danh sách các đối tượng được thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ Chương trình ERPA năm 2024. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay danh sách các đối tượng đủ điều kiện đáp ứng các quy định của ERPA đã hoàn thành. Cụ thể, đến hết tháng 7/2024, sau khi các địa phương rà soát, thống kê số liệu, các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt danh sách các đối tượng được thụ hưởng. Trên cơ sở danh sách này, dựa vào đơn giá giao dịch mua bán tín chỉ các bon rừng và các quy định liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, trực tiếp là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ xây dựng phương án chi trả trình UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện các thủ tục tiếp theo để hoàn thiện hồ sơ giải ngân nguồn hỗ trợ này.

Theo Quyết định của UBND tỉnh, sẽ có hàng chục nghìn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các tổ chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ được thụ hưởng nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2024.

Danh sách được phê duyệt có 3 nhóm đối tượng được hưởng nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2024. Nhóm thứ nhất là chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với 27.647 đối tượng được phê duyệt, hiện quản lý hơn 150,7 nghìn ha rừng. Nhóm thứ hai là 40 chủ rừng là các tổ chức, bao gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, công ty dược liệu, các nông lâm trường, các cơ quan, đơn vị khác. Các đối tượng nhóm 2 này đang quản lý hơn 521,4 nghìn ha rừng. Nhóm thứ ba gồm 19 UBND huyện với 211 xã có diện tích rừng được giao, hiện quản lý hơn 118,1 nghìn ha rừng.

Mới nhất

x
Chủ rừng ở Nghệ An sắp có thêm nguồn thu nhập từ bán tín chỉ các bon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO