Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nâng cao chất lượng đào tạo luật là vấn đề cấp bách hiện nay
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhấn mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo luật là một vấn đề cấp bách hiện nay, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Sáng 13/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo năm 2022.
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo năm 2022. |
Dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Cùng dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Cho ý kiến về Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thiện Đề án với chất lượng và tính khả thi cao, là cơ sở để công tác đào tạo luật đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập đất nước.
Phiên họp này, BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án hình sự và cho ý kiến vào Báo cáo kết quả hoàn thiện Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật theo kết luận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Cải cách tư pháp Trung ương trong các phiên họp năm ngoái.
Về Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, một số thành viên dự họp đề nghị, cần mạnh dạn xây dựng quy hoạch lại mạng lưới đào tạo cử nhân luật, đưa ra các tiêu chí cao hơn. Cần có cơ quan chủ trì xây dựng mạng lưới quy hoạch các cơ sở đào tạo về luật, có lộ trình rõ ràng, khoa học, khả thi. Cần bổ sung điều kiện chia tách, thành lập mới các cơ sở đào tạo cử nhân luật; có biện pháp xử lý đối với các đơn vị đào tạo luật không đạt chuẩn…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương nhấn mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo luật là một vấn đề cấp bách hiện nay, phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Và đây là lần thứ ba trong 1 năm rưỡi qua BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến về Đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật, do Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo. Cho rằng Đề án triển khai chậm tiến độ và thiếu tính khả thi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc hoàn thiện Đề án.
Theo Chủ tịch nước Đề án chưa tiếp thu tinh thần chỉ đạo của BCĐ Cải cách Tư pháp Trung ương, trong đó, tính logic, chặt chẽ, tính cách mạng để nâng cao chất lượng cử nhân luật chưa được thể hiện rõ. Hiện có tới gần 100 trường đào tạo về luật nhưng nhiều đơn vị không đủ giảng viên, cơ sở vật chất. Chủ tịch nước nhắc lại Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị là phải tập trung vào hai trường trọng điểm gồm Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TPHCM.
Chủ tịch nước phát biểu tại phiên họp. |
Nêu các tồn tại đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Trung ương, yêu cầu triển khai một số biện pháp thời gian tới. Cụ thể, hệ thống biện pháp nâng cao chất lượng phải nghiêm túc, chặt chẽ, thực sự tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam thời gian tới. Phải mạnh dạn, kiên quyết trong quy hoạch mạng lưới, trong giáo trình, giáo án, trong tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, trong giáo viên cơ hữu... Từ phiên họp trước đã nêu, trên tinh thần thảo luận của hai phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp thay mặt Ban Chỉ đạo thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ vấn đề đào tạo cử nhân luật để trình Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê chuẩn đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam với tinh thần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Phải có chất lượng hơn nữa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Đối với công tác thi hành án hình sự, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là vấn đề hệ trọng, nâng cao kỷ cương phép nước nên không để tồn đọng kéo dài và đặc biệt phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cũng nhắc lại 14 nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo năm 2022, yêu cầu các thành viên BCĐ thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm là thành lập một số đoàn công tác do đồng chí Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực của Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đi khảo sát về tình hình công tác tư pháp và cải cách tư pháp tại một số cơ quan trung ương, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan tư pháp, qua đó kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tháo./.