Chủ tịch nước dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp

25/11/2016 07:55

Chủ tịch nước dự hội nghị trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ đang tiếp tục củng cố và tăng cường.

Hôm nay (25/11), Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 16 được tổ chức tại Antananarivo Madagascar từ ngày 26-27/11/2016.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ đang tiếp tục củng cố và tăng cường.

Từ sáng kiến của cố Tổng thống Léopold Sédar Senghor, đầu những năm 60 đã bắt đầu dấy lên phong trào vận động thành lập một Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp với mục đích tăng cường các mối quan hệ văn hoá, khoa học và kỹ thuật.

Sau đó nhiều tổ chức quốc tế sử dụng tiếng Pháp được thành lập như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp; Hiệp hội các trường đại học sử dụng từng phần hoặc toàn phần tiếng Pháp; Liên minh các nghị sĩ nói tiếng Pháp...

Ngày 20/3/1970, Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT), hiện là OIF, được thành lập. Do đó, Cộng đồng Pháp ngữ đã lấy ngày 20/3 là ngày Quốc tế Pháp ngữ. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, hợp tác Pháp ngữ trong các tổ chức nói trên vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhiều nước muốn có một tổ chức có tầm vóc chính trị, có vị trí và tiếng nói đáng kể trong quan hệ quốc tế.

Chính vì vậy, vào tháng 2/1986, theo sáng kiến của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Paris với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp. Việc này đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp.

Từ đó đến nay, Cộng đồng đã tổ chức được 15 hội nghị cấp cao. Hiện Cộng đồng có tổng cộng 80 thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục, với khoảng 220 triệu người nói tiếng Pháp trên tổng số 890 triệu người. Văn hóa và ngôn ngữ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng. Bảo vệ đa dạng văn hóa và ngôn ngữ luôn là mục tiêu nhất quán của Cộng đồng và gắn với việc thúc đẩy tiếng Pháp trên các diễn đàn quốc tế.

Việt Nam chính thức gia nhập Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT) - tiền thân của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ vào năm 1979. Kể từ đó, Việt Nam đã tham gia vào nhiều tổ chức khác nhau của Cộng đồng Pháp ngữ. Trong đó, Việt Nam đã tích cực tham dự tất cả Hội nghị Cấp cao của Cộng đồng kể từ Hội nghị lần đầu tiên tổ chức vào tháng 2/1986 tại Paris. Đây là thể chế chính trị cao nhất của Cộng đồng.

Việt Nam cũng tham gia đóng góp thực chất tại các cơ quan, thể chế khác nhau của Cộng đồng như làm Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (1996), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (1996-1997), Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ (1997-1998), Phó Chủ tịch Cơ quan nghị viện Pháp ngữ (2007-2009 và 2009-2011), Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Hành chính (2009-2011 và 2011-2013) và Chủ tịch Ủy ban hợp tác và chương trình (2013-2015) của Hội đồng Thường trực Pháp ngữ.

Việt Nam luôn tích cực góp phần vào việc củng cố và phát triển Cộng đồng theo hướng: bảo vệ và tăng cường tình đoàn kết Pháp ngữ - truyền thống quý báu của Cộng đồng, bảo đảm hài hòa các định hướng phát triển cơ bản của Cộng đồng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế.

Với việc tham gia vào Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam có điều kiện mở rộng quan hệ với nhiều nước châu Phi, là khu vực nước ta có quan hệ đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giải phóng và giành độc lập dân tộc nhưng còn ít quan hệ hợp tác kinh tế, đồng thời khai thác được sự hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực và phần nào viện trợ của các nước phát triển và các tổ chức trong Cộng đồng, có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước.

Năm 1997, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7. Đây là Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ đầu tiên và duy nhất cho tới nay được tổ chức ở Châu Á. Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình phát triển của Cộng đồng thông qua việc nâng hợp tác kinh tế lên thành một lĩnh vực hoạt động bên cạnh lĩnh vực chính trị và văn hóa-ngôn ngữ, sửa đổi Hiến chương Pháp ngữ và lần đầu tiên bầu ra Tổng Thư ký Pháp ngữ.

Qua việc tổ chức Hội nghị, một lần nữa Việt Nam thể hiện mong muốn và cam kết đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng. Với những đóng góp tích cực của Việt Nam, Cộng đồng Pháp ngữ luôn coi Việt Nam là nước có vai trò đầu tàu về Pháp ngữ tại khu vực và là một thành viên có vị trí quan trọng trong Cộng đồng.

Thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực góp phần vào việc củng cố và phát triển Cộng đồng theo hướng: Bảo vệ và tăng cường tình đoàn kết Pháp ngữ - truyền thống quý báu của Cộng đồng, bảo đảm hài hòa các định hướng phát triển cơ bản của Cộng đồng trên lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế. Việt Nam chủ trương tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động theo hướng: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách nhất quán và lâu dài của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ; Tham gia và đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động chung của Cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển tại các nước thành viên; Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của Cộng đồng Pháp ngữ phát triển hoạt động hợp tác tại Việt Nam.

Chính sách của Việt Nam đối với Cộng đồng Pháp ngữ là nhất quán. Việc tham gia Cộng đồng Pháp ngữ là nhằm cụ thể hóa đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, qua đó đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh trên thế giới./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch nước dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO