Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, vun đắp hệ thống báo chí cách mạng

14/12/2016 09:02

(Baonghean.vn) - Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh số 282-SL ngày 14/12/1956 về chế độ báo chí, nhìn lại vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam.

Tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta được coi là tờ báo khai phá mở đường cho dòng báo chí là tờ Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, số 1 ra ngày 21/6/1925, tại đường Văn Minh, Quảng Châu, thủ đô của Cách mạng Trung Quốc lúc đó.

Trước khi về nước năm 1941, do bận nhiều công tác cách mạng quốc tế nên Nguyễn Ái Quốc không có điều kiện ra thêm tờ báo nào, trừ trường hợp tờ Thân Ái ở Thái Lan (1929). Hoạt động báo chí lúc đó của Người chủ yếu trên các phương tiện truyền thông của Quốc tế Cộng sản, của Liên Xô, Pháp, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Tờ báo cách mạng quan trọng thứ 2 mà Người xuất bản, ngay tại Pác Bó - Cao Bằng, trong những ngày đầu của Mặt trận Việt Minh, sự kiện chính trị lớn bậc nhất của bản thân Người sau sự kiện thành lập Đảng (3/2/1930), là tờ Việt Nam độc lập. Nguyễn Ái Quốc đã chuyển phong cách làm báo lý luận, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lênin, nhận thức về chế độ thực dân và phương pháp cách mạng có tính chuyên nghiệp của báo Thanh Niên sang một tờ báo hết sức giản dị cho quần chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng mở ra loại hình “báo của các tổ chức quần chúng (chủ yếu là Mặt trận Việt Minh, của Công hội, Phụ nữ...) bên cạnh hệ thống báo chí cách mạng của các tổ chức Đảng.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đội ngũ những người làm báo cách mạng đông đảo thêm và ngày càng “có nghề”. Vì thế hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh dù rất phong phú, nhưng chủ yếu với tư cách người viết báo.

Việc hình thành “hệ thống báo chí” cách mạng còn in dấu nhiều đóng góp khác của Người, như việc từng bước xây dựng cơ sở lý luận, đào tạo cán bộ báo chí,... mà Người hết sức quan tâm. Những sắc lệnh về báo chí xuất bản đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ký, có lẽ văn bản sớm nhất là vào ngày 18/9/1945, vẫn được coi là nền móng cho việc xây dựng luật pháp báo chí của nước Việt Nam mới. Trong kháng chiến chống Pháp, dấu ấn của người in rõ trong việc mở lớp đào tạo báo chí mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc.

Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng
Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng

Nhìn lại lịch sử báo chí cách mạng nước ta trước năm 1954 cũng đã cho thấy dấu ấn của Hồ Chí Minh là ở chỗ bên cạnh việc vận dụng công thức trên, Người còn đặc biệt coi trọng chức năng giáo dục đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, tính thực tiễn của báo chí.

Từ cuối năm 1929 báo chí cách mạng dần dần xuất hiện trong nước. Khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời cũng là lúc xuất hiện tờ Búa Liềm. Cuối năm 1929, Ban Công vận của Đảng có tờ Công hội đỏ. Đặc biệt, Tổng Công hội đỏ ở Bắc Kỳ dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Đức Cảnh đã ra mắt tờ báo Lao động ở Hà Nội, tờ báo tồn tại đến nay, vẫn cái tên ấy, được coi là một trong những tờ báo lớn của nước ta hiện nay và có độ tuổi lâu nhất. Cuối năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra mắt báo Đỏ.

Đặc biệt, 6 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 5/8/1930 Trung ương Đảng ra mắt tạp chí lý luận đầu tiên, tờ Tạp chí Đỏ và báo Tranh đấu ngày 15/8/1930.

Hệ thống báo Đảng hình thành trước hết theo mô hình tổ chức của Đảng: có báo của Trung ương, rồi lần lượt các báo của các Xứ ủy cũng ra đời, như: Cờ đỏ, Giải phóng của Xứ ủy Nam Kỳ; Sóng cách mệnh, Bônsêvic của Xứ ủy Trung Kỳ...

Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu

Cơ sở Đảng ở các địa phương cũng có nhiều tờ báo độc đáo như Ximoong của Hải Phòng; Than của Cẩm Phả, Đông Triều; Bồi bếp, Thùng dầu của Sài Gòn-Gia Đinh...Riêng khu vực Nghệ Tĩnh, trong cao trào 1930-1931, có tới 30 tờ báo của Xứ ủy, Tỉnh ủy và các huyện bộ, trong đó nổi tiếng nhất là tờ Sóng cách mệnh do Nguyễn Phong Sắc trực tiếp điều khiển.

Trên thế giới, ít có Đảng Cộng sản nào ở các xứ thuộc địa lại có các loại hình báo chí trong tù phong phú như Đảng ta! Những tờ báo, tạp chí có khi chỉ như tờ truyền đơn, nhỏ như bàn tay cũng có khi được ấn hành khá chỉnh trang. Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội có báo Con đường chính, Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường... Nhà tù Côn Đảo có Những người tù đỏ, Hòn Cau, Ý kiến chung, Qua tiếng sóng hận... Nhà tù Sơn La có Suối reo năm ấy, nhà tù Quảng Nam có Nẻo nhà pha...

Nói chung báo chí cách mạng của Đảng ta trước năm 1945 luôn phải hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, bất hợp pháp, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng rất linh hoạt nhạy bén với thời cuộc. Giai đoạn 1936-1939 được coi là thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương là cơ hội để Đảng ta có thể xuất bản báo chí công khai hợp pháp, và không chỉ xuất bản tiếng Việt. Các tờ báo Pháp ngữ như LeTravail (Lao động), Rassemblement (Tập hợp), En avant (Tiến lên), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Peuple (Dân chúng)...đã trở thành niềm tự hào của báo chí cách mạng nói chung.

Là lãnh tụ của cách mạng, của Đảng, bản thân Nguyễn Ái Quốc là một cây bút báo chí lớn. Vì thế ảnh hưởng của Người, ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã góp phần to lớn trong việc hình thành và phát triển dòng báo chí cách mạng, di sản quan trọng bậc nhất trong những di sản văn hóa cách mạng của Đảng ta trước khi cầm quyền.

Bác Hồ đọc báo cho các cháu nghe tại trại nhi đồng ở Việt Bắc.
Bác Hồ đọc báo cho các cháu nghe tại trại nhi đồng ở Việt Bắc.

Làm báo là một nghề. Tính cách “chuyên nghiệp hóa” của báo chí cách mạng còn được Đảng ta quan tâm nhiều mặt, từ nhân tố con người đến cơ sở pháp lý: năm 1939, lần đầu tiên Đảng ta tác động mở Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ, tháng 12/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép thành lập Đoàn báo chí Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay; tháng 6/1950, Chính phủ chính thực quyết định cho thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, từ đó đến nay đã trải qua 7 kỳ Đại hội.

Cũng như nhiều lĩnh vực văn hóa khác, trên mặt trận báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt. Người thể hiện lòng mong mỏi “báo chí phải góp vào gương mặt văn hóa của nước Việt Nam mới” (bài: “Nửa giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Nguyễn Tường Phượng, báo Tri Tân số 20/9/1945). Đặc biệt, ngày 14/12/1956, Người đã ký Sắc lệnh số 282-SL về chế độ báo chí xuất bản của nước Việt Nam mới. Sắc lệnh Báo chí năm 1956 đã khẳng định và đánh dấu thắng lợi về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, của nhân dân Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới của nền báo chí nước nhà, là viên gạch đầu tiên để sau này giới báo chí có Luật Báo chí 1990...

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, vun đắp hệ thống báo chí cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO