Quốc phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chiến lược cách mạng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

H.T.N 14/05/2024 10:33

Chiến dịch Điện Biên Phủ khiến cả thế giới sửng sốt và khâm phục. Chiến thắng đó trước hết bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra.

Sau chiến dịch Biên Giới (cuối năm 1950), Quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng trong nhiều chiến dịch giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Quân Pháp ngày càng rơi vào tình trạng khốn đốn.

Để cứu vãn tình thế, tháng 5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Nava, Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Đầu tháng 7-1953, Nava vạch ra kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, trong đó chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất trong mùa Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. Bước thứ hai: Nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Sau khi sa lầy ở các chiến trường 1953, Pháp chủ trương xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là pháo đài kiên cố mà bộ đội ta không thể công phá được. Phương tây xem đây là một sự chuyển hướng có tính chiến lược của tướng Nava.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, tìm hiểu về cục diện chiến trường, đầu năm 1954, khi chủ trì cuộc họp Bộ chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch, điều động lực lượng lên Tây Bắc và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Quyết tâm của ta là: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”.

Điện Biên Phủ được cả ta và địch chọn làm trận đánh then chốt để kết thúc chiến tranh. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không thắng không đánh”.

Đây chính là sự chỉ đạo mang tính chiến lược, có ý nghĩa quan trọng quyết định thành công chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Chính nhờ tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những thay đổi về phương châm tác chiến đưa lại thắng lợi vang dội cho quân và dân ta.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, lần đầu tiên một nước thuộc địa ở châu Á tiêu diệt và bắt sống trên 1,6 vạn lính lê dương của một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến lược. Chiến thắng đó “khiến cả thế giới sửng sốt và khâm phục”.

Chiến thắng đó trước hết bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra.

Với tầm nhìn xa và chủ động, ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ: “Cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc kháng chiến toàn dân nên phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Quân và dân ta đã xây dựng được một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chi bộ ta là một tổ chức tham mưu”.

Thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã khiến quân Pháp đông mà hóa ít, muốn tập trung lực lượng mở chiến dịch/đòn đánh lớn, lại phải phân tán lực lượng để đóng giữ, đối phó. Địch muốn chủ động, cơ động tiến công hoặc ứng cứu đồng bọn, lại bị lực lượng kháng chiến tại chỗ, bị chiến tranh du kích kìm chân.

Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những tiêu biểu về thế hiểm mà chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân tạo nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bàn tay nắm lại thì tạo thành nắm đấm. Nếu duỗi ra thì dễ bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt, làm chúng thất bại hoàn toàn”.

Để phá âm mưu tập trung bằng được 84 tiểu đoàn trong thời gian ngắn của Tướng Nava hòng tạo thành lực lượng cơ động mạnh, tiến công ta, quân và dân ta đã chủ động tổ chức tiến công trên nhiều hướng chiến lược trọng yếu, như đưa quân lên giải phóng Lai Châu, buộc địch phải đổ quân xuống Điện Biên Phủ giữ Tây Bắc; cùng bộ đội Pa thét Lào tiến đánh Thà Khẹt và Hạ Lào, buộc địch phải phân tác chủ lực; tiến công Bắc Tây Nguyên buộc địch phải chia lực lượng chống đỡ Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa, Pleiku. Cùng với đó, ở vùng sau lưng địch, đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ chiến tranh du kích hoạt động mạnh mẽ.

Hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đan cài khiến Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp vốn đã khó khăn, càng cực kỳ lúng túng, bất lực, không có lối thoát trong Đông Xuân 1953-1954.

Trước thế trận và hình thức hoạt động quân sự phong phú của quân và dân ta, trong chiến tranh nhân dân, đã khiến cho gần nửa triệu quân Pháp và ngụy quân cùng 500 máy bay các loại, gần 1.000 xe tăng, xe bọc thép và hàng trăm tàu chiến địch phải phân tán, dàn mỏng khắp chiến trường Đông Dương rộng lớn, không thể ứng cứu cho đồng bọn nguy khốn ở Điện Biên Phủ.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc kháng chiến là chiến tranh nhân dân, kháng chiến lâu dài, kết hợp hai hình thức tác chiến du kích và chính quy… Những năm đầu kháng chiến, quân và dân ta đã thực hiện phương châm “du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ”. Với thời gian, phương châm tác chiến đã đi từ chiến tranh du kích tiến dần lên chiến tranh chính quy, từ đánh du kích tiến dần lên đánh vận động và đánh công kiên, luôn kết hợp chặt chẽ và linh hoạt các hình thức tác chiến đó.

Đến chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, ta đã xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp suốt từ Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ. Chính hiệu quả thế trận đó đã khoét sâu vào tử huyệt của quân xâm lược - mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng.

Từ đó, có thể nói ta đã “dẫn” quân Pháp đến địa bàn tác chiến thiên hiểm Điện Biên Phủ. Ta cũng giải quyết thành công và sáng tạo những vấn đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định đưa đến thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, chúng ta còn còn thực hiện phương châm chia cắt bầu trời, vô hiệu hóa đường băng các sân bay để triệt hỏa lực đường không, triệt đường tiếp tế, hậu cần của địch, buộc địch ngày càng khó khăn về hậu cần, vũ khí… Trong khi ta bảo vệ được các tuyến hậu cần, tiếp tế, bảo đảm đánh thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng dân tộc và thời đại thể hiện tầm nhìn chiến lược, thiên tài sáng tạo của Bộ Chính trị T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta.

Trận quyết chiến chiến lược ĐBP thật sự là cuộc đấu trí giữa hai bên ta và Pháp trong thời điểm quyết định của chiến tranh. Chiến thắng lịch sử đó đã đánh bại ý chí xâm lược và mọi thủ đoạn chiến tranh của địch, cả về chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự cả về vấn đề chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, trải qua ba đợt tiến công, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Mới nhất

x
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chiến lược cách mạng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO